| Hotline: 0983.970.780

Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023)

Cuộc đời vĩ nhân Nguyễn Ái Quốc qua tiểu thuyết ngàn trang

Thứ Năm 18/05/2023 , 06:45 (GMT+7)

Cuộc đời vĩ nhân Nguyễn Ái Quốc vẫn luôn là đề tài hấp dẫn cho sáng tác văn học, mà những bộ tiểu thuyết ngàn trang có thể xem như minh chứng thuyết phục.

Hai tập của bộ tiểu thuyết 'Nước non vạn dặm'.

Hai tập của bộ tiểu thuyết "Nước non vạn dặm".

Cuộc đời vĩ nhân Nguyễn Ái Quốc, với tên gọi kính yêu Bác Hồ, đã rất quen thuộc và thiêng liêng trong trái tim người Việt Nam. Cuộc đời vĩ nhân Nguyễn Ái Quốc cũng trở thành cảm hứng dạt dào cho nhiều nhà văn, nhà thơ. Thế nhưng, để cuộc đời vĩ nhân Nguyễn Ái Quốc xuất hiện như một hình tượng văn học hấp dẫn, đòi hỏi cả tâm và tài của người viết.  

Ở thể loại văn xuôi, nhà văn Sơn Tùng (1928-2021) được xem là tác giả nổi bật về đề tài Bác Hồ. Nhiều tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng đã phổ cập trong đời sống cộng đồng như “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”, “Cuộc chia li trên Bến Nhà Rồng”.... Tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng chứa đựng những dữ liệu lịch sử chân xác quá trình hình thành phẩm cách và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cho nên, xét trên tổng thể, nhà văn Sơn Tùng viết về Bác Hồ với vai trò người nghiên cứu vượt trội hơn vai trò người sáng tạo.

Tiếp sau nhà văn Sơn Tùng, nhiều tác giả văn xuôi khác cũng có tiểu thuyết về Bác Hồ, như nhà văn Hồ Phương với “Cha và con”. Tuy nhiên, để khai thác hết chiều kích của cuộc đời vĩ nhân Nguyễn Ái Quốc thì phải cần đến tiểu thuyết ngàn trang. Ý niệm ấy đã và đang được một số nhà văn dồn sức thực hiện, mà tác giả tiên phong là nhà văn Hoàng Quảng Uyên.

Sinh sống ở Cao Bằng, nhà văn Hoàng Quảng Uyên là người dân tộc Nùng và rất giỏi tiếng Trung Quốc. Sau khi hoàn thành cuốn chuyên khảo “Đi tìm Nhật ký trong tù”, nhà văn Hoàng Quảng Uyên nhiều lần qua lại Trung Quốc để tìm hiểu thêm về những năm tháng Bác Hồ hoạt động trên nước bạn. Bằng việc gặp gỡ nhân chứng và sưu tầm tư liệu, nhà văn Hoàng Quảng Uyên hoàn thành bộ tiểu thuyết “Hồ Chí Minh” có dung lượng 1700 trang in.

Tiểu thuyết ngàn trang “Hồ Chí Minh” của nhà văn Hoàng Quảng Uyên chia làm 3 tập. Tập một có tên “Trông vời cố quốc”, tập hai có tên “Mặt trời Pác Pó” và tập ba có tên “Giải phóng”. Phát huy đúng sở trường của mình, nên tác phẩm viết về Bác Hồ của nhà văn Hoàng Quảng Uyên chủ yếu bám vào không gian biên giới và văn hóa miền núi, với bối cảnh trung tâm là Việt Bắc.

Không có điều kiện tác nghiệp như nhà văn Hoàng Quảng Uyên, nhưng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ lại sử dụng ưu điểm khác là bản thân được lặn ngụp trong phong vị ví giặm xứ Nghệ, để viết về Bác Hồ. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ lên đề cương tiểu thuyết ngàn trang “Nước non vạn dặm” gồm 4 tập, và đã xuất bản được hai tập “Nợ nước non” và “Lênh đênh bốn biển”.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Ở đây, xin lưu ý, trong các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có hai tác giả trùng tên Nguyễn Thế Kỷ đều có xuất phát điểm là nhà viết kịch. Một tác giả Nguyễn Thế Kỷ sinh năm 1935, quê Quảng Ngãi. Một tác giả Nguyễn Thế Kỷ sinh năm 1960, quê Nghệ An.

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ quê Quảng Ngãi, từng làm Trưởng đoàn Dân ca kịch Nghĩa Bình và Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Ông có nhiều tập thơ viết về Bác Hồ, trong đó gây ấn tượng là “Một người thơ – Tên gọi” với 12.668 câu lục bát. Ông đã viết “Một người thơ – Tên gọi” suốt 10 năm, và chú thích tác phẩm là “trường thiên thơ và lịch sử”.

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ quê Nghệ An, nguyên là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, hiện nay giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật trung ương. Với bộ tiểu thuyết “Nước non ngàn dặm”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã phát hành tập một “Nợ nước non” hơn 200 trang vào tháng 6/2022 và phát hành tập hai “Lênh đênh bốn biển” cũng hơn 200 trang vào tháng 2/2023.

