Công trình cũng thể hiện sự thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ tư duy chống đỡ sang tư duy chủ động.
300 hộ bàn giao sớm mặt bằng, 100 hộ hiến đất xây dựng gần 6km đê bao
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp trù phú. Nhưng hơn 1 thập kỷ qua, vùng đất này phải hứng chịu những đợt hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở và rất nhiều thách thức khác.
Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tinh thần “thuận thiên” là chủ đạo trong thực hiện nghị quyết này. Tuy nhiên, thuận thiên không có nghĩa là phó mặc cho tự nhiên mà phải có những giải pháp để thích ứng.
Bên cạnh đó, với chiến lược xoay trục sản phẩm chủ lực từ lúa gạo – trái cây – thuỷ sản sang thuỷ sản – trái cây – lúa gạo của ngành nông nghiệp, một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra, đó là xây dựng các công trình kiểm soát nguồn nước (coi nước mặn, nước lợ và nước ngọt đều là tài nguyên để ĐBSCL phát triển kinh tế).
Ông Lê Hồng Linh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT), nguyên Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 10 (chủ đầu tư dự án Hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé) chia sẻ: “Hàng chục năm trước, việc kiểm soát nguồn nước lưu vực sông Cái Lớn đã được các nhà khoa học đặt ra và đưa vào quy hoạch thuỷ lợi vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống thuỷ lợi này”.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình và ủng hộ, một số chuyên gia, nhà quản lý cũng giãi bày sự băn khoăn, lo lắng về siêu công trình này. Bởi vùng ảnh hưởng của dự án trải rộng trên 6 tỉnh ĐBSCL, có thể có những tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái của khu vực…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thuỷ lợi đầu ngành, trong đó có GS. TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định rằng: “Không thể không làm cống Cái Lớn – Cái Bé”, nhất là trong tương lai, chúng ta phải có phương án sống chung với lũ.
Sau khi thực hiện kỹ lưỡng các lưu ý, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lấy ý kiến các địa phương và làm rõ những vấn đề có liên quan, đặc biệt đã cầu thị, tiếp thu những ý kiến đặc biệt tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực để hoàn thiện dự án đảm bảo hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường, cuối năm 2018, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt đầu tư dự án.
Vì lợi ích chung, gần 300 hộ dân đã chấp thuận bàn giao sớm mặt bằng xây dựng công trình. Đặc biệt có trên 100 hộ dân đã hiến đất để xây dựng gần 6 km đê bao.
Những cuộc kiểm tra bất ngờ trong đêm dưới những hố móng sâu
Ông Lê Hồng Linh Chia sẻ, đây là công trình lớn, có tính chất kỹ thuật đặc biệt phức tạp, nhưng toàn bộ công tác từ thiết kế, thi công đều do người Việt Nam thực hiện. Cũng chính vì tính chất đặc biệt quan trọng của cống Cái Lớn – Cái Bé mà lãnh đạo Ban 10 thường xuyên có những cuộc kiểm tra bất ngờ trong đêm dưới những hố móng sâu hàng chục mét và động viên anh em công nhân”.
Còn nhớ vào tháng 6/2020, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đoàn công tác của Quốc hội khảo sát dự án Hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé đã tấm tắc khen rằng: “Công trình mang tầm vóc khu vực. Thiết kế là người Việt Nam. Thi công cũng là con người Việt Nam. Rồi các đồng chí lại rút ngắn được thời gian thi công. 24 tháng là quý lắm các đồng chí ạ. Rồi chúng ta cũng tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng xây các công trình khác. Tôi đánh giá rất là cao những cố gắng của các đồng chí”.
Ngày 5/2/2021, cống Cái Bé được đưa vào vận hành (chỉ sau hơn 14 tháng thi công), kịp thời phòng chống xâm nhập mặn cho tỉnh Kiên Giang, vượt tiến độ 1 mùa khô so với kế hoạch. Nhờ có cống này, địa phương không phải đắp hơn 100 đập tạm, tiết kiệm 12 tỷ đồng trong mùa khô 2020-2021. Ông Nguyễn Thanh Bình – Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang đã khẳng định rõ hiệu quả của công trình: “Vận hành công trình này đã giúp địa phương bảo vệ 20.000 ha đất. Địa phương cũng không phải đắp đập tạm và chủ động hơn về nguồn nước”.
Xác định quy trình vận hành hệ thống là đặc biệt quan trọng, quyết định đến hiệu quả của công trình, Bộ NN-PTNT đã triển khai xây dựng quy trình vận hành từ rất sớm và đã phê duyệt quy trình vận hành tạm thời.
Theo các chuyên gia thuỷ lợi, Hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé đã và sẽ phát huy tốt hiệu quả đầu tư và đạt được nhiều mục đích, ý nghĩa rất quan trọng. Trước tiên đó là sự thay đổi trong tư duy và nhận thức đối với công tác thuỷ lợi khu vực ven biển đồng bằng, đó là chuyển từ tư duy “ngăn mặn” sang “kiểm soát nguồn nước”.
Hai là, “thuận thiên” đối với nông nghiệp là chủ động thích ứng có kiểm soát, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của công trình thuỷ lợi. Ba là, con người Việt Nam có thể thiết kế, thi công, quản lý các công trình thuỷ lợi lớn, kỹ thuật phức tạp hàng đầu thế giới.
Bốn là, đây dự án lớn, có kỹ thuật đặc biệt phức tạp. Thông thường với dự án này cần khoảng 4 năm, nhưng thực tế toàn bộ quá trình thực hiện chỉ mất hơn 2 năm (trong đó có 8 tháng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 bùng phát).
Đóng góp quan trọng vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp ĐBSCL
Bằng sự đồng thuận cao của người dân; sự cầu thị trong tiếp thu các ý kiến; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, cùng đó là sự quyết tâm, nỗ lực cao độ của các tập thể, cá nhân đã đưa dự án hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng cao.
Đầu năm 2022, nước mặn bắt đầu xâm nhập vào các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo đơn vị quản lý vận hành cống Cái Lớn – Cái Bé điều tiết nước cho vùng bán đảo Cà Mau. Vừa giúp giữ ngọt cho vùng trồng lúa, vừa cung cấp nước mặn có độ mặn phù hợp cho vùng nuôi tôm.
Ba năm gần đây, nước mặn thường xuyên xâm nhập vào địa bàn tỉnh Hậu Giang theo hướng sông Cái Lớn. Mỗi mùa khô, địa phương này phải đắp gần 100 đập tạm. Nhưng mùa khô năm 2022 đã khác. Cống Cái Lớn- Cái Bé vận hành đã giúp kiểm soát nước mặn xâm nhập vào địa bàn.
Ông Trần Thanh Toàn – Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Hậu Giang chia sẻ, vào mùa khô hàng năm, mặn xâm nhập sâu từ 10 – 20km từ hướng sông Cái Lớn. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh gần như không khi nhận mặn xâm nhập. Nhờ đó, hàng ngàn hộ dân trong vùng an tâm sản xuất. Không chỉ phòng chống thiên tai, công trình còn tạo điểm nhấn du lịch cho tỉnh Kiên Giang khi thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Việc kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình đến nay cũng thu được nhiều hiệu ứng rất tích cực. Nông dân được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ các mô hình như lúa-tôm, lúa- màu, khóm- thuỷ sản. Bà con rất phấn khởi khi sản xuất không bị tác động bởi hạn, mặn mà thu nhập lại ổn định hơn.
Sau khi hoàn thành toàn bộ thi công từ tháng 11/2021 và qua thời gian vận hành điều tiết nước cho vùng bán đảo Cà Mau, chiều ngày 5/3/2022, Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ khánh thành dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1. Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã đến dự.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng: “Đây là công trình của “ý Đảng - lòng dân”, của trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam trong điều kiện khó khăn, đã phấn đấu vươn lên phục vụ cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Công trình cũng thể hiện sự thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, từ tư duy chống đỡ sang tư duy chủ động.
Còn như lời nhận xét của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thì, hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé đóng góp quan trọng vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp vùng bán đảo Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung. Để hệ thống thuỷ lợi phát huy được tác dụng, Bộ sẽ nghiên cứu mở rộng vùng hưởng lợi của dự án, hoàn thiện quy trình vận hành. Đồng thời, xây dựng quy trình vận hành hệ thống thuỷ lợi vùng ĐBSCL theo hướng an toàn. Song song với đó, các giải pháp phi công trình, nâng cao năng lực vận hành, cải thiện sinh kế cho người dân cũng được quan tâm đồng bộ.