| Hotline: 0983.970.780

Nhật ký trồng chuối Lâm Thao

Thứ Sáu 17/11/2023 , 10:31 (GMT+7)

Đi giữa rừng chuối bạt ngàn ven bãi, ông Hán Quang Vinh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lâm nói: Nhờ chuối Lâm Thao mà nhiều người thu tiền tỷ.

Chuối Lâm Thao - sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Hoàng Anh.

Chuối Lâm Thao - sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Hoàng Anh.

Chuối Lâm Thao, OCOP 3 sao

Nghề trồng chuối ở huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) có từ nhiều năm trước. Trên những vùng đất bãi ven bờ sông Hồng, người dân các xã Vĩnh Lại, Cao Xá, Bản Nguyên, Xuân Huy vỡ vạc thành vùng chuối lớn nhất nhì tỉnh Phú Thọ. Tính đến nay đã có khoảng hơn 253ha, trồng đủ chuối tiêu xanh, tiêu hồng, chuối Tây…

Bình quân mỗi năm người Lâm Thao thu khoảng gần 10 ngàn tấn, phần lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhờ nắm rõ thông tin thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, nhiều nông dân trồng chuối ở Lâm Thao trở nên giàu có.

Gia đình ông Hán Văn Bình (thôn Quỳnh Lâm, xã Bản Nguyên) trồng hơn 3ha chuối, bao gồm cả chuối tiêu xanh truyền thống và chuối Tây. Thành viên của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lâm chia sẻ, ngày trước người dân trồng theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, không theo quy trình nào cả, tiêu chuẩn thị trường cũng không biết thế nào nên nhiều khi chuối chín trên cây vẫn không biết bán cho ai. Mấy năm nay nhờ tham gia hợp tác xã, trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng… bà con mới khá giả.

Vườn chuối tiền tỷ của gia đình ông Hán Văn Bình. Ảnh: Hoàng Anh.

Vườn chuối tiền tỷ của gia đình ông Hán Văn Bình. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Bình là một trong số những hộ trồng chuối đầu tiên ở Bản Nguyên thực hiện mô hình “Ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chuối tại huyện Lâm Thao” do UBND huyện Lâm Thao phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ tổ chức. Tham gia mô hình này, những người trồng chuối ở Lâm Thao được hỗ trợ một số vật tư như phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, bảo hộ lao động, hộp đựng sản phẩm, tem điện tử truy xuất nguồn gốc...

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức những buổi tập huấn đối với 7 hộ tham gia mô hình, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trên cây chuối, lập sổ ghi chép nhật ký sản xuất để theo dõi vật tư đầu vào, hoạt động sản xuất, thu hoạch, kiểm tra quá trình ghi chép hồ sơ…

Cụ thể, đối với các mô hình trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP như gia đình ông Bình được hỗ trợ 1,5 tấn phân hữu cơ, 60kg chế phẩm sinh học, 30 gói thuốc BVTV trên mỗi ha.

Ngay trong năm đầu tiên thực hiện mô hình, khác biệt đã thấy rõ. Đất tơi xốp hơn, cây chuối sinh trưởng phát triển tốt hơn, đặc biệt là bệnh vàng lá giảm hẳn. Người dân cũng biết cách tự ủ phân hữu cơ, tự làm thuốc BVTV thảo mộc nên tiết kiệm được chi phí đầu vào. Mẫu đất, mẫu nước, mẫu quả ở các mô hình gửi đi phân tích, kiểm nghiệm để đánh giá mức độ an toàn đều đạt các tiêu chí theo quy định.

Hạch toán kinh tế, mỗi năm gia đình ông Bình trồng được 3.000 gốc chuối tiêu xanh và 2.000 gốc chuối Tây thu được hơn 100 tấn chuối, bán giá dao động từ 10 -12 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí còn lãi khoảng 300 triệu đồng/ha.

Ông Hán Quang Vinh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Hán Quang Vinh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Kết quả thực hiện ở 6 hộ dân khác cũng cho thấy những thay đổi tích cực. Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng trong mô hình kết hợp sử dụng phân hữu cơ vi sinh, sử dụng chế phẩm sinh học Trichodema giúp cải tạo đất, phòng trừ vi sinh vật gây hại trong đất, hạn chế bệnh hại, nhất là bệnh vàng lá trên cây chuối. Cây chuối sinh trưởng phát triển khỏe và đồng đều, tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu, bệnh hại.

Năng suất bình quân chuối tiêu ở các mô hình đạt 513,3 tạ/ha (23,3 kg/buồng), chuối Tây đạt 423 tạ/ha (23,5 kg/buồng). Tổng kết mô hình cho thấy, một ha trồng chuối tiêu lãi 315 triệu đồng, chuối Tây lãi 297 triệu đồng. 40ha trồng chuối trong mô hình thu về 18,7 tỷ đồng, lợi nhuận 12,2 tỷ đồng.

Ông Hán Quang Vinh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lâm cho biết, trong số 30ha đất trồng chuối của hợp tác xã hiện đã có 6 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. 15,7ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước EU. 250 hộ thành viên hợp tác xã có thu nhập cao và ổn định hơn so với trồng lúa, trồng ngô. Ngoài ra, năm 2022, hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP cũng đánh giá chuối của hợp tác xã có nhiều tiêu chí vượt trội so với sản xuất truyền thống.

Chuối tiêu xanh Lâm Thao trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Hoàng Anh.

Chuối tiêu xanh Lâm Thao trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Hoàng Anh.

