Người dân phải nhổ cả trụ tiêu đem bán lấy tiền trả lãi ngân hàng |
Theo bà Huỳnh Thị Cúc (SN 1968, trú thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), vào năm 2016, gia đình bà thế chấp nhà đất vay 800 triệu đồng tại phòng giao dịch Chư Sê của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh Gia Lai để trồng 1.000 trụ tiêu. Tuy nhiên tiêu bị bệnh chết sạch, gia đình bà Cúc lâm cảnh không có khả năng thanh toán tiền gốc và lãi.
Lúc này, Vietcombank Chư Sê đã cho bà Cúc vay thêm 120 triệu đồng, nâng món nợ lên 920 triệu đồng, nhưng không cho rút tiền mà giữ trong ngân hàng để tính số lãi hàng tháng cho món vay mới. Sau đó, do quá bức bí vì áp lực nợ nần, bà Cúc và hàng trăm người cùng cảnh ngộ đã gửi đơn cầu cứu đến các ban ngành của tỉnh Gia Lai.
Đoàn chức năng thông báo quyết định cưỡng tài sản gia đình bà Cúc |
Đáp lại, ngày 19/1/2018, ông Nguyễn Văn Cư, GĐ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai ký công văn số 73/GLA-THNS&KSNB yêu cầu các NHTM phối hợp với chính quyền rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng vay vốn trồng hồ tiêu bị chết để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới để khôi phục SX hoặc chuyển đổi cây trồng.
Vị Giám đốc NHNN tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các NHTM tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng với các hộ vay trồng hồ tiêu bị thiệt hại, bị chết; cùng với các hộ vay vốn có khó khăn về thời hạn trả nợ đã ký kết hợp đồng tín dụng, bàn giải pháp và có lộ trình thu hồi nợ vay phù hợp, hạn chế việc khởi kiện, cưỡng chế thu nợ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Nhiều người đang khóc ròng vì cây hồ tiêu |
Tuy nhiên trên thực tế không như vậy, vào ngày 16/8/2018, ông Nguyễn Tấn Đạt - Trưởng phòng giao dịch Vietcombank Chư Sê, người đại diện theo ủy quyền cho nguyên đơn đã khởi kiện vợ chồng bà Cúc ra tòa án để đòi số tiền 920 triệu đồng và cả lãi suất. Vào ngày 5/3/2019, dù tòa chưa tống đạt bất cứ bản án nào cho gia đình bị đơn, song Chi cục Thi hành án huyện Chư Pưh đã gửi thông báo cưỡng chế số 100/CC-THA.
Theo đó, thi hành án đã kê biên, thẩm định giá 3 lô đất của bà Cúc để việc bán đấu giá với kinh phí dự trù cho việc cưỡng chế là khoảng 7 triệu đồng. Và đến sáng ngày 19/3/2019, đoàn Chi cục Thi hành án, Viện Kiểm sát, công an đã đến nhà bà Cúc thực thi nhiệm vụ.
Theo bà Cúc, bà có nghe tin Chính phủ đang bàn giải pháp cứu nông dân trồng hồ tiêu bị chết nên cảm thấy rất hi vọng song không thể ngờ là thực tế lại phũ phàng như vậy. "Gia đình tôi vay vốn một nắng hai sương làm ăn chứ đâu tiêu pha, chơi bời nhưng trời lại không thương. Giờ tôi đã già, còn bị bướu ác cổ tử cung nên chẳng biết làm sao nữa", bà Cúc nghẹn ngào.
Theo NHNN chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ cho vay để người dân trồng, chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn là 4.382 tỉ đồng, riêng huyện Chư Pưh chiếm 1.500 tỉ đồng với 8.104 hộ vay (tất cả đều là hộ gia đình, cá nhân, không có DN). Trước tình hình trên, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, trước kiến nghị của cử tri Gia Lai, Thống đốc Ngân hàng NHNN Lê Minh Hưng đã ký công văn hỏa tốc báo cáo Thủ tướng về việc khoanh nợ đối với các hộ nông dân Gia Lai vay vốn trồng hồ tiêu bị thiệt hại.
Nhiều gia đình phải treo biển bán nhà trả nợ nhưng chẳng ai mua |
Liên quan đến vấn đề tiêu chết, nông dân nợ nần chồng chất, vào ngày 30/11/2018, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tỉnh có chủ trương kịp thời hơn để giải quyết vấn đề đời sống người dân bằng cách kiến nghị với Thủ tướng và NHNN về các chính sách, đề xuất các giải pháp hỗ trợ bà con tiếp tục đầu tư làm ăn. |