Bãi bồi, bờ xôi ruộng mật của người dân xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đang bị bào mòn, mất dần do tình trạng sạt lở.
Bao đời nay người dân ở xã Bản Nguyên sống yên bình bên bờ tả sông Hồng. Ruộng vườn nơi đây trù phú, đặc biệt là diện tích bãi bồi rộng trăm ha được sông sông Hồng bồi đắp là “của để dành” của người dân nơi đây. Xóm làng cũng theo đó mà mọc lên. Bãi bồi ngoài sông Hồng đã mang lại cuộc sống ấm no cho bao gia đình. Sự yên bình đó bỗng bị xáo trộn khi dòng sông Hồng thay đổi dòng chảy. Sau mỗi mùa mưa trôi qua, lòng sông lại lấn sâu vào đất canh tác, nơi ở của bà con.
Tình trạng sạt lở diễn ra với tốc độ nhanh và mạnh hơn. Nguy cơ dòng sông Hồng nuốt chửng cả xóm bãi đang cận kề.
Đêm nằm ngủ mà giật mình thon thót
Đứng từ trên đê nhìn xuống là cả một vùng non xanh, thủy tú hiện lên trước mắt. Cây cối tươi tốt, xóm làng trù phú miền trung du như là minh chứng cho sự no đủ của vùng đất bán sơn địa này. Trái với vẻ bình yên đến nao lòng đó, các hộ dân sống ngoài đất bãi sông Hồng lại như đang ngồi trên đống lửa. Gia đình đầu tiên mà chúng tôi đến thăm là nhà bà Nguyễn Thị Cậy. Bà Cậy đã ngoài 60 tuổi, đầu đã 2 thứ tóc đang ngồi bên hiên nhà mà lòng nóng như lửa đốt.
“Đêm qua trời mưa to, cả nhà tôi không sao ngủ được. Mưa như trút nước. Đất ngoài sông lở ầm ầm. Lòng sông đang lấn dần vào móng nhà tôi đến nơi rồi, không lo sao được”, bà Cậy mở lời.
Chưa kịp pha trà mời khách, bà Cậy bước thấp, bước cao dẫn chúng tôi ra sau nhà. Vượt qua vườn chuối mấy bước chân đã tới mép nước sông Hồng. Bờ bãi dựng đứng như vách thành, cách mép nước cả chục mét. Bên mép nước sông là vạn gốc chuối xơ xác, bị vùi lấp không thương tiếc. Dòng sông chảy cuồn cuộn cứ xoáy dần vào bờ bãi kéo đi từng mảng đất lớn.
“Cách đây nửa năm, đất bãi nhà tôi ở tít ngoài phía xa, vậy mà nay chỉ là một vùng nước đục đỏ ngầu”, bà Cậy chỉ tay về phía giữa sông mà cảm thán. Không dừng lại ở đó, giờ đây lòng sông đã lấn vào tới nền bếp, rồi nền nhà của gia đình. Với tốc độ sạt lở nhanh như thời gian này, bà Cậy lo lắng, không biết ngôi nhà của bà có còn giữ được sau mùa mưa bão năm nay hay không.
Tình trạng sạt lở đất bãi ven sông Hồng thuộc xã Bản Nguyên diễn ra với tốc độ vô cùng nhanh chóng. Đang là mùa mưa, nên mực nước sông Hồng dâng cao với những xoáy ngầm cứ nhè vùng đất bãi tươi tốt của bà con mà đào hàm ếch. Những vết nứt dài chạy dọc vùng đất bãi chằng chịt như một trận đồ. Vườn chuối tây cả vạn cây của bà con cũng theo đó mà rơi rụng dần xuống lòng sông. Đất lở đến đâu, chuối bị kéo theo đến đó.
Nhìn đất đai và nông sản của bà con bị lòng sông Hồng cuốn đi một cách không thương tiếc, ông Nguyễn Văn Quân, trưởng xóm 14, xã Bản Nguyên chỉ biết thở dài và bất lực. “Tình trạng sạt lở diễn ra từ đầu năm 2023. Ban đầu bà con mất một ít canh tác ngoài bãi. Không ai nghĩ, chỉ sau gần 1 năm, cả vùng đất bãi mênh mông của xóm đã biến thành lòng sông”.
Dẫn chúng tôi đi thăm xóm mà ông Quân không giấu được nỗi lo lắng. Dọc các lối mòn ra bãi sông đều có biển cảnh báo nguy hiểm và barie chặn lại tựa như cảnh báo thời chiến vậy. Mức độ sạt lở quá nhanh, quá mạnh khiến không ai dám ra bờ bãi canh tác nữa. Vườn chuối, vườn ngô, tươi tốt của bà con cũng theo đó mà mất dần. Điều đáng lo ngại hơn là lòng sông đã bắt đầu lấn vào tới xóm làng. Mức nước chỉ cách nhà dân khoảng 10 đến 20m. “Trời mưa to là những hộ dân sống gần bãi bồi không dám ở nhà nữa. Họ phải di chuyển đi ở nhờ”, ông Quân cho biết.
