Đoàn đã được các cơ quan Chính phủ, Hiệp hội, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp tiếp đón trọng thị và thu được các kết quả quan trọng. Nhân dịp này, Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế về các kết quả của chuyến đi.
Thưa ông, được biết Đoàn công tác của Bộ vừa có chuyến thăm và làm việc thành công tại Vương quốc Anh. Ông có thể cho biết những cơ hội mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong hợp tác với Vương quốc Anh?
Vương quốc Anh là quốc gia phát triển ở nhóm đầu. Vì vậy, hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh mở ra hàng loạt cơ hội mới cho xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS), thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và đào tạo.
Với dân số gần 70 triệu người và thu nhập trung bình ở mức trên 40.000 USD, Vương quốc Anh là thị trường tiêu thụ lớn cho hàng NLTS của Việt Nam.
Đáng lưu ý, Việt Nam là một trong 4 nước ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á (cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore) có Hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh, tạo điều kiện cho hàng NLTS của Việt Nam dễ thâm nhập thị trường này.
Thêm vào đó, sau Brexit, Vương quốc Anh rất quan tâm đến mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, trong đó hợp tác chiến lược với Việt Nam được quan tâm đặc biệt. Với mức thu nhập cao, đặc biệt ở London và một số thành phố lớn, người tiêu dùng Anh sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm NLTS đảm bảo chất lượng.
Đây là nền tảng cho tăng trưởng xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Vương quốc Anh trong thời gian vừa qua (năm 2021 đạt 6,1%; 4 tháng đầu năm 2022 đạt 20,8% so với cùng kỳ), kể cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Là trung tâm tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư Anh có điều kiện thuận lợi về vốn và các quan hệ đối tác để đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Với nền tảng khoa học công nghệ phát triển của Vương quốc Anh, các Viện nghiên cứu, trường đại học của Vương quốc Anh có điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho các đối tác phía Việt Nam.
Đặc biệt, với việc Vương quốc Anh coi Việt Nam là đối tác chiến lược thì các nguồn hỗ trợ kỹ thuật thông qua các dự án viện trợ không hoàn lại cho nông nghiệp Việt Nam là một kênh chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đáng được lưu tâm.
Hơn thế nữa, Vương quốc Anh cũng đang ủng hộ mạnh mẽ những chương trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của Việt Nam sau COP26. Vì vậy, đây là cơ hội để xây dựng các chương trình/dự án hợp tác chiến lược với phía bạn về phát triển cảnh quan bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ phúc lợi động vật, đảm bảo an toàn sinh học phát triển lâm nghiệp, tạo sinh kế cho người dân.
Ông có thể kể thêm về các kết quả cụ thể đã đạt được của chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác tại Vương quốc Anh?
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc chính thức tại Vương quốc Anh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã có cuộc hội đàm với bà Victoria Prentis, Quốc Vụ khanh phụ trách Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh.
Theo đó, hai bên thống nhất cao về mở cửa thị trường đối với các mặt hàng mỗi bên có thế mạnh và chuẩn bị ký Bản ghi nhớ giữa hai Bộ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó đề cập đến hợp tác sâu rộng hơn nữa về phát triển bền vững, an toàn sinh học, đảm bảo phúc lợi động vật. Phía Anh cũng thông báo lần đầu tiên sẽ cử Tham tán nông nghiệp sang làm việc tại Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam vào cuối năm nay.
Thêm vào đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng có bài phát biểu khai mạc quan trọng tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Vương quốc Anh với sự tham gia của trên 100 đại diện, hiệp hội và các cơ quan liên quan. Đây là cơ hội thúc đẩy kết nối thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp nông nghiệp của 2 quốc gia.
Bên cạnh đó, Đoàn công tác đã thăm và làm việc với các cơ quan chuyên môn của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn như Trung tâm sức khỏe động vật và thực vật (ALPHA), Viện nghiên cứu và kiểm soát dịch bệnh từ động vật sang người Pirbright, Trung tâm đổi mới sáng tạo nông nghiệp NIAB, và các mô hình nông nghiệp liên quan.
APHA là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm phát hiện, quản lý và ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh và sâu bệnh đặc hữu, ngoại lai ở động vật, thực vật và ong. Với hơn 2.500 chuyên gia, Trung tâm ALPHA đã thực hiện tốt các vai trò: Kiểm tra và chẩn đoán dịch bệnh; Dịch tễ học; Giám sát dịch bệnh; Xác định và ngăn chặn dịch bệnh; Phục hồi sau bùng phát dịch bệnh và là Cơ quan hàng đầu về phòng, chống dịch thuộc Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh.
Bên cạnh năng lực về chuyên môn, một kinh nghiệm rất đáng học tập từ Vương quốc Anh là việc tổ chức hệ thống thú y cộng đồng tại các địa bàn bên cạnh chuyên gia thú y riêng của các doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi lớn.
