Cuốn sách đầu tiên về con đường đổi mới, bền vững, thịnh vượng của lúa gạo Việt
Lần đầu tiên ấn phẩm về lịch sử hình thành, chiến lược, chính sách, khoa học lúa gạo cũng như văn hóa, lịch sử gắn liền với lúa gạo được Bộ NN-PTNT phát hành tại sự kiện Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.
Cuốn sách có tựa đề “Lúa gạo Việt Nam - Con đường đổi mới đến bền vững và thịnh vượng” do Bộ NN-PTNT làm Chủ biên; Báo Nông nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất nội dung, trình bày, thiết kế.
Sách gồm 564 trang với hai phần Tiếng Việt và Tiếng Anh, với 7 nội dung, gồm: Chiến lược và Chính sách về lúa gạo; Khoa học Lúa gạo; Sản xuất và sau thu hoạch; Chuỗi giá trị và thị trường lúa gạo; Hợp tác Quốc tế về Lúa gạo; Lúa gạo và Văn hóa di sản; Nhịp cầu lúa gạo Việt Nam - Thế giới.
Cuốn sách quy tụ những bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu như PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, GS.TS Nguyễn Văn Tuất, GS.TS Bùi Chí Bửu; GS.TSKH Trần Duy Quý, GS.TS Nguyễn Thị Lang; PGS.TS, AHLĐ Nguyễn Thị Trâm; GS.TS Trần Đình Hòa; PGS.TS Lã Tuấn Nghĩa; TS Trần Văn Đạt, TS Trần Ngọc Thạch...
Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ NN-PTNT: Bộ trưởng Lê Minh Hoan; TS Cao Đức Phát (nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế - IRRI); nguyên Thứ trưởng Bùi Bá Bổng; nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh…, những người gắn bó, có nhiều đóng góp và nhiều tâm huyết đối với ngành hàng lúa gạo Việt Nam cùng tham gia viết bài.
Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các Viện nghiên cứu hàng đầu về lúa gạo cũng tham gia đóng góp nội dung của cuốn sách.
Với nội dung phong phú, đa dạng, đây là tác phẩm có chiều sâu về thông tin khoa học; thông tin về chính sách và chiến lược ngành hàng lúa gạo, ấn phẩm còn đề cập đến những vấn đề bức thiết được nhiều học giả, nhà khoa học, người làm nông nghiệp gắn bó với lúa gạo quan tâm, đó là các vấn đề sản xuất lúa gạo sau thu hoạch; chuỗi giá trị và thị trường lúa gạo; hợp tác quốc tề về lúa gạo…
Được phát hành tại thời điểm diễn ra Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 (từ ngày 11 - 14/12/2023 tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), cuốn sách có ý nghĩa lịch sử, khoa học, và văn hóa sâu sắc; cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn cảnh, đầy đủ về con đường đổi mới, bền vững và thịnh vượng của lúa gạo Việt Nam trong 100 năm qua.
Để cuốn sách ra mắt kịp thời, đảm bảo chất lượng nội dung và hình thức, Báo Nông nghiệp Việt Nam được lãnh đạo Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ tổ chức triển khai nội dung, biên tập, xây dựng, trình bày, thiết kế… và in ấn tác phẩm. Việc phát hành tác phẩm nhân sự kiện Festival có ý nghĩa chính trị, văn hóa to lớn, góp phần làm nên sự thành công của sự kiện.
“Cuốn kỷ yếu gói ghém tinh thần cốt lõi hạt gạo Việt”
Đánh giá về cuốn sách, Tiến sỹ Cao Đức Phát (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế - IRRI), nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT (2004 - 2016), cho rằng cuốn sách giống như kỷ yếu gói ghém tinh thần cốt lõi hạt gạo Việt, là tài liệu quý cho những ai trân trọng cây lúa, hạt gạo và bà con nông dân, muốn tìm hiểu về quá khứ và tương lai ngành lúa gạo Việt Nam.
