Thông quan trên cửa khẩu số
Để đảm bảo hoạt động tại khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cửa khẩu quốc tế, quốc gia diễn ra trật tự, nề nếp, văn minh, lịch sự và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (Ban Quản lý) đã tham mưu, trình UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Nội quy cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Nội quy cửa khẩu chính Chi Ma.
Theo đó, quy định cụ thể về thời gian làm việc, chế độ trực ngoài giờ, địa điểm làm việc, trình tự làm việc, danh mục các thủ tục hành chính. Các yêu cầu về trang phục, phù hiệu, tác phong, thái độ làm việc của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ra, vào và hoạt động tại khu vực cửa khẩu.
Nhằm công khai, minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu tiếp cận, tạo kênh thông tin, kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành các hoạt động tại cửa khẩu cửa khẩu… qua đó, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, tăng lượng hàng hóa thông quan xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.
Ban Quản lý phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn, các cơ quan chuyên ngành, tham mưu tổ chức triển khai ứng dụng nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh, phần mềm đã chính thức thực hiện kể từ ngày 21/02/2022.
Ban Quản lý đã nghiên cứu, xây dựng trình UBND tỉnh ban hành Quyết định về quy trình sử dụng nền tảng cửa khẩu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Việc triển khai nền tảng cửa khẩu số bước đầu đã đạt được hiệu quả, thể hiện hình ảnh một chính quyền “Kiến tạo, hành động, vì nhân dân".
Từ đó, tạo cơ sở hạ tầng vững chắc để phát triển nhanh và bền vững kinh tế cửa khẩu. Quản lý chặt chẽ, minh bạch hóa, ngăn ngừa các tiêu cực và nguy cơ thất thoát nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Cung cấp công cụ giúp lãnh đạo hoạch định các chính sách. Thích ứng được với các thay đổi do tác động của dịch bệnh. Đơn giản hóa các thủ tục, giám sát quá trình xử lý hàng hóa, ra quyết định tối ưu, tiết giảm chi phí, giảm các nguy cơ rủi ro cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Hiện tại, nền tảng cửa khẩu số đã chạy ổn định, các doanh nghiệp đã thành thạo khai báo thông tin trực tuyến, thời gian khai báo thông tin của doanh nghiệp rất nhanh, chỉ mất khoảng từ 2 đến 5 phút nên chất lượng hàng hóa, nông sản xuất nhập khẩu luôn giữ được chất lượng tốt nhất khi tới tay người tiêu dùng. 100% các xe hàng khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi vào cửa khẩu và toàn bộ quá trình thông quan được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số (bao gồm cả xe nhập và xe xuất).
Kết quả, từ ngày 21/02/2022, 100% các xe hàng khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi vào Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu Tân Thanh và được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số (bao gồm cả xe nhập khẩu và xe xuất khẩu).
Số liệu doanh nghiệp đã khai hoàn thành trên nền tảng cửa khẩu số từ ngày 21/02/2022 đến 15/10/2022: Tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị có 59.656 phiếu phương tiện nhập khẩu, 14.841 phiếu phương tiện xuất khẩu, 46.179 phiếu phương tiện xe Trung Quốc; Tại Cửa khẩu Tân Thanh có 27.341 phiếu phương tiện nhập khẩu và 31.610 phiếu phương tiện xuất khẩu.
Ngoài ra, Ban Quản lý đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý cửa khẩu triển khai thực hiện thu phí đối với phương tiện sang tải theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn bằng hình thức không sử dụng tiền mặt để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ giảm chi phí, thời gian cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu.
Tạo điều kiện tối đa cho nông sản dịp cao điểm cuối năm
Theo Ban Quản lý, thời điểm sắp tới là 2 tháng cuối năm 2022 cũng là vụ mùa thu hoạch các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam cũng như các nước thứ ba (Thái Lan). Ngoài ra, đây cũng là thời điểm giáp Tết Nguyên đán của hai nước Việt - Trung. Do đó nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu để phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp, cũng như tiêu dùng của nhân dân hai nước trong thời gian tới sẽ tăng mạnh; dự báo lượng hàng hóa sẽ dồn về các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh rất lớn.
Ban Quản lý sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động nắm chắc tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa để kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan hàng hóa, đặc biệt là hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam.
Trong 10 tháng đầu năm, Ban Quản lý đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 19 cuộc hội đàm trực tuyến với Chính phủ nhân dân thị trấn Bằng Tường, Ban Quản lý khu bảo thuế tổng hợp Bằng Tường, Chính phủ nhân dân huyện Ninh Minh; gửi 41 thư công tác để trao đổi, thống nhất phương án giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu phù hợp với tình hình phòng chống dịch và các biện pháp tiện lợi hóa thông quan nhằm tăng năng lực thông quan tại các cửa khẩu.
Với nhiệm vụ chính là kiểm tra, phát hiện đối tượng gây hại trên các mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam, công tác kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn sản phẩm và bảo vệ sản xuất trong nước, tạo uy tín xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Là một trong những đơn vị phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và Hải quan Lạng Sơn trong việc triển khải Chính phủ điện tử, Chính phủ số và Một cửa Quốc gia, Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 7, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) tại Lạng Sơn đã và đang đẩy mạnh việc giảm thủ tục hành chính, giảm các giấy tờ, rút ngắn thời gian xuất, nhập khẩu cho các lô hàng của doanh nghiệp bằng các dịch vụ công trực tuyến.
Giờ đây, các doanh nghiệp không phải trực tiếp lên cửa khẩu mà chỉ cần đăng ký kiểm dịch trực tuyến rồi gửi trực tiếp lên hệ thống. Sau đó, cán bộ kiểm dịch thực vật sẽ trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo KPI về thơi gian quy định trên hệ thống.
Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 7 cho biết, việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến đối với tiếp nhận đăng ký kiểm dịch thực vật đã cải tiến rất tích cực, giảm 50% thời gian thông quan về lô hàng cụ thể.
Ví dụ, trước quy định thời gian thông quan hàng phải 4 tiếng, hiện nay rút ngắn xuống tối đa còn khoảng 2 tiếng là thông quan được lô hàng. Vừa tiết kiệm được nhân lực, thời gian nhanh hơn, giảm việc tiếp nhận các thủ tục kiểm dịch thực vật thủ công bằng bản giấy như ngày xưa.
Thay đổi này cũng tiết kiệm được thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Đồng thời, chứng thư kiểm dịch thực vật cấp sang nước bạn đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí và cũng phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính hiện nay.
Nhìn chung, từ cuối tháng 4/2022, việc thông quan tại Lạng Sơn đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn sau khi thống nhất với Trung Quốc triển khai phương thức giao nhận hàng hóa không tiếp xúc (cắt container) tại các Cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, hiệu suất thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Đến nay, cơ bản hàng hóa vận chuyển lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đều được thông quan hết trong ngày, hàng tồn cuối ngày rất ít, chủ yếu là các xe lên muộn, không kịp thông quan, thậm chí nhiều thời điểm không có hàng tồn.