Bờ xôi ruộng mất có nguy cơ biến mất
Bà con xã Bản Nguyên sinh sống ở ven sông Hồng từ nhiều đời nay. Khi thủy điện Hòa Bình chưa hoàn thiện, vùng bãi bồi ngoài đê sông Hồng gần như bị ngập quanh năm, bà con không thể canh tác được. Từ khi thủy điện ngăn sông Đà thành công, bãi bồi ngoài đê sông Hồng bỗng biến thành bờ xôi ruộng mật. Ban đầu các hộ dân chỉ dựng lán để coi ruộng ngô, vườn chuối. Cả mấy nghìn ha đất kéo dài từ cầu phong Châu tới cầu Việt Trì trở thành nơi canh tác tươi tốt cho bà con.
Sau mỗi năm xóm làng ngày một đông đúc hơn. Bà con bắt đầu dựng nhà, dựng cửa trên đất bãi. Chẳng mấy chốc dọc bờ tả sông Hồng xóm làng đông đúc đua nhau mọc lên.
Cụ Nguyễn Văn Chuyển năm nay đã 85 tuổi và cũng là những người đầu tiên mạnh dạn di dân ra bãi bồi sông Hồng để sinh sống. Đến giờ, cụ Chuyển vẫn còn nhớ như in, sự hình thành của bãi bồi ven sông. Trong đê bà con có ít ruộng, từ khi khai hoang vùng đất bãi, cuộc sống của người dân khấm khá hẳn lên. “Trồng cây gì cũng cho năng suất cao. Ở ngoài bãi mát mẻ quanh năm. Nếu không có vùng đất bãi tươi tốt này, chắc bà con Bản Nguyên phải di dân từ lâu rồi”, cụ Chuyển bùi ngùi nhớ lại.
Trong những ngày đầu thu, gió ngoài bãi mát lành thổi vào từng chặp. Cụ Chuyển và mấy người hàng xóm ngồi bên hiên nhà uống trà bàn chuyện nông gia. Tưởng như cái an nhàn của người nông dân mãi được bờ bãi bao bọc, nào ngờ, giờ đây người dân nào cũng một nỗi lo nơm nớp. Dòng sông ngày nào che chở, nay lại tựa như một tên “giặc nước” đang từng giờ, từng ngày cướp đi đất đai, nhà cửa của bà con.
Ông Biên - hàng xóm của cụ Chuyển thở dài thườn thượt, sau bao năm nhà tôi mới dựng được ngôi nhà bề thế. Những tưởng cả gia đình tôi sẽ yên ổn hưởng tuổi già. Mong muốn đó của nhà tôi có khả năng không thành hiện thực. Với đà lòng sông lấn nhanh như thời gian vừa rồi, tôi e mùa mưa năm nay, nhà mình có còn giữ nổi không nữa”.
Cũng giống như ông Biên, cụ Chuyển, nỗi lo mất đất sản xuất và nhà cửa đang bao trùm xóm bãi. Ông Nguyễn Đình Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Nguyên trong những ngày này đứng ngồi không yên. Điện thoại của ông bị “réo” suốt ngày bởi bà con có đất ngoài bãi hỏi xem tình hình cấp trên có động tĩnh gì giúp dân hay không. Ngày ông trực ở xã, tối đến thăm hỏi động viên bà con để ổn định tình hình dân cư.
“Từ đầu năm 2023 đến nay cả chính quyền và nhân dân bàn đến chuyện chống sạt lở là chính. Dòng sông Hồng thay đổi dòng chảy khiến bà con đứng ngồi không yên”, ông Năm cho biết.
Trong báo cáo mới nhất của UBND xã Bản Nguyên nêu rõ: Thời gian vừa qua, thượng nguồn sông Thao (một tên gọi khác của sông Hồng mà bà con Phú Thọ dùng) xảy ra một số đợt mưa to diện rộng, mực nước sông Thao thường xuyên dao động tạo dòng chảy xiết, kết hợp phía bờ hữu và giữa lòng sông có bãi bồi lớn làm dòng chảy sông Thao thay đổi, dòng chủ lưu áp sát bờ tả, lòng sông trong khu vực bị xói sâu gây sạt lở nghiêm trọng đoạn bờ, vở sông đê tả Thao thuộc địa bàn xã Bản Nguyên với chiều dài sạt lở khoảng 655 m, trong đó gây sạt lở khoảng 355 m kè Bản Nguyên…
Xây kè chống sạt lở
Cũng theo báo cáo của xã Bản Nguyên, qua theo dõi diễn biến sạt lở, hiện trong khu vực xuất hiện nhiều cung sạt kéo dài có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở mạnh. Đoạn sạt lở trên, nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây mất ổn định tuyến kè Bản Nguyên, uy hiếp đến an toàn công trình đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực. UBND xã Bản Nguyên đề nghị: “UBND huyện Lâm Thao xem xét, báo cáo các cấp, ngành chức năng cho xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông”.
Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng tại xã Bản Nguyên, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã về trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo UBND huyện Lâm Thao cho cắm biển cảnh báo nguy hiểm, ngăn không cho người và gia súc vào khu vực sạt lở; thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở, báo cáo kịp thời Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khi có tình huống phát sinh.
Được biết, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Phú Thọ báo cáo về sự cố sạt lở bờ vở sông và xói lở chân kè Bản Nguyên đê tả sông Thao và kiến nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ NN-PTNT hỗ trợ 30 tỷ đồng từ nguồn xử lý cấp bách sự cố đê điều năm 2023 để xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở trên.
Ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng đã về xã Bản Nguyên để kiểm tra và sau đó giao Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai phối hợp với tỉnh Phú Thọ khảo sát, báo cáo để Bộ tổng hợp, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực và an toàn công trình đê điều.