| Hotline: 0983.970.780

Cứu cánh cho vụ mùa thất bát

Chủ Nhật 01/12/2024 , 07:35 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Để đảm bảo thắng lợi cho vụ đông 2024, bù đắp lại thiệt hại do bão số 3, ngành nông nghiệp Hải Phòng đã có nhiều giải pháp cụ thể để triển khai.

Bão số 3 đã khiến ngành nông nghiệp Hải Phòng thiệt hại gần 5.400 tỷ đồng, trong đó tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng lên tới 25.000ha. Để bù đắp thiệt hại, đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, ngành nông nghiệp Hải Phòng đã tập trung mở rộng diện tích cây vụ đông.

Cây vụ đông là cứu cánh của nông dân sau vụ mùa thất bát do bão. Ảnh: Đinh Mười.

Cây vụ đông là cứu cánh của nông dân sau vụ mùa thất bát do bão. Ảnh: Đinh Mười.

Đến cuối tháng 11/2024, nhiều địa phương tại Hải Phòng đã hoàn tất gieo trồng cây vụ đông. Vụ đông năm nay Hải Phòng ưu tiên sản xuất các cây trồng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và mang lại giá trị cao.

Tại xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên), vụ đông những năm gần đây, người dân đã chuyển đổi sang trồng bí xanh trên chân đất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm. Đây là cây trồng chủ lực trong vụ đông của xã Lưu Kiếm. Để thuận lợi cho việc trồng bí xanh vụ đông, bà con thường thu hoạch sớm vụ lúa mùa để sớm giải phóng đất.

Với sự hướng dẫn kỹ thuật của ngành nông nghiệp, bà con đã áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu, ươm giống trong bầu, đặc biệt đối với các loại cây vụ đông ưa ấm như ngô và bí xanh, sử dụng giống ngắn ngày, tuân thủ khung thời vụ thích hợp, ưu tiên gieo trồng cây ưa ấm trên đất cao ráo, bãi ngoài đê, kết hợp với cơ giới hóa trong khâu gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Trồng cây vụ đông tại xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Trồng cây vụ đông tại xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Lưu Kiếm cho biết, cây bí xanh tại địa phương đã được trồng lâu năm nhưng hiệu quả chưa thật sự cao. Những năm gần đây địa phương đã trồng bí xanh theo quy trình VietGAP, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao được chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh việc lựa chọn các cây vụ đông mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều địa phương tại Hải Phòng đã liên kết với các địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm và đưa vào sản xuất những cây trồng mới. Đơn cử có thể kể đến mô hình trồng hành tỏi tại xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo.

Hiện nay, đã có 15,7ha hành được trồng tại xã Dũng Tiến (trên tổng diện tích 418ha đất nông nghiệp toàn xã). Mặc dù đã thử nghiệm nhiều cây trồng, nhưng cây hành đã thực sự mang lại hiệu quả cao cho bà con nơi đây. Trong tiêu thụ, Hợp tác xã có sự liên kết chặt chẽ với các đầu mối tại Hải Dương trong hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

Hành là cây vụ đông mới được triển khai tại xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo. Ảnh: Đinh Mười.

Hành là cây vụ đông mới được triển khai tại xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo. Ảnh: Đinh Mười.

Tại xã Quyết Tiến, địa phương này có hơn 100 ha trồng cây vụ đông, trong đó nhiều nhất là khoai tây. Nếu như mọi năm diện tích đều được duy trì ở mức nhất định thì năm nay, người dân đã tập trung mở rộng diện tích sản xuất với mong muốn bù đắp lại cho vụ hè bị thiệt hại do bão số 3.

Ông Nguyễn Công Vường - Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến chia sẻ: “Năm nay bà con kỳ vọng nhiều vào vụ đông, diện tích được mở rộng thêm so với mọi năm gần 10 ha, cơ bản các loại rau màu đều đang phát triển tốt, chỉ mỗi cây khoai tây đang kém hơn một chút do thời tiết nắng nóng. Hy vọng thời tiết sẽ trở lạnh kịp thời để bà con có vụ đông bội thu”.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tiên Lãng, vụ đông năm 2024 địa phương này có hơn 1.000ha đã được gieo trồng, nhiều nhất là hành, tỏi, ớt, ngô, cà chua.. và các loại rau ăn lá. Địa phương đã có phương án chủ động nước tưới để bà con sản xuất vụ đông cũng như chuẩn bị để thau chua rửa mặn sản xuất vụ lúa đông xuân 2024 - 2025.

