Nghề nuôi cá tra ở Đồng Tháp phát triển mạnh từ nhiều năm trước và trở thành một trong những ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh này, giúp nhiều nông dân giàu lên. Nhưng gần 2 năm nay, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến người nuôi cá tra.
Cách đây gần chục năm, trước khi trở thành người nuôi cá tra giống có tiếng ở xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, ông Nguyễn Văn Liếc là Bí thư Đảng uỷ xã. Thời điểm ấy, nuôi cá tra thương phẩm đang khá “hot”, là một trong những ngành hàng kinh tế quan trọng ở Đồng Tháp và nhiều tỉnh ĐBSCL. Nhu cầu về con giống cá tra rất lớn, trong khi người nuôi chưa nhiều. Vì thế ông Liếc quyết định đầu tư nuôi cá tra giống.
Sau vài năm tích luỹ kinh nghiệm, ông Liếc đã tạo được uy tín, thương hiệu trong “làng” cá tra giống ở vùng Tam Nông nhờ sản xuất những con giống có chất lượng, không chỉ được các hộ gia đình nuôi cá tra ở địa phương tin tưởng, mà còn được nhiều doanh nghiệp sản xuất cá tra có tiếng ở ĐBSCL như Hùng Cá, Vĩnh Hoàng, Nam Việt…thu mua.
“Nuôi cá tra giống, nguồn nước quyết định khoảng 50% chất lượng. Tôi có “địa lợi” là mấy ao nằm sát con kênh lớn, dễ dàng bơm nước vào lưu thông làm sạch, lắng phèn, nên nguồn nước tương đối tốt. Dĩ nhiên, ngoài yếu tố đó ra, còn phải có kiến thức, hiểu quy trình kỹ thuật nữa”, ông Liếc nói.
Hiện nay, ông Liếc có 5 ao ươm cá tra giống, tổng diện tích hơn 3ha. Nếu giá tốt, nguồn đầu ra ổn định, thì bình quân 1 vụ ông có thể cho ra thị trường khoảng 30 tấn cá giống. “Hồi xưa vợ chồng tôi chỉ có cái nhà cấp 4 và mảnh ruộng mấy công đất phèn trồng lúa ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim, chẳng mấy khi dư dả. Lúc về hưu, lo cho con cái xong, tôi vay mượn vốn thuê đất nuôi cá, dần dần mới có dư. Cái nhà này hồi đó xây hết hơn tỷ bạc, cũng nhờ con cá tra. Giờ chưa phải giàu, nhưng cũng có của ăn của để”, ông Liếc nói.
Quả thật, ở vùng quê này, những căn nhà như của gia đình ông Liếc không nhiều.
Hỏi vì sao ông không nuôi cá tra thịt, ông Liếc nói: “Nuôi cá tra thịt nặng vốn, 1kg cá tra thịt vốn khoảng 20 ngàn, nghĩa là mỗi tấn cá tra thịt phải đầu tư vào đó 20 triệu. Như hầm này nếu nuôi cá tra thịt, sản lượng khoảng 500 tấn, như vậy chẳng phải vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng sao? Còn làm cá giống thì nhẹ vốn hơn, vài trăm triệu là có thể làm được một hầm như thế này rồi”.
Ông Liếc cho biết, do ảnh hưởng dịch nên từ nửa năm nay, ông đã giảm hơn 1 nửa năng lực sản xuất, hiện chỉ còn 2 ao, với sản lượng khoảng 15 tấn cá giống và vẫn chưa bán. Thời điểm chúng tôi gặp, giá cá tra giống đã tăng, ông Liếc đang chuẩn bị xuất bán.
“Mấy tháng nay, giá xuống thấp quá, ảnh hưởng dịch nên nhiều người nuôi không chịu nổi. Có lúc 1kg cá tra giống tụt xuống chỉ còn 10-15 ngàn. Mà cũng không có người mua, vì giãn cách, đâu có vận chuyển được. Mấy bữa nay giá lên rồi. Cá giống loại 30 - 35 con/kg đạt 32 -35 ngàn đồng/kg. So với cách đây 1 - 2 tháng thì giá mỗi ký đã tăng khoảng 10 ngàn đồng. Giá này thì có lời rồi...”.
Tương tự, ông Phùng Văn Sáu, ở ấp K8, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, cho biết: “Tôi sản xuất cá tra giống hơn chục năm nay, sản lượng bình quân hàng năm khoảng 35 triệu con. Nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ sản xuất được khoảng 15 triệu con, giảm gần 50%. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cá thương phẩm bí đầu ra nên cá tra giống cũng bán chậm. Vì vậy, tôi không dám sản xuất nhiều. Hy vọng những tháng cuối năm sẽ khởi sắc trở lại...”.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 76 cơ sở sản xuất giống cá tra và khoảng hơn 1.100 cơ sở ươm giống cá tra. Trung bình hàng năm, diện tích nuôi cá tra giống khoảng 900ha, sản lượng khoảng 1,5 tỷ con giống, đáp ứng 100% nhu cầu cá tra giống trong tỉnh và xuất bán ra nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL.
Trước đó, Đồng Tháp đã có kế hoạch sản xuất khoảng 1,7 tỷ con cá tra giống trong năm 2021. Nhưng đến cuối Quý III, mới sản xuất được gần 1 tỷ con. Dự báo, trong quý IV, sản lượng cá tra giống sản xuất đạt khoảng 200 triệu con. Nếu thả nuôi thương phẩm với mật độ 700 ngàn con/1ha, thì có thể đáp ứng khoảng 75% nhu cầu cá tra giống toàn tỉnh, thiếu cục bộ khoảng 178 triệu con cá tra giống.
Nguyên nhân sản lượng cá tra giống giảm là do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều cơ sở và hộ sản xuất phải tạm ngừng, cùng với đó là giá cá giống xuống thấp, các hoạt động giao thương phải tạm ngưng trệ do giãn cách...
“Hiện nay, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh đang dần ổn định, nên các cơ sở, hộ sản xuất cá tra bột, cá tra giống đã bắt đầu phục hồi sản xuất. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chế biến cũng có phương án tận dụng các ao trống để thả cá tra bột, ương nuôi lên cá thương phẩm, nên khoảng đầu năm 2022, sản lượng con giống sẽ đáp ứng đủ nhu cầu nuôi cá tra thương phẩm toàn tỉnh chứ không thiếu”, ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp.