| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 02/03/2020 , 11:02 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 11:02 - 02/03/2020

Cuộc rượt đuổi hụt hơi

Nếu muốn bảo vệ, thu hồi lại được những tài sản tham nhũng, cần hoàn thiện và "lấp" cho được những lỗ hổng trong quá trình tố tụng...

Minh họa: Ngọc Diệp.

Minh họa: Ngọc Diệp.

Bộ tư pháp vừa có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra và cung cấp thông tin về tài sản hiện đang thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của các tổ chức, cá nhân phải thi hành án nhưng chưa bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ, kê biên, đồng thời tạm dừng thực hiện giao dịch đối với các tài sản trên.

Trong đó, theo phụ lục danh mục tài sản của các tổ chức, cá nhân phải thi hành án có 21 vụ án tham nhũng, gây thất thoát lớn như Hà Văn Thắm, Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh, Trần Phương Bình, Phan Sào Nam, Đinh La Thăng, Giang Kim Đạt, Huỳnh Thị Huyền Như...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đến thời điểm này mới kiểm tra, rà soát tài sản của các cá nhân phải thi hành án liên quan đến các vụ án lớn về tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, là quá muộn và rất khó thực hiện.

Trước nay, việc thu hồi tài sản tham nhũng luôn luôn là một cuộc rượt đuổi, trong đó các cơ quan có thẩm quyền thường là bên bị hụt hơi.

Chính vì vậy mà tham nhũng, thất thoát mười nhưng chỉ thu hồi được một hai, kể cả khi ngành tòa án đã đưa ra những miếng”mồi” khá hấp dẫn, như nếu kẻ tham nhũng bị truy tố, xét xử ở khung hình phạt cao nhất mà nộp lại 3/4 số tài sản tham nhũng, thì sẽ thoát án tử hình. Vì sao như vậy?

Câu trả lời không khó. Chỉ những kẻ có quyền mới có thể tham nhũng. Mục đích của tham nhũng là tiền, là tài sản.

Kẻ tham nhũng lại là những kẻ rất am hiểu về pháp luật, rất giỏi luồn để “lách luật”, nên tiền hoặc những tài sản có được do tham nhũng, thường được tẩu tán một cách hết sức tinh vi. Bình thường đã vậy, một khi “đánh hơi” được cơ quan pháp luật sắp “sờ gáy”, đối tượng càng tích cực tẩu tán tài sản, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy chứng cứ, hồ sơ.

Điều đó, cơ quan điều tra không phải là không biết. Nhưng tại sao ngay từ khi khởi tố bị can đối với những kẻ có dấu hiệu tham nhũng, tại sao cơ quan điều tra không kê biên hoặc đình chỉ giao dịch với những tài sản, đóng băng những tài khoản ngân hàng nghi có nguồn gốc từ tham nhũng?

Chỉ đến khi tòa đã tuyên án xong, phần dân sự của bản án hình sự được chuyển đến cơ quan thi hành án dân sự, thì đã quá muộn. Tài sản của bọn tham nhũng đã được tẩu tán hết sức hoàn hảo.

Lúc đó, cơ quan thi hành án dân sự “vồ” chỗ nào cũng hụt. Nhìn kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trong rất nhiều vụ án mà đau lòng: Huỳnh Thị Huyền Như tham nhũng, làm thất thoát 4.000 tỷ, nhưng đến nay mới thu hồi được trên dưới trăm tỷ. Giang Kim Đạt gửi tiền cho bố mua đến 40 bất động sản, nhưng đến nay mới chỉ thu hồi được vài ba cái...

Tài sản bị tham nhũng đều là mồ hôi nước mắt của dân. Nếu muốn bảo vệ, thu hồi lại được những tài sản này, cần hoàn thiện và "lấp" cho được những lỗ hổng trong quá trình tố tụng những vụ án tham nhũng.