| Hotline: 0983.970.780

Cư Pơng về đích

Thứ Sáu 01/11/2024 , 09:52 (GMT+7)

Bằng sự nỗ lực từ chính quyền địa phương và đồng lòng của người dân, xã Cư Pơng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Xã Cư Pơng, huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) là vùng căn cứ cách mạng, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%. Năm 2012, chính quyền và người dân xã Cư Pơng bắt đầu triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm khi chỉ đạt 3/19 tiêu chí.

Tuy nhiên, nhờ phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nội lực của nhân dân đến nay diện mạo nông thôn của xã Cư Pơng đã có nhiều đổi thay. Đến nay, địa phương này đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và đang làm hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Khi thực hiện chương trình nông thôn mới đường liên xã, trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt tỷ lệ 100%; 75% đường ngõ xóm không bị lầy lội vào mùa mưa. Kênh mương nội đồng kiên cố, đủ nước tưới tiêu, phục vụ gieo trồng hơn 85% đất sản xuất nông nghiệp. Hơn 98% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, bảo đảm phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của địa phương hiện nay là 4,86% dưới quy định.

Chính quyền xã Cư Pơng vận động, tuyên truyền người dân tái canh cây trồng từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: Quang Yên.

Chính quyền xã Cư Pơng vận động, tuyên truyền người dân tái canh cây trồng từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: Quang Yên.

Bên cạnh đó, để tạo "cú hích" phát triển kinh tế cho người dân, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Qua đó, nhiều mô hình đa cây, đa con có năng suất, chất lượng cao được hình thành, nhân rộng như: hồ tiêu xen cà phê, cà phê xen canh sầu riêng, mít, chanh dây... Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, sản xuất lạc hậu, nhân dân xã Cư Pơng đã ổn định cuộc sống, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người của xã Cư Pơng năm 2024 đạt 50 triệu đồng/năm.

Bà H’Liên Niê, Trưởng buôn Ea Liăng (xã Cư Pơng) cho biết, những năm trước đường giao thông nông thôn chưa được bê tông hóa nên việc đi lại sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Sau khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, đường xá được đầu tư, đi lại thuận lợi, bà con tham gia tập huấn nông nghiệp, tìm hiểu kỹ thuật canh tác và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để phát triển kinh tế. “Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư các giống cây ăn trái có năng suất, giá trị cao, từ đó vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”, bà H’Liên thông tin.

Ông Phạm Văn Cháng, Chủ tịch UBND xã Cư Pơng cho biết, sau hơn 12 năm phấn đấu, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, sự quyết tâm, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ xã đến thôn, buôn và đặc biệt là sự đoàn kết, tự giác, nỗ lực cao của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã đã vượt qua khó khăn thử thách, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã Cư Pơng hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn, đạt kế hoạch của Huyện ủy, UBND huyện đề ra.

Theo ông Cháng, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Cư Pơng luôn chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia với chính quyền địa phương. “Địa phương ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Về làng Kim Long thưởng thức 'tứ đại danh tửu'

Quảng Trị Cuối tháng 11 âm lịch, làng nghề Kim Long ngày đêm đỏ lửa. Mỗi ngày có hàng nghìn lít rượu men lá từ làng nghề này được bán đi khắp mọi miền Tổ quốc.