Đặc biệt là sản phẩm chuối tiêu xanh truyền thống trồng theo tiêu chuẩn VietGAP thơm ngon và giàu dinh dưỡng hơn so với các loại chuối khác. Lúc còn xanh, vỏ chuối dính liền với thịt quả, nhưng khi đã chín vàng thì lớp vỏ ấy sẽ tự động tách rời ra, bóc dễ dàng, thịt quả chuối có màu vàng ươm như mỡ gà, tỏa ra mùi hương riêng có. Ăn vào thì thấy thịt quả dẻo bùi, vị ngọt thanh vương vấn nơi đầu lưỡi. Nhờ đó chuối Lâm Thao được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Ngoài ra, để gia tăng thu nhập cho các thành viên, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lâm cũng liên kết với các hợp tác xã khác bán thân cây chuối, bẹ chuối để sản xuất tơ sợi, bán hoa chuối vào hệ thống nhà hàng, siêu thị, bán cây chuối giống…

“Nhờ thay đổi quy trình canh tác theo tiêu chuẩn thị trường, chuối Lâm Thao được thương lái Trung Quốc đến tận nơi để thu mua. Sản phẩm cung ứng ra thị trường có tem nhãn, hộp đựng nhằm quảng bá thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, đảm bảo phát triển bền vững. Nhiều thành viên hợp tác xã trở nên khá giả như hộ ông Hán Văn Bình, Bùi Minh Đức…, mỗi năm thu về tiền tỷ nhờ trồng chuối”, ông Hán Quang Vinh chia sẻ.

Trồng chuối không bỏ đi thứ gì

Với mục tiêu phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm “Chuối Lâm Thao”, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đang xây dựng vùng chuối sản xuất tập trung chuyên canh được ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Khảo sát vùng nguyên liệu chuối ở Lâm Thao. Ảnh: Hoàng Anh.

Khảo sát vùng nguyên liệu chuối ở Lâm Thao. Ảnh: Hoàng Anh.

Năm 2023, các mô hình trồng chuối VietGAP được triển khai trên diện tích 40ha tại các xã Bản Nguyên (6 ha), Vĩnh Lại (14ha), Xuân Huy (20ha), Thạch Sơn (10ha). Tại các vùng trồng, các hộ dân đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất chuối và các vùng trồng đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ thị trường xuất khẩu, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ đã hướng dẫn lập hồ sơ cấp mã số cho 3 vùng trồng chuối, tiến hành kiểm tra thực địa, hoàn thiện hồ sơ và đề nghị cấp mã số vùng trồng nội địa cho toàn bộ diện tích 40ha. Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn duy trì diện tích đã được cấp mã số đi EU và hoàn thiện hồ sơ cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho 43,7ha chuối ở Lâm Thao.

Đến thời điểm hiện tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lâm đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng cho 15,7ha đi EU và 6 ha phục vụ thị trường nội địa. Tổ hợp tác sản xuất chuối xã Xuân Huy có 14ha có mã số vùng trồng xuất khẩu EU, 20ha bán trong nước. Tổ hợp tác sản xuất chuối xã Vĩnh Lại có 32ha có mã số vùng trồng bán trong nước và 14ha đang chờ xuất khẩu sang Trung Quốc…

Cùng với tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ cũng thực hiện kết nối tiêu thụ sản phẩm cho 3 hợp tác xã, tổ hợp tác thông qua việc hỗ trợ tem điện tử truy xuất nguồn gốc, hộp đựng sản phẩm. Mời một số doanh nghiệp đến khảo sát vùng chuối, thực hiện ký kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất, gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ chuối cho bà con.

Ông Bùi Minh Đức, một trong số những thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lâm, khá giả nhờ trồng chuối. Ảnh: Hoàng Anh. 

Ông Bùi Minh Đức, một trong số những thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lâm, khá giả nhờ trồng chuối. Ảnh: Hoàng Anh. 

Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ cho hay: Chiến lược của ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ là xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung ở các huyện dọc hai bờ sông Hồng như Lâm Thao, Cẩm Khê, Thanh Ba, Tam Nông, Hạ Hòa… Dự kiến trong những năm tới, toàn tỉnh Phú Thọ sẽ thêm 1.400ha trồng chuối. Trong đó, huyện Tam Nông 150ha, huyện Hạ Hòa 200ha, huyện Cẩm Khê 150ha, Phù Ninh 200ha, Thanh Ba 200ha, Thanh Thủy 250ha, Đoan Hùng 150ha, Lâm Thao 100ha...

“Vấn đề quan trọng nhất là xây dựng mã số vùng trồng để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định. Đến nay tỉnh Phú Thọ đã xây dựng được 33 vùng sản xuất chuối với diện tích hơn 1.000ha và đã cấp được 41 mã số vùng trồng trên diện tích gần 1.500ha cho các sản phẩm như chuối, bưởi, rau… Thời gian tới ngành nông nghiệp Phú Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh vấn đề này, hướng đến thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc”, ông Trần Tú Anh khẳng định.

Song song với xây dựng vùng nguyên liệu, các hợp tác xã, tổ hợp tác chế biến cũng được hình thành. Hợp tác xã nông nghiệp Thượng Nông ở xã Dân Quyền (huyện Tam Nông) đã sơ chế vỏ cây chuối sau thu hoạch thành sợi tơ xuất khẩu, hình thành chuỗi kinh tế nông nghiệp không bỏ đi thứ gì.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.