| Hotline: 0983.970.780

Cứ mưa lớn là... chạy đến nơi an toàn

Thứ Tư 11/10/2023 , 06:25 (GMT+7)

Người dân xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng đã rút ra bài học đắt giá sau vụ sạt lở đất kèm lũ quét kinh hoàng từng xảy ra nơi mình sinh sống.

Mưa lớn là người dân nhanh chóng di dời

Chúng tôi trở lại xóm Núi - nơi từng xảy ra vụ sạt lở đất kèm lũ quét khiến 11 người bị chết, nhiều người bị thương và hàng trăm căn nhà bị hư hỏng và sập hoàn toàn.

Xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng từng xảy ra sạt lở đất kèm theo lũ quét kinh hoàng. Ảnh: KS.

Xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng từng xảy ra sạt lở đất kèm theo lũ quét kinh hoàng. Ảnh: KS.

7 giờ ngày 18/11/2018, trên địa bàn TP Nha Trang mưa như trút nước. "Thác nước" từ trên núi kéo theo đất đá đè bẹp nhiều nhà dân ở xóm Núi.

Ông Lê Văn Sửu sinh sống tại đây hơn 20 năm, nhưng chưa bao giờ thấy trận lũ quét nào kinh hoàng như vậy. Bà con trong xóm chứng kiến cảnh tưởng đất đá lăn nhấn chìm nhiều nhà dân, ai nấy sợ chết khiếp, nhanh chóng tháo chạy để thoát nạn. May mắn, cả gia đình ông đều chạy kịp lên núi cao nếu không cũng bị vùi lấp cùng ngôi nhà đang ở.

Ông Lê Văn Sửu vẫn không quên vụ sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng nhiều người dân trong xóm. Ảnh: KS.

Ông Lê Văn Sửu vẫn không quên vụ sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng nhiều người dân trong xóm. Ảnh: KS.

Gần 5 năm trôi qua, ông Sửu vẫn không quên nỗi ám ảnh trong quá khứ mỗi khi mưa bão xuất hiện. Do đó, gia đình ông cũng như bà con trong xóm đều nâng cao tinh thần cảnh giác thiên tai, chủ động di dời đến nơi an toàn.

“Sau ngày lũ quét, cứ mưa lớn, nước trên núi xuống là cả gia đình tôi đều rời nhà đến nương nhờ nhà người thân. Khi hết mưa, gia đình mới quay trở lại nhà sinh hoạt bình thường”, ông Sửu nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoa gần nhà ông Sửu cũng rút ra bài học đắt giá sau vụ sạt lở đất kèm lũ quét kinh hoàng xảy ra trong xóm. Bà Hoa cho biết, năm ấy, nhà bà và nhà 2 con gái đều bị nước, đất bùn tràn vào, tất cả tài sản đều hư hỏng. Cả gia đình run rẩy, may mắn chạy thoát thân. Biết thiên tai ngày càng khó lường, có thể ấp xuống bất cứ lúc nào nên mỗi khi mưa lớn, gia đình bà lại ra con suối “canh nước” trên núi chảy xuống để tính toán di dời đến nhà văn hóa thôn hoặc người thân nhằm tránh trú an toàn.

Bà Nguyễn Thị Hoa cho biết, mỗi khi mưa lớn là nhanh chóng di dời đến nơi an toàn. Ảnh: KS.

Bà Nguyễn Thị Hoa cho biết, mỗi khi mưa lớn là nhanh chóng di dời đến nơi an toàn. Ảnh: KS.

Theo người dân xóm Núi, hiện nơi đây có khoảng 400 hộ dân. Hầu hết bà con sinh sống trong các nhà cấp 4 lợp mái tôn, không kiên cố. Vào mùa mưa bão, người dân đối diện với nhiều khó khăn, thiên tai đe dọa hàng ngày. Dù tỉnh, thành phố đã lên phương án, song chưa biết khi nào người dân mới được di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.

Qua tiếp xúc nhiều người dân ở xóm Núi, họ có nguyện vọng được định cư tại chỗ. Họ mong muốn chính quyền đầu tư lại cơ sở hạ tầng, điện nước và cho xây dựng lại nhà kiên cố để ổn định cuộc sống. Bởi phương án của chính quyền là xây nhà chung cư để di dời dân vào ở là không phù hợp. Do toàn bộ dân ở đây chủ yếu làm nghề biển, đồ đạc ngư lưới cụ rất nhiều, đưa về chung cư sẽ không đảm bảo.