“Lúa là cây lương thực quan trọng đối với gần một nửa dân cư sinh sống trên hành tinh của chúng ta. Đối với người Việt Nam, cây lúa còn là điểm tựa hình thành nên một nền văn hóa gắn kết dân tộc xuyên suốt chiều dài lịch sử ngàn năm. Ngày nay, ngành lúa gạo Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn là một ngành hàng chiếm vị thế quan trọng trên thị trường quốc tế, đem lại danh tiếng và thu nhập lớn cho nông dân và quốc gia. Cơ chế kinh tế thị trường hội nhập quốc tế và khoa học kỹ thuật đã đem lại động lực to lớn khuyến khích nông dân và các thành phần tham gia chuỗi giá trị, đầu tư giúp ngành lúa gạo ngày càng phát triển.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, ngành lúa gạo đang phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam đang tái cấu trúc mạnh mẽ ngành lúa gạo để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, với trọng tâm là nâng cao chất lượng, giá trị, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Trong hành trình phát triển cây lúa, Việt Nam luôn trân trọng sự giúp đỡ và đồng hành của bạn bè quốc tế.
Cuốn sách “Lúa gạo Việt Nam - Con đường đổi mới đến bền vững và thịnh vượng”, tập hợp bài viết của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân trong nước và chuyên gia quốc tế. Các bài viết nhìn nhận lại sâu sắc quá trình đã qua, gợi mở những định hướng lớn và nhiều giải pháp cụ thể cho sự phát triển của ngành lúa gạo Việt Nam trên hành trình mới. Con đường lúa gạo đó cũng chính là con đường lịch sử, con đường khoa học, con đường văn hóa, con đường thương mại làm rực rỡ thêm hình ảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới”, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chia sẻ.
"Niềm tự hào về con đường lúa gạo đất nước"
Tham gia viết bài mở đầu của Phần 1 với nội dung Chiến lược và Chính sách lúa gạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, ngành hàng lúa gạo Việt Nam hướng tới mục tiêu “chất lượng, tuần hoàn, phát thải thấp”. Những khái niệm không mới, nhưng là cả hành trình tiếp cận xu thế thời đại, tiến tới tạo dựng thương hiệu lúa gạo trên trường quốc tế. Từ hạt lúa trên đồng, hạt gạo đến tay người tiêu dùng là một cấu trúc theo chuỗi ngành hàng.
Cấu trúc đó bền vững hay không cần đến hệ sinh thái ngành hàng. Trong hệ sinh thái đó con người là quyết định: nông dân, thương nhân, doanh nghiệp, nhà quản lý sản xuất và thị trường, nhà khoa học, chuyên gia, ngân hàng… Hợp tác, liên kết như một mệnh lệnh có tính quyết định nếu muốn hạt gạo đi xa. Vì hạt gạo con người xích lại gần nhau, nhưng cũng vì miếng ăn người ta có thể phát sinh xung đột với nhau.
Đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao, tuần hoàn, phát thải thấp” ở Đồng bằng sông Cửu Long kết hợp với “Đề án hình thành hệ thống logistics nông nghiệp” và “Đề án cơ giới hóa nông nghiệp” sẽ định vị lại hình ảnh lúa gạo Việt Nam và dần lan tỏa ra các vùng miền khác. Chuỗi ngành hàng lúa gạo bắt đầu từ giống, quy trình canh tác, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, bảo quản, xay xát, chế biến, bao bì đóng gói, tới bữa cơm của người tiêu dùng. Chuỗi ngành hàng cần đến khoa học công nghệ và tri thức hóa người trồng lúa, gắn với kinh tế tập thể, tập trung đất đai.
“Thế giới đã tiến vào kỷ nguyên của khoa học công nghệ, ngành hàng lúa gạo phải tận dụng, hấp thu thành quả của trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, số hóa đồng ruộng, số hóa ngành hàng. Nông nghiệp tuần hoàn, đơn giản là không còn gì gọi là phế phẩm bỏ đi. Rơm rạ có thể trở thành giá thể, điện năng, vật liệu xây dựng… Kinh tế nông thôn phát triển tạo thêm sinh kế cho người trồng lúa, phúc lợi mang đến cho bà con không chỉ từ hạt lúa, mà cả những điều thân cây lúa mang lại. Giống lúa, hạt gạo Việt Nam được vinh danh ngon nhất thế giới, trở thành “bữa trưa đặc biệt” tại Văn phòng Nội các của một quốc gia nổi tiếng về gạo chất lượng cao”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.