| Hotline: 0983.970.780

Cùng kiến tạo ‘ngôi nhà ASEAN’ an toàn trước thiên tai

Thứ Bảy 08/07/2023 , 15:32 (GMT+7)

Giảm thiểu rủi ro thiên tai là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN nhằm đạt được mục tiêu của Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Thiên tai và những thảm họa khủng khiếp

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên thế giới đã xảy ra nhiều đợt thiên tai bất thường gây thiệt hại lớn về người và kinh tế cho các quốc gia như động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng với khoảng 53.000 người chết, thiệt hại kinh tế trên 105 tỷ USD (6/2/2023);

Cùng với đó, bão tuyết mạnh nhất trong vòng 100 năm tại 20 bang miền Tây và Trung nước Mỹ (tháng 2); cháy rừng diện rộng tại Chile, lũ lụt nghiêm trọng và sạt lở tại Brazil; các đợt nắng nóng kỷ lục tại Trung Quốc, Ấn Độ…

Một cuộc diễn dập với sự tham gia của hơn 1.300 người nhằm ứng phó với siêu bão vừa được tổ chức tại Hải Phòng ngày 7/7/2023. Ảnh: Đinh Mười.

Một cuộc diễn dập với sự tham gia của hơn 1.300 người nhằm ứng phó với siêu bão vừa được tổ chức tại Hải Phòng ngày 7/7/2023. Ảnh: Đinh Mười.

Ở nước ta, từ đầu năm đến nay đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai. Tính đến ngày 5/7, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 308 tỷ đồng.

Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương trước thiên tai nhất trên thế giới. Theo số liệu của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc về châu Á - Thái Bình Dương, các thảm họa thiên nhiên bao gồm lũ lụt, bão, nắng nóng, hạn hán, thậm chí là động đất và sóng thần, đã làm các quốc gia trong khu vực chịu thiệt hại kinh tế trung bình hàng năm lên tới 86,5 tỷ USD.

Kể từ năm 2012 - 2020, ít nhất gần 3.000 thảm họa, thiên tai đã xảy ra tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có một số trận quy mô lớn như bão Bopha (2012) ở Philippines; bão Haiyan (2013) ở Philippines; động đất và sóng thần miền Trung Sulawesi (2018) ở Indonesia, bão Mangkhut (2018) ở Philippines và bão Damrey (2017) ở Việt Nam…

Hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực quản lý thiên tai

Là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới với tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số, đi cùng với đó là sự suy thoái môi trường tự nhiên và biến đổi khí hậu, Đông Nam Á ngày càng dễ bị tổn thương trước những đợt thiên tai vốn ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất.

Các nước ASEAN cam kết cùng chung tay quản lý thiên tai.

Các nước ASEAN cam kết cùng chung tay quản lý thiên tai.

Trong bối cảnh như vậy, hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong quản lý thiên tai đã trở thành một điểm sáng nổi bật trong sự hợp tác, cam kết đa ngành - đa lĩnh vực trong khu vực, cũng như với các đối tác ngoài khu vực.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN nhằm đạt được mục tiêu của Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như các mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030.

Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên tích cực và uy tín cao trong khối ASEAN, trong đó hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai là một nội dung hợp tác của ASEAN trong trụ cột văn hóa xã hội.

Hiện Bộ NN-PTNT là cơ quan đầu mối tích cực tham gia hoạt động theo Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp và Hiệp định thành lập Trung tâm điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA).

Những hoạt động thiết thực

Theo trình tự luân phiên giữa các quốc gia ASEAN, năm 2023, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 và các phiên họp liên quan của ACDM, Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý rủi ro thiên tai (Trung tâm AHA)…

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai phát biểu khai mạc Hội nghị Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 42, diễn ra tại Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai phát biểu khai mạc Hội nghị Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 42, diễn ra tại Đà Nẵng.

