| Hotline: 0983.970.780

Cửa cống Cái Lớn - Cái Bé bị sà lan đâm hư hại 2 lần

Thứ Hai 08/05/2023 , 20:00 (GMT+7)

Kiên Giang Sau các vụ tai nạn gây thiệt hại về người, phương tiện, ảnh hưởng đến công trình, ngày 8/5 các cơ quan chức năng họp bàn giải pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng

Chiều 8/5, tại nhà điều hành cống Cái Lớn (xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam đã tổ chức họp về công tác phối hợp đảm bảo an toàn và xử lý vi phạm giao thông thủy nội địa qua khu vực công trình Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô thuộc hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.

Tham dự có lãnh đạo Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT), tỉnh Kiên Giang có đại diện Sở Giao thông - Vận tải, Sở NN-PTNT, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an huyện An Biên và Châu Thành.

Sà lan biển số AG-22973 lưu thông theo hướng từ phía sông ra phía biển đã đi vào luồng cấm và va chạm với cửa van số 11 tại khoang KL11 cống Cái Lớn vào ngày 7/4/2023. Ảnh: Trung Chánh.

Sà lan biển số AG-22973 lưu thông theo hướng từ phía sông ra phía biển đã đi vào luồng cấm và va chạm với cửa van số 11 tại khoang KL11 cống Cái Lớn vào ngày 7/4/2023. Ảnh: Trung Chánh.

Báo cáo tại buổi họp, ông Lê Tự Do, Giám đốc Chi nhánh ĐBSCL Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam cho biết, từ năm 2022 cho đến nay, đã xảy ra 2 vụ sà lan va chạm, đâm va vào cửa van cống Cái Lớn, gây thiệt hại về người, phương tiện và ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Cụ thể, ngày 22/9/2022, sà lan biển số CM-24080 do ông Lê Vũ Linh (SN 1982) làm thuyền trưởng đã va chạm với cửa van khoang KL2 của cống Cái Lớn. Hậu quả ụ tai nạn làm rơi cabin sà lan xuống sông, người trực tiếp điều khiển sà lan là Bùi Văn Hùng (SN 2006) bị mất tích, thi thể được tìm thấy tại vùng biển Rạch Giá sau gần 1 tuần tìm kiếm. Vụ tai nạn không có thiệt hại về công trình.

Nguyên nhân vụ tai nạn được các cơ quan chức năng xác định sự cố va chạm hoàn toàn do lỗi người điều khiển phương tiện gây ra như chưa đủ tuổi, chưa có bằng điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật, điều khiển phương tiện đi vào luồng cấm lưu thông.

Lượng lượng chức năng kiểm tra hư hại cửa van cống Cái Lớn bị hư hại do sà lan đâm va làm biến dạng. Ảnh: Trung Chánh.

Lượng lượng chức năng kiểm tra hư hại cửa van cống Cái Lớn bị hư hại do sà lan đâm va làm biến dạng. Ảnh: Trung Chánh.

Gần đây là vụ tai nạn xảy ra ngày 7/4/2023, sà lan biển số AG-22973, do tài công Lê Thành Lập (SN 1993) đang lưu thông theo hướng từ phía đồng ra phía biển, đã đi vào luồng cấm và va chạm với cửa van số 11 tại khoang KL11 cống Cái Lớn (phía bờ An Biên). Nguyên nhân được các cơ quan chức năng bước đầu xác định nguyên nhân chính gây ra vụ va chạm là hệ thống lái của sà lan xảy ra sự cố nên không thể điều khiển phương tiện đi đúng luồng quy định. Ngoài hư hại phương tiện, vụ tai nạn làm đáy cửa van khu vực va chạm bị móp, méo, một số đoạn gioăng cao su đáy bị bong, rách, mặt tôn bưng cửa van bị móp, trầy xước lớp sơn phủ, chân dầm dẫn hướng phía hạ lưu (lắp bên trụ T13) bị xô lệch về phía hạ lưu khoảng 3 - 5mm.

Cần có sự phối hợp đồng bộ

Trước khi họp trao đổi về công tác phối hợp đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực công trình thủy lợi, các đại diện các đơn vị đã kiểm tra thực địa hệ thống biển báo giao thông đường thủy khu vực công trình cống Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô.

Lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đang phối hợp xử lý hậu quả vụ tai nạn giao thông đường thủy do sà lan đâm va vào cửa van công Cái Lớn. Ảnh: Trung Chánh.

Lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đang phối hợp xử lý hậu quả vụ tai nạn giao thông đường thủy do sà lan đâm va vào cửa van công Cái Lớn. Ảnh: Trung Chánh.

Đối với cống Cái Bé có 2 cửa van và khoang âu thuyền, cống âu thuyền Xẻo Rô, các phương tiện qua lại tuân thủ theo luồng hướng dẫn. Cống Cái Lớn, bao gồm 11 khoang cống có khẩu độ 40m và 1 khoang âu thuyền khẩu độ 15m. Trường hợp cống không vận hành, toàn bộ các cửa mở, treo đúng với cao trình thiết kế, hoặc vận hành nhưng đóng không hoàn toàn, chỉ đóng 7/11 hoặc 9/11 cửa, cửa KL5, KL6 luôn mở, các phương tiện lưu thông qua cống từ hướng sông ra biển sẽ qua khoang KL5, nếu di chuyển theo hướng từ biển vào sông sẽ qua khoang KL6, các khoang còn lại cấm lưu thông. Trường hợp cống đóng hoàn toàn 11 cửa van, phương tiện giao thông thủy di chuyển qua âu thuyền.

HÌnh ảnh sà lan vô tư đi vào luồng cấm tại cống Cái Lớn được ghi nhận vào chiều 8/5/2023. Ảnh: Trung Chánh.

HÌnh ảnh sà lan vô tư đi vào luồng cấm tại cống Cái Lớn được ghi nhận vào chiều 8/5/2023. Ảnh: Trung Chánh.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận ngay trong buổi đi kiểm tra, các phương tiện lưu thông qua lại khu vực cống Cái Lớn khá lộn xộn, đi không đúng luồng theo biển báo hiệu, thậm chí là vô tư đi vào luồng cấm, đi vào luồng ngược chiều.

Tại buổi họp, các đại biểu nêu ý kiến cần điều chỉnh lại một số biển chỉ dẫn phù hợp hoặc cần có loại biển chỉ dẫn lớn hơn để dễ quan sát. Đồng thời, tăng đèn chiếu sáng vào ban đêm tại các cửa van để tàu, thuyền nhận biết và đi đúng luồng chỉ định. Thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy, cũng như tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.