Khó khăn hiện nay là thời tiết diễn biến thất thường, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng cây vụ đông, đặc biệt là đối với cây khoai tây do đây là cây ưa lạnh nhưng thời gian qua trời vẫn chưa lạnh sâu. 

Hệ thống thủy lợi đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho vụ đông. Ảnh: Đinh Mười.

Hệ thống thủy lợi đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho vụ đông. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động thiếu, không đồng đều do chuyển dịch cơ cấu lao động làm việc trong ngành kinh tế khác nên đôi khi chưa đáp ứng yêu cầu thời vụ và khó khăn trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Việc tổ chức sản xuất ở quy mô lớn do liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định.

Để tháo gỡ, bên cạnh duy trì sản xuất cây vụ đông, công tác liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng được đẩy mạnh. Một số địa phương đã có diện tích trồng cây vụ đông của các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có liên kết theo hướng an toàn, có đầu ra ổn định, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bà con nông dân có thể xây dựng theo hướng tập trung hàng hóa quy mô lớn đem lại thu nhập cao hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan.

Khó khăn nữa trong việc sản xuất vụ đông hiện nay là lực lượng lao động thiếu, việc tổ chức sản xuất ở quy mô lớn còn hạn chế do liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định.

Để tháo gỡ, bên cạnh duy trì sản xuất cây vụ đông, công tác liên kết tiêu thụ sản phẩm thời gian qua đã được ngành nông nghiệp Hải Phòng chú trọng. Một số địa phương đã có diện tích trồng cây vụ đông của các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông dân và sản xuất đảm bảo an toàn, có đầu ra ổn định, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Những ruộng bắp cải đầu tiên sắp cho thu hoạch. Ảnh: Đinh Mười.

Những ruộng bắp cải đầu tiên sắp cho thu hoạch. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Ngô Trung Kiên - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng cho biết: Để đảm bảo thắng lợi, sản xuất vụ đông đạt hiệu quả cao nhất, tránh rủi ro, Chi cục đã khuyến cáo nông dân cần lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng từ các cửa hàng uy tín, cơ sở kinh doanh có đăng ký, tránh mua giống không rõ nguồn gốc, bán trôi nổi trên thị trường, nhất là trên mạng xã hội.

Về cơ cấu cây trồng, dự kiến diện tích cây vụ đông sớm toàn Thành phố đạt khoảng 250 - 300ha (chủ lực là cây ngô ngắn ngày) và các loại rau củ quả như rau ăn lá (bắp cải, su hào...), dưa quả (dưa chuột, dưa hấu, bí) và rau họ đậu, ớt... Dưa, bí được trồng bằng giống lai F1, kỹ thuật làm bầu; ớt được ươm cây con.

Với vụ đông chính, toàn Thành phố dự kiến có 400 - 450ha, trong đó chủ lực là cây khoai tây (giống Mara Beo, Girona, Atlantic). Giống khoai tây được chọn lọc kỹ, đảm bảo nguồn gốc, sạch bệnh. Rau, đậu được trồng rải vụ trên diện tích 4.800 - 5.000ha, ưu tiên các loại có giá trị kinh tế cao và thị trường ổn định. Việc canh tác vụ đông được triển khai dựa trên kế hoạch chi tiết, tận dụng lợi thế sẵn có để tối đa hóa hiệu quả kinh tế.

Vụ đông năm 2024, Hải Phòng đặt mục tiêu diện tích sản xuất đạt 7480ha, bằng 115,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó diện tích rau đạt trên 4.900ha, năng suất bình quân 242 tạ/ha, sản lượng ước đạt 119.000 tấn; diện tích gieo trồng một số cây khác như khoai, hoa các loại là 2.500ha. 

Xem thêm
Nông dân Việt Nam xuất sắc nhất năm 2022 nhờ nuôi bò nay không nuôi nữa

HÀ NỘI Anh Trần Văn Thắng là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 với doanh thu lớn nhất 65 tỷ đồng nhờ vỗ béo và giết mổ bò nhưng nay không còn nuôi con nào.

Hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

QUẢNG BÌNH Đến nay, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng được 3 địa phương là vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp xã.

Nông dân xuất sắc Việt Nam làm nông nghiệp tuần hoàn tiêu biểu ở Đất Cảng

HẢI PHÒNG Nuôi giun quế và trồng dưa lưới trong nhà màng tại Hợp tác xã Sông Giá là mô hình tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn ở Hải Phòng.