Việc đăng cai tổ chức diễn đàn lớn về quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN là nghĩa vụ của Việt Nam và cũng giúp nước chủ nhà nâng cao vai trò, uy tín và vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam, góp phần tích cực vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN có khả năng chống chịu, từ đó góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch của Việt Nam trong hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai để triển khai Hiệp định Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp, năm 2023, Bộ NN-PTNT sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 12 các bên tham gia Hiệp định Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai + Hàn Quốc, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai + Trung Quốc, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai + Nhật Bản và Chủ tịch Ban quản trị Trung tâm AHA…

Nội dung chính của các cuộc họp, hội nghị và các hoạt động trong năm Chủ tịch của Việt Nam năm 2023 sẽ tập trung rà soát, đánh giá tiến độ triển khai Chương trình công tác Hiệp định Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp giai đoạn 2021 - 2025.

Các thành viên cũng sẽ thảo luận về việc điều chỉnh đóng góp cho Quỹ Trung tâm AHA, công tác vận hành Trung tâm AHA để hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN trong ứng phó thiên tai và đề xuất những hoạt động ưu tiên.

Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) + Trung Quốc thường niên lần thứ 5, ngày 15/6 tại Đà Nẵng. Ảnh: NH.

Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) + Trung Quốc thường niên lần thứ 5, ngày 15/6 tại Đà Nẵng. Ảnh: NH.

Qua đó, huy động nguồn lực hỗ trợ để thực hiện Chương trình công tác Hiệp định Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp, điều phối công tác ứng phó với thiên tai lớn trong khu vực với vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai năm 2023; hợp tác với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm AHA và các quốc gia thành viên ASEAN tổ chức một loạt các cuộc họp cấp kỹ thuật về quản lý thiên tai trong năm 2023 tại Việt Nam để triển khai Hiệp định Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp.

Tầm nhìn xa, khát vọng lớn

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết: Trên cơ sở đề xuất của Việt Nam, cơ quan quản lý thiên tai của các quốc gia ASEAN đã thống nhất lựa chọn chủ đề hợp tác năm nay là “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu: ASEAN hướng đến mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phân tích, thuật ngữ “hành động sớm” tuy là một khái niệm tương đối mới đối với nước ta nhưng về bản chất chính là các hoạt động trong giai đoạn phòng ngừa, ứng phó trước thiên tai mà các cơ quan trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai đã và đang triển khai dựa trên các dự báo, cảnh báo sớm hoặc phân tích rủi ro trước thiên tai.

Hội nghị Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 42 và các hoạt động liên quan đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng nhằm ứng phó thảm họa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ảnh: NH.

Hội nghị Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 42 và các hoạt động liên quan đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng nhằm ứng phó thảm họa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ảnh: NH.

“Chìa khóa để quản lý tác động của thiên tai là tập trung vào hành động chung trước khi thiên tai xảy ra. Điều đó cũng có nghĩa là hành động ngay hôm nay để thực hiện tất cả những gì có thể để ngăn chặn tiến triển của biến đổi khí hậu; cùng nhau hành động, kêu gọi, thay đổi cách làm vì sự bình yên của cộng đồng trước tác động của thiên nhiên”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.

Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cũng nhấn mạnh, khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN về Quản lý thiên tai năm 2023, chúng ta có cơ hội tuyệt vời để hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực xây dựng một cộng đồng ASEAN mạnh mẽ và tự cường hơn ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. 

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho rằng: “Việc đề xuất chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu: ASEAN hướng đến mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai” đã thể hiện vai trò dẫn dắt, trách nhiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN trong lĩnh vực quản lý thiên tai - một nội dung quan trọng trong trụ cột hợp tác văn hóa - xã hội của ASEAN”.

Nỗ lực vì sứ mệnh chung

Phân tích về sự cần thiết trong tăng cường quản lý thảm họa thiên tai tại cuộc họp Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 42 và các hoạt động liên quan từ ngày 13 - 15/6, diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thái Lan Anupong Paochinda (đại diện quốc gia đảm nhận vai trò chủ tịch trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai năm 2022) nói:

“ASEAN hiện nay đang đối diện với những thách thức và rủi ro lớn về thiên tai và thảm họa của khu vực và toàn cầu. Như năm 2021, khu vực ghi nhận 16 thảm họa thiên nhiên lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Sau đó đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến khu vực trở nên dễ bị tổn thương hơn. Bối cảnh này đặt ra nhu cầu cấp bách cần cung cấp thông tin về rủi ro, nguy cơ về thảm họa cũng như gợi mở các cách tiếp cận của người dân với vấn đề này”.

