BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cho biết, bé H.T.H. (6 tuổi, 36 kg, ngụ Đồng Tháp), thể trạng thừa cân béo phì, sốt cao liên tục 4 ngày kèm nhức đầu, đau nhức mình, ói mửa.
Đến ngày thứ 5, bé H. có biểu hiện đau bụng, tay chân lạnh, mệt, ói ra dịch lợn cợn nâu nên nhập viện tại Khoa Hồi sức nhi, Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp trong tình trạng mạch không bắt được, huyết áp khó đo, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng, điều trị truyền dịch chống sốc theo phác đồ.
Chỉ trong 6 giờ đầu, bé H. biểu hiện suy hô hấp nặng, bụng chướng căng, ói ra máu, đi cầu phân đen, huyết động không ổn định, xét nghiệm máu cho thấy trẻ tổn thương gan nặng (men gan > 1000 đv/L).
Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp hội chẩn cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố thống nhất đặt nội khí quản giúp thở, tiếp tục truyền dịch chống sốc và chuyển viện.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp thở máy, tiếp tục chống sốc, đo huyết áp động mạch xâm lấn, áp lực tĩnh mạch trung tâm, sử dụng thuốc vận mạch.
Bệnh nhi diễn tiến nặng, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều, tổn thương gan thận, được tiếp tục chống sốc bằng cao phân tử dextran 40 10%, truyền máu và chế phẩm máu, điều chỉnh toan, điều trị hỗ trợ gan thận.
"Sau 1 tuần điều trị tình trạng trẻ ổn định dần, được cai máy thở, thở khí trời, tỉnh táo. Đây là trường hợp sốc sốt xuất huyết nặng, biến chứng suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận, được cứu sống nhờ phối hợp chặt chẽ giữa hai bệnh viện, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cho hay.
BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo phụ huynh, khi thấy con em mình sốt trên 2 ngày đặc biệt nằm một chỗ không chơi, đau bụng, tay chân lạnh, chảy máu cam, máu răng,... cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị cấp cứu kịp thời.
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên thời điểm này cũng đang vào mùa của bệnh sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan chủ yếu do muỗi vằn Aedes aegypti đốt người bệnh, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh.
Vì vậy, các bác sĩ lưu ý phụ huynh cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào đẻ trứng. Có thể thả cá nhỏ, cá bảy màu hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy.
Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp...) hàng tuần. Có thể dùng bàn chải cọ kỹ mép dụng cụ chứa nước vì muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng ở mép nước.
Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng sẽ giúp hạn chế nơi trú ẩn của muỗi. Đối với những dụng cụ chứa nước như khay nước tủ lạnh, bát nước kê chạn hoặc tủ đựng chén bát... thì người dân có thể cho muối hoặc dầu ăn vào nước sẽ khiến muỗi không thể đẻ trứng. Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh...