Tạ Thị Thu Trang là cán bộ của Trung tâm Quản lý cửa khẩu, trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (Ban Quản lý). Từ ngày công tác ở đây, Trang đã quen với cảnh kết thúc công việc khi bóng tối đã buông, đặc biệt là vào dịp cuối năm, giao thương tấp nập.
Không ngày nghỉ
Sinh năm 1987, trước khi được phân công làm việc tại Phòng Quản lý cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam (nằm trong Bến xe Tân Thanh) Trang từng công tác tại trụ sở của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, ở thành phố. Chỗ làm hiện tại của cô cách nhà khoảng 30 km.
Nếu như trước đây làm theo giờ hành chính thì từ khi lên Bến xe Tân Thanh, cô được chia ca nhưng chỉ làm ca tối, không ngày nghỉ, kể cả Thứ 7, Chủ nhật. Theo Ban Quản lý, các đơn vị tại cửa khẩu chỉ nghỉ trong những ngày lễ của phía Trung Quốc, thời điểm mà các cơ quan của phía bạn không làm việc.
Cụ thể, trong ngày làm việc, đồng nghiệp cùng phòng làm từ 7-15h, Trang làm từ 15h đến khi hết việc, có thể 20h, có thể 21h, thậm chí có ngày 23h mới xong, không về nhà mà ngủ lại văn phòng.
“Vào những giai đoạn cao điểm, xe thông quan nhiều nên việc xử lý cũng kéo dài hơn. Có những ngày phải 23h đêm em mới hoàn thành công việc, về nhà thì xa nên ngủ lại luôn tại văn phòng”, Trang kể lại trong lúc đang thu xếp đồ đạc sau khi đã hoàn thành công việc của một ngày, lúc đồng hồ đã chỉ 20h30.
Do đặc tính công việc thường xuyên phải làm đêm nên Ban Quản lý bố trí một phòng ngủ trên tầng 2 của văn phòng để cán bộ có thể sử dụng trong những ngày làm việc muộn.
Vì giờ giấc làm việc thất thường nên chuyện ăn uống của những cán bộ ở cửa khẩu cũng không cố định. Mặc dù đang mang bầu 6 tháng nhưng Trang khẳng định đã quen với lịch sinh hoạt kiểu này.
“Nếu hôm nào xong sớm thì em về ăn cơm với nhà, muộn chút thì có mấy quán cơm bình dân, bún, phở trong bến xe còn muộn quá thì úp mỳ thôi anh ạ”, bà bầu vừa tâm sự vừa chỉ tay về phía dãy căng tin của Bến xe Tân Thanh, lúc này cũng đã vãn khách.
Để có thể yên tâm công tác với đặc thù công việc như vậy, Trang có sự ủng hộ không nhỏ từ phía gia đình. Do chồng cũng làm công việc giờ hành chính nên gần như mọi chuyện trong gia đình 2 vợ chồng đều nhờ đến sự giúp đỡ của bà ngoại – mẹ đẻ Trang.
“Bầu này của em là bé thứ 3 còn 2 con lớn của em một bé đang học lớp 2, một bé đang học lớp 6. Việc ăn uống, đưa đón nhà em nhờ cả vào bà ngoại”, nữ cán bộ của Trung tâm Quản lý cửa khẩu tâm sự và khẳng định rằng: “Làm mãi rồi cũng quen hết anh ạ”.
Nhanh hơn nhờ cửa khẩu số
Ở các cửa khẩu của Lạng Sơn nói chung và Tân Thanh nói riêng, ngoài cán bộ của Trung tâm Quản lý cửa khẩu thì còn nhiều đơn vị khác cũng phải làm việc tăng ca để đảm bảo công tác xuất nhập khẩu, thông thương cuối năm được thuận lợi. Có thể kể đến như cán bộ thuế, cán bộ hải quan, sỹ quan biên phòng…
Theo các cán bộ của trung tâm, trong năm 2022, mỗi ngày ở cửa khẩu Tân Thanh có khoảng 370 – 500 xe container làm thủ tục xuất nhập khẩu. Trong số đó, lượng xe phát sinh sau giờ hành chính thường rơi vào khoảng 50 xe.
Đây thường là những xe hàng cuối cùng được làm thủ tục xuất cảnh từ Trung Quốc, khi về đến Bến xe Tân Thanh dù đã muộn cũng phải làm đầy đủ thủ tục rồi mới được lưu ở bãi.
Theo quy định, 100% các xe này sẽ phải làm các thủ tục thuế, nộp phí hạ tầng còn Trung tâm Quản lý cửa khẩu chỉ thu phí nếu xe có thực hiện sang tải với giá trị bằng 30% phí hạ tầng. Ví dụ với các xe tải 18 tấn thì phí hạ tầng bắt buộc phải nộp là 800.000 đồng còn nếu xe thực hiện sang tải thì mới phải nộp thêm cho Trung tâm Quản lý cửa khẩu mức phía 240.000 đồng nữa.
Ở cửa khẩu Tân Thanh, hàng hóa xuất nhập khẩu đa phần là nông sản, nếu như xe Việt Nam sang là những mặt hàng trái cây nhiệt đới thì hàng hóa từ phía Trung Quốc về đa phần là rau củ và một số trái cây vùng lạnh đặc trưng của bạn.
Do đặc tính tươi sống nên việc làm thủ tục cho các xe container này phải đáp ứng yêu cầu của ngày nào xong ngay ngày đó. Anh Nguyễn Tiến Dũng, công chức thuế làm việc tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh cho biết, với lượng xe giao động trung bình từ 400 – 500 như hiện nay, lượng phí thu được ở cửa khẩu này mỗi ngày vào khoảng 350 – 400 triệu đồng.
“Tổng số thuế, phí thu được của cả năm 2022 tính đến giữa tháng 12 riêng tại cửa khẩu Tân Thanh là hơn 65 tỷ đồng”, anh Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm.
Giai đoạn đầu năm 2022 hoạt động của các cửa khẩu Tân Thanh còn yên ắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Việt Nam cũng như chính sách phòng dịch của Trung Quốc. Đến nửa sau của năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu đã nhộn nhịp trở lại, công việc hành chính, thủ tục cũng theo đó mà tăng lên.
Tuy nhiên, trong năm vừa qua, việc ứng dụng nền tảng cửa khẩu số của tỉnh Lạng Sơn và hoạt động xuất nhập khẩu đã phát huy tác dụng rõ rệt, đặc biệt là giảm thời gian thực hiện thủ tục, không có sai sót trong vấn đề số liệu
Những người như anh Dũng và Trang, cũng nhờ có cửa khẩu số mà được về nhà sớm hơn vì bây giờ có nhiều hạng mục có thể thực hiện trực tuyến, không cần phải chờ trực tại văn phòng đến cuối cùng như trước đây.
“Nếu như trước đây 22h, 23h mới xong việc là chuyện bình thường thì bây giờ hôm nào bận lắm vẫn có thể về từ 21h, khi các xe đã hoàn tất thủ tục. Sau đó, nếu có vấn đề phát sinh thì em có thể hoàn toàn xử lý từ xa”, Trang chia sẻ.
Mặc dù thời gian đầu triển khai nền tảng cửa khẩu số cũng không thể tránh khỏi những trục trặc trong quá trình vận hành cho cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều mới làm quen. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, mọi công đoạn của nền tảng này của tỉnh Lạng Sơn đều đã được vận hành trơn tru, hiệu quả.
Hiệu quả của cửa khẩu số
Nền tảng cửa khẩu số của tỉnh Lạng Sơn ra đời với chức năng quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên nền tảng công nghệ số, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn, hướng tới có thể nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Đi vào hoạt động từ 21/2/2022, Nền tảng cửa khẩu số giúp các doanh nghiệp chỉ phải kê khai thông tin một lần và kê khai được từ bất kỳ vị trí (chỗ) nào, bất kỳ thời gian nào, thời gian kê khai thông tin hàng hóa chỉ mất từ 2 - 5 phút nên rất thuận lợi. Quan trọng là toàn bộ hoạt động của cửa khẩu được công khai, minh bạch, doanh nghiệp sẽ biết hàng hóa, phương tiện của mình đang ở đâu, đã được xử lý ra sao.
Đến ngày 30/11/2022, 100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số.
Qua 24 lần nâng cấp, đến nay Nền tảng cửa khẩu số đã chạy ổn định, đa số các doanh nghiệp thành thạo khai báo thông tin trực tuyến và đã có hơn 1.400 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Nền tảng cửa khẩu số.
Tính đến 30/11/2022, số doanh nghiệp khai báo thông tin trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số là 183.594 phương tiện (trong đó, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có 23.134 phương tiện xuất và 75.987 phương tiện nhập; tại cửa khẩu Tân Thanh có 47.494 phương tiện xuất và 36.979 phương tiện nhập) với tổng lượng hàng là 6.943.300.032 kg; thu được 211.500.250.000 đồng phí hạ tầng, 20.674.725.000 đồng phí sang tải.