| Hotline: 0983.970.780

Khôi phục vườn chuối bị gãy đổ sau mưa bão

Thứ Ba 24/09/2024 , 08:22 (GMT+7)

Tuyệt đối không bón đạm, kali và phân chuồng cho cây trồng chưa hồi phục sau úng ngập vì cây không thể hấp thu, gây lãng phí và phản tác dụng

1. Thu dọn, làm vệ sinh vườn

Tận thu quả chuối và thân cây dùng làm thức ăn cho người và vật nuôi rồi đào rãnh luống sâu 30 - 40cm để hạ thấp mực nước ngầm trong vườn, triệt tiêu nhanh độ ẩm bão hòa trong đất, tránh cho thân ngầm cây chuối bị úng sinh lý, sau đó thu dọn sạch tàn dư thực vật, rắc vôi bột mặt luống để phòng ngừa nấm bệnh xâm nhập vào tầng canh tác gây hại rễ cây. Đồng thời vớt dọn rong, rêu, bèo bồng và các vật cản dòng chảy trên các sông trục, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thoát nhanh nước trên đồng ruộng.

Nhiều diện tích chuối của người dân các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại rất nặng do bão số 3. Ảnh: NNVN.

Nhiều diện tích chuối của người dân các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại rất nặng do bão số 3. Ảnh: NNVN.

Với các vườn chuối bị đổ gãy hoàn toàn, dùng dao sắc cắt vát tạo thành góc nghiêng với thân gốc 45 độ và cách mặt đất 40 - 45cm (mặt cắt hướng về phía mặt trời mọc hoặc lặn của 2 mép luống trồng chuối trước đó) rồi dùng nước vôi xử lý lên vết cắt để phòng nấm bệnh xâm nhập. Khi gốc cây bật mầm, chăm sóc tích cực, khoảng 8 - 13 tháng cây sẽ cho thu hoạch quả (tuỳ theo chuối tiêu hay chuối tây). 

Với những vườn chuối bị đổ nhẹ, cắt bỏ các lá già, lá khô, lá rách xước và bẹ cây đã thoái hóa và khơi đất để nới lỏng vùng rễ cây còn bám chặt trong đất rồi dựng thẳng cây, cắm cọc chống giữ cố định cây, kết hợp xử lý thuốc Kotomium + AT vào gốc để phòng nấm và tuyến trùng hại rễ. Khi cây chuối bắt đầu hồi phục, tưới chế phẩm TOBA NET dưới gốc kết hợp phun phân bón Orgamic qua lá.

2. Chăm sóc

Bón gốc mỗi 20 - 25kg phân hữu cơ hoai mục hoặc 3 - 4kg phân hữu cơ vi sinh + 0,5kg lân supe + 0,5kg vôi bột + 1kg đạm urê + 1kg kaliclorua. Trong đó phân hữu cơ, phân lân và vôi bột bón ngay khi chuối bắt đầu hồi phục.

Đạm và kali chia ra bón 5 lần: Lần 1 (khi cây hồi phục hoặc thân chính bật chồi được 1 tháng), bón 10% phân đạm và 10% kali; lần 2 (sau lần 1 chừng 1 tháng), bón 10% lượng đạm và 10% kali; lần 3 (sau lần 1 khoảng 3 tháng), bón 20% lượng đạm và 20% kal; lần 4 (sau lần 1 khoảng 5 tháng), bón 30% lượng đạm và 30% kali; lần 5 (sau lần 1 khoảng 7 tháng), bón nốt số phân còn lại.

Bón lá (khi cây chuối hồi phục 3,5 tháng) 2 lần cách nhau 10 ngày, phun Super NPK 10 - 8 - 8 + đạm cá pha với chất bám dính HPC; trước và sau trỗ buồng 10 ngày phun Super k + chất bám dính HPC. Lưu ý, dừng bón đạm và kai trước thu hoạch quả từ 20 - 25 ngày, có thể bón NPK tổng hợp có liều lượng tương đtương thay cho các loại phân đơn, đạm, lân và kali nêu trên.

Người dân xã Phú Cường (TP Hưng Yên) thu dọn, khôi phục lại sản xuất chuối tây bị đổ gãy do bão số 3. Ảnh: Hải Tiến.

Người dân xã Phú Cường (TP Hưng Yên) thu dọn, khôi phục lại sản xuất chuối tây bị đổ gãy do bão số 3. Ảnh: Hải Tiến.

Tỉa mầm nhánh: Chọn để lại mỗi cây khoảng 1 - 2 cây con khỏe (làm giống tái sinh vụ sau), cao dưới 1m, lá chưa xòe rộng và nằm cùng hàng dọc với cây mẹ, còn lại các nhánh con khác phải cắt bằng mặt đất vài khoét bỏ đỉnh sinh trưởng để cây không thể mọc lại.

Thường xuyên dọn vệ sinh vườn chuối, cắt bỏ các lá già, lá sâu bệnh, kể cả các lá còn dưới 50% diện tích lá khỏe mạnh nhưng không được xới xáo vùng đất gần gốc cây nhằm tránh nấm bệnh gây hại qua vết thương rễ cây.

