| Hotline: 0983.970.780

Cứu Phùng Nguyên khỏi miệng hà bá

Thứ Hai 18/12/2023 , 13:43 (GMT+7)

Sau khi bờ sông tả Thao ở xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao bị sạt lở, tỉnh Phú Thọ đã chi 20 tỷ để kè khẩn cấp, cứu Phùng Nguyên khỏi miệng hà bá.

Sạt lở bờ sông tả Thao ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Ảnh: Hoàng Anh.

Sạt lở bờ sông tả Thao ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Ảnh: Hoàng Anh.

Nằm dọc theo bờ ng Thao, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ thường xuyên đối mặt với nguy cơ sạt lở. Tháng 11/2023, sau những trận mưa lớn phía thượng nguồn, đã có khoảng 1.000m đất ven sông bị “hà bá” cuốn trôi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của 7 hộ dân.

Trong đó có 3 hộ chịu thiệt hại nặng nề, phải di chuyển người và tài sản ngay trong đêm ngay trước miệng hà bá. Toàn bộ đoạn chân kè từ K78+500 - K79+500 đê tả sông Thao xuất hiện nhiều vết nứt ăn sâu vào đất trồng và nơi ở của người dân. Chân kè và mái kè đã bị sạt lở xuống sông, đỉnh cung sạt cách chân đê 10m, sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân, dọc 2 đầu cung sạt còn xuất hiện nhiều vết nứt có nguy cơ bị nước sông nuốt chửng.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ, tuyến kè Hợp Hải đoạn tương ứng từ Km78+500 -Km79+500 đê tả sông Thao thuộc địa bàn xã Phùng Nguyên được đầu tư xây dựng từ năm 2006; chân kè bằng lăng thể đá hộc, mái kè bằng đá hộc lát khan trong khung bê-tông. Đây là tuyến đê kè cấp II có nhiệm vụ bảo vệ khu dân cư tập trung, bảo vệ trực tiếp tuyến đê tả sông Thao ở các huyện Lâm Thao, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, mực nước sông Thao xuống thấp làm chế độ dòng chảy của sông thay đổi; phía bờ hữu có bãi bồi lớn chiếm 3/4 lòng sông làm mặt cắt sông bị thu hẹp, tạo dòng chảy xiết áp sát bờ tả, lòng sông trong khu vực bị xói sâu.

Bên cạnh đó, địa chất trong khu vực chủ yếu là đất cát pha, độ kết dính yếu, dẫn đến lòng sông tại khu vực tuyến kè Hợp Hải bị xói sâu hơn chân kè cũ từ 3-5m gây sạt lở chân kè với tổng chiều dài sạt lở khoảng 1.000m.

Khẩn trương cứu Phùng Nguyên khỏi miệng hà bá. Ảnh: Hoàng Anh.

Khẩn trương cứu Phùng Nguyên khỏi miệng hà bá. Ảnh: Hoàng Anh.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, UBND xã Phùng Nguyên đã báo cáo UBND huyện Lâm Thao, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ để có phương án xử lý, cũng như hỗ trợ nhà dân bị ảnh hưởng. UBND tỉnh Phú Thọ lập tức có quyết định đầu tư 20 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp, kè hộ chân bằng đá hộc thả rời tạo cơ phản áp để chống sạt lở.

Cụ thể, để giải quyết tình trạng cấp bách, UBND tỉnh Phú Thọ giao Sở NN-PTNT tổ chức thực hiện xây dựng công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng; khẩn trương chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư dự án theo yêu cầu của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, rà soát, tổng hợp trình Bộ NN-PTNT bố trí kinh phí để thực hiện công trình khẩn cấp.

UBND huyện Lâm Thao phối hợp các đơn vị liên quan, duy trì thực hiện việc cảnh báo, lập chốt trực, tổ chức phân luồng giao thông (nếu cần thiết); thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; trường hợp phát hiện các hiện tượng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phải báo cáo ngay về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh; chịu trách nhiệm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (nếu có) để bảo đảm tiến độ thi công xây dựng công trình khẩn cấp; tiếp nhận và quản lý công trình sau khi công trình hoàn thành theo quy định….

Chi 20 tỷ đồng khắc phục sự cố ở Phùng Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Chi 20 tỷ đồng khắc phục sự cố ở Phùng Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết: Sau khi nhận được báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, Bộ NN-PTNT đã tiến hành khảo sát, qua đó quyết định hỗ trợ 20 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xử lý cấp bách sự cố đê điều do Bộ quản lý để Phú Thọ xử lý sự cố sạt lở tại đê tả sông Thao, đoạn qua địa bàn xã Phùng Nguyên.

“Từ cuối tháng 11 dự án xây dựng tuyến kè khẩn cấp tại tuyến đê tả sông Thao đã bắt đầu được triển khai, thời gian thực hiện đến hết tháng 3/2024. Phương án thực hiện sẽ là kè hộ chân bằng đá hộc thả rời tạo cơ phản áp để chống sạt lở bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, với chiều dài khoảng 1.000m", ông Bình cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, đến thời điểm hiện tại đã thi công được khoảng 30% khối lượng công trình, về cơ bản Phùng Nguyên đã được cứu khỏi miệng hà bá.

Khẩn trương thi công dự án kè ở Phùng Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Khẩn trương thi công dự án kè ở Phùng Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Cũng trên địa bàn huyện Lâm Thao, tình trạng sạt lở bờ sông Thao, đoạn qua khu 14 xã Bản Nguyên diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nhiều ha đất bãi trồng hoa màu của người dân bị nước sông cuốn trôi và tình trạng sạt lở đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của hơn 1.000 hộ dân. Tháng 8/2023, trong buổi kiểm tra tình trạng sạt lở bờ sông tại xã Bản Nguyên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã giao Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai phối hợp với tỉnh Phú Thọ khảo sát, báo cáo Bộ tổng hợp, xin ý kiến Thủ tướng phương án xử lý, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực và an toàn công trình đê điều.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người dâng giọt mật cho đời

Nghề làm mật mía đã nuôi sống mấy thế hệ trong gia đình lão Nhạc. Tuy nhiên, lão vẫn lo một ngày nào đó nghề cha ông sẽ bị thất truyền.

Bình luận mới nhất