Các đại biểu tham dự Hội  nghị Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 42.

Các đại biểu tham dự Hội  nghị Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 42.

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai. Cách đây hai thập kỷ, những người tiền nhiệm đã có bước đi đầu tiên nhằm hình thành Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, bao gồm việc thành lập Văn phòng Quản lý thiên tai tại tất cả các quốc gia thành viên trong khu vực ASEAN, từ đó đưa ra định hướng chiến lược nhằm tăng cường hợp tác quản lý thiên tai trong khu vực.

Nổi bật là trung tâm điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo, thiên tai (ra đời năm 2011), tập trung tiến hành ba hoạt động chủ yếu gồm: giám sát thiên tai, chuẩn bị ứng phó với thảm họa và xây dựng năng lực cho các nước thành viên.

Thành tựu đáng chú ý của Trung tâm điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo, thiên tai phải kể đến hoạt động cứu trợ trong trận động đất ở Indonesia cũng như bão nhiệt đới và lũ lụt ở Philippines, Myanmar và khu vực Mê Kông… Và gần đây nhất, trung tâm đã hỗ trợ một số quốc gia ASEAN trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 thông qua việc cấp hàng cứu trợ từ kho dự trữ của ASEAN và quyên góp từ các quốc gia khác.

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai.

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai.

Tại cuộc họp trên, các đại biểu tập trung thảo luận tiến độ chuẩn bị chương trình công tác Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp giai đoạn 2021 - 2025 , rà soát và xây dựng, triển khai các văn kiện, cơ chế hoạt động về hợp tác khu vực trong quản lý thiên tai, như chiến lược khu vực về khắc phục hậu quả thiên tai 2023 - 2024, sáng kiến của thanh niên ASEAN về một khu vực chống chịu thiên tai. Đồng thời chuẩn bị diễn tập khu vực ASEAN về ứng phó khẩn cấp thiên tai năm 2023 tại Indonesia…

Trước đó, chiều 14/6, Diễn đàn Asean về chống chịu thiên tai (ADRP) lần thứ 3 được tổ chức, dưới sự đồng chủ trì của đại diện ACDM Việt Nam (Chủ tịch ACDM năm 2023) - ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cùng đại diện ACDM Brunei, Vụ Thương thảo ASEAN, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.

Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, đồng thời cập nhật tiến độ triển khai các hoạt động liên quan đến quản lý thiên tai do các cơ quan ngành của ASEAN khởi xướng và tiến độ của các hoạt động chính của ADRP như: Diễn đàn mở rộng ASEAN về Chống chịu thiên tai (ADRF) lần thứ nhất; Dự án thí điểm về cộng đồng chống chịu thiên tai ASEAN - áp dụng cách tiếp cận “toàn thể ASEAN”; Tiến độ các hoạt động phối hợp liên ngành giữa các cơ quan ngành ASEAN; Những thách thức chung trong khả năng phục hồi và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

Diễn đàn ASEAN về chống chịu thiên tai (ADRP) được thành lập nhằm thúc đẩy hơn nữa hướng tiếp cận “toàn thể ASEAN” (whole-of-ASEAN) trong quản lý thiên tai. Cuộc họp đầu tiên của ADRP được tổ chức vào ngày 23/6/2021 đã ban hành điều khoản tham chiếu của ADRP. ADRP có vai trò thúc đẩy sức mạnh tổng hợp và sự phối hợp giữa các cơ quan ngành của ASEAN, các trung tâm thuộc ASEAN, các đối tác đối thoại, đối tác liên ngành, đối tác phát triển của ASEAN, các cơ quan thuộc Liên hợp quốc và các tổ chức về quản lý thiên tai ngoài ASEAN nhằm nâng cao năng lực của ASEAN để hành động sớm trước thiên tai.

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.

Bình luận mới nhất