Bao buồng quả bằng túi PE rỗng đáy khi nải quả cong, lá bắc chưa mở (sau khi buồng chuối trỗ thoát khoảng 10 ngày). Cắt hoa khi nải quả cuối cùng đã còi cọc hoặc dị hình. Gò buồng (để nải quả cong đều), dùng dây nilon buộc cuống đáy buồng chuối rồi kéo vít cố định dây vào thân cây sao cho hướng buồng chuối thẳng góc với mặt vườn. Chống đổ ngã bằng cách dùng cọc tre buộc chéo dấu nhân (X) chống vào cổ buồng chuối tạo với thân cây thế đứng chân kiềng.

3. Phòng trừ một số sâu bệnh gây hại chính

Bệnh chùn ngọn do virus, rệp là môi giới lan truyền virus hiện chưa có thuốc trừ đặc hiệu, chủ yếu phòng ngừa bằng biện pháp canh tác như sử dụng cây giống sạch bệnh (cây nuôi cấy mô), vệ sinh vườn thường xuyên, luân canh chuối với các cây ngô, lạc hoặc dược liệu; phun một trong các thuốc bảo vệ thực vật như Suprathion, Supracid để phòng trừ rệp vào thời kỳ cây chuối sinh trưởng khoẻ.

Bệnh đốm lá: Cắt bỏ, tiêu huỷ kịp thời các lá chuối bị bệnh; phun Tilt 250EC hoặc Bavistin 50FL để phòng bệnh khi ẩm độ không khí trên 75%, nhiệt độ không khí 25 - 30 độ C kéo dài liên tục nhiều ngày. Lưu ý, cần phun kép 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày, pha thêm chất bám dính HPC để tăng hiệu lực của thuốc.

Bao quả cho buồng chuối để phòng ngừa sâu bệnh. Ảnh: Hải Tiến.

Bao quả cho buồng chuối để phòng ngừa sâu bệnh. Ảnh: Hải Tiến.

Bệnh thán thư: Bao buồng quả bằng túi PE; vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn chuối; không trồng chuối mật độ quá dày; phun Zineb 80WP hoặc Anvil 5SC phòng bệnh khi thời tiết có nhiều sương giá và ẩm độ không khí cao; xử lý quả sau thu hoạch bằng Topsin hoặc Bavistin.

Sâu đục thân: Luân canh chuối với các cây rau màu khác; cắt bỏ các lá chuối thoái hoá, nhổ sạch cỏ vườn và thu gom tiêu huỷ triệt để tàn dư thực vật; xử lý hố trước khi trồng chuối bằng thuốc Furadan 10H; rắc Basudin 5G vào nõn chuối 2 lần, mỗi lần 3g/cây; bẫy sâu trưởng thành bằng cách lấy đoạn thân giả chuối dài khoảng 1m, chẻ dọc chia tư rồi đặt úp xuống đất cạnh khóm chuối, mỗi khóm đặt 1 - 2 bẫy, sau đó bắt giết sâu trưởng thành vào sáng sớm.

Tuyến trùng thường phát sinh khi trồng chuối trên các chân đất tơi xốp, giàu mùn. Xử lý bằng cách bón 0,3kg vôi bột/hốc chuối trước khi trồng; tăng cường bón phân hữu cơ hoặc phân hữu cơ vi sinh; cày sâu và phơi kiệt đất trước khi trồng; luân canh chuối với cây trồng nước; dùng chế phẩm Nema, Trichoderma hoặc Chitosan... Sử dụng thuốc và chế phẩm theo hướng dẫn ghi trên bao gói.

4. Thu hoạch

Kiểm tra buồng chuối nếu các quả căng đều, gờ cạnh không nổi rõ, núm quả teo nhỏ, vỏ quả chuyển màu xanh sáng có ánh phấn thì tiến hành thu hoạch, nên thu quả từ 8 giờ sáng đến 2 - 3 giờ chiều, cắt cả buồng chống ngược cuống, xếp trong nhà kín, sau 1 - 3 ngày cắt nải/ra buồng đưa đi tiêu thụ.

Xem thêm
Giúp đồng bào nuôi gà bản địa theo hướng an toàn sinh học

QUẢNG TRỊ Sau 5 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng trung bình 1,65kg/con, có thể nhân rộng để dần thay đổi phương thức chăn nuôi truyền thống kém hiệu quả của đồng bào.

Chăn nuôi tan tác sau bão lũ: [Bài 4] Đảm bảo môi trường, vệ sinh chuồng trại mới tái đàn

Nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn sau mưa bão, đòi hỏi chính quyền, các cơ quan chuyên môn và người dân có những biện pháp nhanh chóng, kịp thời để ổn định sản xuất.

Dừa sáp cấy mô đầu tiên cho trái

TRÀ VINH Sau 3 năm trồng, cây dừa sáp cấy mô sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại tỉnh Trà Vinh, cho trái sáp có cơm dày, chất lượng tốt.