Dự kiến cuối năm nay, tập ba của tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” sẽ ra mắt công chúng, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ: “Những chi tiết về cuộc đời hoạt động của Người đã được lịch sử và các bài nghiên cứu nói rất đầy đủ rồi, nhưng đây là tác phẩm văn học. Văn học lại khác, là mình hư cấu những khoảng nào đó nhất là con người của Người. Con người, tâm hồn, nội tâm của Hồ Chí Minh chỉ có văn học mới nói được”.

Nếu tập một “Nợ nước non” viết về thời thiếu niên của Bác Hồ từ năm 1980 đến năm 1911, thì tập hai “Lênh đênh bốn biển” viết về thời Bác Hồ đi tìm đường cứu nước từ năm 1911 đến năm 1941. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, tác giả đã viết bằng tình yêu và sự kính trọng tận cùng với Bác Hồ. Tuy dựa trên những tài liệu thực, nhưng lại tránh được căn bệnh minh họa lịch sử mà văn học một thời mắc phải. Ngoài những nhân vật lịch sử có thật, tác giả còn sáng tạo thêm những nhân vật khác, dành chỗ cho những tưởng tượng và sáng tạo văn chương. Tác giả đã rất thành công khi có được những sáng tạo đồng bộ với sự thật lịch sử, tránh được nguy cơ “phản bội lại sự thật ở một phía nào đó”.

Hai tập đầu tiên của tiểu thuyết ngàn trang “Nước non vạn dặm” rất được hoan nghênh. Thậm chí, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ còn tranh thủ chuyển thể từng phần tác phẩm từ trang viết văn chương sang sân khấu biểu diễn. Bằng cách chọn lọc các sự kiện và các chi tiết, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ phác thảo tương đối rõ nét cuộc đời vĩ nhân Nguyễn Ái Quốc.

Nỗi đau lớn đầu tiên mà Bác Hồ nếm trải chính là phút giây mất người mẹ, khi người cha đang công tác xa nhà. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ khoảnh khắc ấy của cậu bé Nguyễn Sinh Cung: “Mẹ cậu im lìm. Nước mắt vẫn chưa khô trên hai khóe mắt. Những sợi tóc lòa xòa trên vầng trán gầy guộc nhưng vẫn còn nguyên nét thanh tú của một thời xuân sắc của mẹ. Cung gọi mỗi lúc một to hơn. Cậu lay mẹ, ôm lấy mẹ.

Cùng lúc đó em Nhuận thức giấc, em quờ quạng hai cánh tay nhỏ xíu như muốn tìm bầu sữa quen thuộc. Không thấy bầu sữa, em bắt đầu khóc toáng lên. Cung nhảy xuống khỏi giường. Cung lao ra cửa. Giọng cậu lạc đi. Cung gọi bà con láng giềng, cậu cần sự giúp đỡ của người lớn. Em Nhuận vẫn khóc thét. Cung cuống lên chạy vô bế em lên. Một tay bế em một tay lay mẹ. Rồi lại bế em chạy ra cửa, lại gọi. Mấy bà hàng xóm tất tả chạy sang. Trưa tháng Chạp, gió vẫn lạnh buốt lùa hun hút, vô cảm, tàn nhẫn. Cung đã mất mẹ thật rồi. Và cha thì không ở đây”.

Trong tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đưa vào tác phẩm những nhân vật có thật ngoài đời góp phần tạo nên tầm vóc Nguyễn Ái Quốc, đó là ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, ông giải San (Phan Bội Châu) và họa sĩ Lê Huy Miến.

Cuộc đời vĩ nhân Nguyễn Ái Quốc qua những đoạn đường với những tên gọi khác nhau Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc, Lý Thuỵ, Hồ Quang, Tống Văn Sơ, Thầu Chín, ông Vương... được nhà văn Nguyễn Thế Kỷ khắc họa gần gũi và thuyết phục. Có nhiều đoạn văn đáng nhớ trong tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, nhưng có lẽ xao xuyến nhất là hình ảnh Bác Hồ rời khỏi Bến Nhà Rồng: “Đất liền mỗi lúc một xa hơn, tha thiết, đau đáu và cũng gần gũi, máu thịt như hơi thở mặn mòi của biển cật ruột bên anh, trong anh. Những hàng cây, chiếc xuồng, dòng sông, ngọn núi, cánh chim, làng Chùa, làng Sen, Đông Ba, Dương Nỗ, Tam Tầng, Bình Khê, Dục Thanh, Sài Gòn… lần lượt hiện rõ mồn một trong tâm trí anh.

Thành cho tay vào túi rút chiếc khăn nhỏ còn chan chứa những giọt nước mắt của Huệ. Anh đưa chiếc khăn lên ngang ngực, ấp vào nơi trái tim đang nóng bỏng và thổn thức.

Những con sóng lớn hung dữ chồm lên, lớp lớp hùa nhau đánh vào mạn tàu, hắt lên boong tàu, điên cuồng và dữ dội. Nhưng trong lồng ngực gầy của Tất Thành - Văn Ba, một trái tim còn đập những nhịp đập nóng bỏng, quyết liệt và dữ dội hơn thế”.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.