Ông Nguyễn Tiến Luật, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, rút kinh nghiệm từ những vụ sạt lở đất xảy ra trên địa bàn, thời gian qua địa phương thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra trật tự xây dựng, khai thác, san ủi đất đá tại các khu vực đồi núi, ven sông, ven suối có nguy cơ sạt lở để tham mưu UBND thành phố xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Để ứng phó thiên tai trong những tháng cuối năm, địa phương sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chủ động giúp dân chằng chống nhà cửa và sẵn sàng sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Ngoài ra, địa phương đã chủ động đề xuất UBND TP Nha Trang cấp kinh phí nạo vét hệ thống mương thoát nước các khu vực bị ách tắc dòng chảy như: mương thoát nước thôn Phước Điền, thôn Phước Lợi, thôn Phước Hạ; hồ điều hòa khu vực xóm Núi, thôn Thành Phát.

Lên phương án ứng phó thiên tai

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, trong các tháng cuối năm 2023 sẽ có 1 - 2 cơn bão, áp thất nhiệt tới ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến khu vực Khánh Hòa.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai trong một chuyến thị sát tại xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai trong một chuyến thị sát tại xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: KS.

Từ tháng 10 - 12 trên các sông khu vực có khả năng xuất hiện 2 - 3 trận lũ vừa và lớn, trên sông Dinh (địa phận thị xã Ninh Hòa) ở mức báo động 2-3, trên sông Cái Nha Trang ở mức báo động 1-2. Các trận lũ lớn tập trung chủ yếu vào tháng 10 và tháng 11. Lượng dòng chảy trên sông Cái Nha Trang ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 40%.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ cảnh báo tỉnh Khánh Hòa cần hết sức đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn trong thời gian ngắn, bão mạnh và lũ lụt, gió mạnh trên biển…trong giai đoạn các tháng cuối năm.

Theo dõi của cúng tôi thì những năm qua, loại hình thiên tai xảy ra ở tỉnh Khánh Hòa gây thiệt hại nặng nề nhất  là sạt lở đất và mưa bão. Trước dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn về việc mưa bão năm nay, các địa phương tỉnh Khánh Hòa cần chủ động ứng phó thiên tai ngay từ bây giờ là hết sức cần thiết.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Khánh Hòa cho biết, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các đợt thiên tai trong các năm qua, để đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với tàu thuyền, lồng bè và các khu vực sạt lở đất, hiện nay từng địa phương, đơn vị đã thực hiện rà soát từng lĩnh vực, địa bàn phụ trách để nắm bắt số liệu thực tế và xây dựng phương án ứng phó cụ thể. Từ đó hướng dẫn, tổ chức sơ tán đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và tài sản của người dân khi có thiên tai xảy ra.

Nuôi trồng thủy sản ở xã Cam Bình, TP Cam Ranh bị do sóng lớn đánh tan nát vào năm 2021. Ảnh: KS.

Nuôi trồng thủy sản ở xã Cam Bình, TP Cam Ranh bị do sóng lớn đánh tan nát vào năm 2021. Ảnh: KS.

Theo ông Nguyễn Duy Quang, hiện toàn tỉnh có khoảng 2.200 bè với gần 113.000 ô lồng nuôi thủy sản của 6.100 người dân thường xuyên hoạt động trên các lồng bè. Đối với khu vực có nguy cơ sạt lở đất, hiện toàn tỉnh có 216 vị trí với khoảng 27.300 người cần sơ tán, tập trung chủ yếu ở địa bàn TP Nha Trang với 130 vị trí với 16.500 người cần sơ tán.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các đối tượng nêu trên khi có thiên tai xảy ra, Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện các nội dung.

Một là, rà soát nắm chắc số lượng người dân tại các khu vực nuôi trồng thủy sản trên lồng bè, các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất để có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân phù hợp với từng tình huống thiên tai.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về phòng chống thiên tai, đặc biệt đối với người dân tại các khu vực xung yếu.

Ba là, rà soát các kịch bản, phương án tổ chức tuyên truyền, vận động người dân sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có thiên tai xảy ra, kể cả tính toán các kịch bản cưỡng chế sơ tán, ngăn chặn tình trạng người dân quay trở lại các khu vực đã được di dời nhằm hạn chế các thiệt hại về người đáng tiếc xảy ra.

Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Khánh Hòa, để thực hiện tốt công tác ứng phó thiên tai trong các tháng cuối năm 2023, đề nghị các cấp chính quyền rà soát nắm chắc số hộ, số người có nguy cơ ảnh hưởng; rà soát lực lượng, các trang bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, công tác hậu cần lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu của từng đơn vị, cá nhân; chất lượng, công năng của từng điểm sơ tán dân để chủ động các biện pháp ứng phó, sơ tán dân đảm bảo an toàn đối với từng tình huống thiên tai xảy ra. Thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, mỗi hộ gia đình, mỗi địa phương cần phải tự chuẩn bị cho mình đầy đủ những gì cần thiết nhất để thực hiện việc phòng ngừa, ứng phó với thiên tai ở mọi thời điểm, mọi địa bàn.

Xem thêm
Thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thành công của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chính là thành công của Việt Nam và ngược lại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.