Đoàn cũng tiếp cận Viện Pirbright là trung tâm hàng đầu thế giới về nghiên cứu và giám sát các bệnh do virus trên vật nuôi và virus lây lan từ động vật sang người. Qua đó, cơ hội hợp tác Việt Nam - Vương quốc Anh về kiểm soát và giám sát dịch bệnh mới nổi: tăng cường chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu và nâng cao năng lực chẩn đoán cho ngành thú y Việt Nam. Đồng thời cũng quan tâm đến việc thông tin dịch bệnh từ cơ sở và phát hiện bệnh gia súc sớm từ các trang trại chăn nuôi.
Trung tâm đổi mới sáng tạo nông nghiệp NIAB cũng là mô hình rất đáng học hỏi về cung cấp thông tin và nghiên cứu độc lập, dựa trên cơ sở khoa học để hỗ trợ, phát triển và thúc đẩy trồng trọt, nông nghiệp; giúp ngành trồng trọt phát huy hết tiềm năng trong việc cung cấp thực phẩm và các nguồn tài nguyên tái tạo, đồng thời tôn trọng môi trường tự nhiên. Đây là mô hình của tổ chức khoa học công nghệ có tính xã hội hóa cao, đáp ứng đúng các nhu cầu, đòi hỏi của nông dân, doanh nghiệp và thị trường.
Về lĩnh vực thủy lợi, đoàn công tác cũng ghi nhận kinh nghiệm rất tốt của Vương quốc Anh trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội, cũng như tính xã hội hóa cao của dịch vụ thủy lơi tại Vương quốc Anh. Đoàn công tác đã chủ động tìm hiểu thông tin, cơ hội hợp tác và đề xuất với phía bạn các nội dung rất cụ thể về chia sẻ thông tin, hợp tác nghiên cứu, hỗ trợ nâng cao năng lực.
Sau chuyến đi, Bộ NN-PTNT có dự kiến gì để triển khai hợp tác chiến lược nông nghiệp với Vương quốc Anh?
Thứ nhất, hai bên sẽ chủ động rà soát và hoàn thiện để ký Bản ghi nhớ giữa hai Bộ trong thời gian sớm nhất.
Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của 2 quốc gia hoàn thiện thủ tục mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại NLTS dựa trên lợi thế của 2 quốc gia.
Thứ ba, làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, chuẩn bị tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp nông nghiệp, giới thiệu và quảng bá NLTS Việt Nam tại Vương quốc Anh trong thời gian sớm nhất. Xây dựng và thành lập các liên minh thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam và Vương quốc Anh.
Thứ tư, chuẩn bị sẵn sàng các chương trình/dự án để thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của Vương quốc Anh trong nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo/nghiên cứu trong lĩnh vực thú y, thủy lợi, môi trường.
Xin cảm ơn ông!
Ông Bùi Đại Phong, Chủ tịch Công ty Giống gia súc Hà Nội:
Tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Vương quốc Anh, chúng tôi đã tiếp xúc, gặp gỡ với các doanh nghiệp lớn của Vương quốc Anh. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi tiếp nhận công nghệ trong công tác lai tạo giống gia súc năng suất, chất lượng cao, đặc biệt đối với ngành chăn nuôi lợn, bò sữa và bò thịt. Việc ứng dụng KHCN trong sản xuất rất được chúng tôi quan tâm.
Sau Diễn đàn này, chúng tôi và phía đối tác sẽ thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu và các doanh nghiệp của Vương quốc Anh sẽ sang Việt Nam để làm việc cụ thể từng nội dung với Công ty giống gia súc Hà Nội, đặc biệt là nội dung sản xuất con giống, tinh giống, phôi giống chất lượng cao, kể cả tinh phân ly giới tính.
Để tạo điều kiện cho hợp tác giữa các doanh nghiệp, tôi đề nghị Chính phủ 2 nước sớm ký kết Hiệp định thú y tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xuất nhập khẩu giống gia súc từ Vương quốc Anh.
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia:
Chuyên thăm Vương quốc Anh mở ra cơ hội hợp tác về kiểm soát và giám sát dịch bệnh mới nổi: tăng cường chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu và nâng cao năng lực chẩn đoán cho ngành thú y Việt Nam. Đồng thời, tôi cũng quan tâm đến việc thông tin dịch bệnh từ cơ sở và phát hiện bệnh gia súc sớm từ các trang trại chăn nuôi.
Kinh nghiệm và yêu cầu đối với phúc lợi động vật (animal welfare) của Anh cũng gợi ý tốt cho việc xây dựng chương trình hợp tác xây dựng các mô hình trang trại đảm bảo phúc lợi động vật, an toàn sinh học tại Việt Nam, vừa đảm bảo thực hiện tốt Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, và đáp ứng yêu cầu của OIE về sản phẩm chăn nuôi. Phía Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng mong muốn có thêm tập huấn từ phía Vương quốc Anh và các cơ sở có thẩm quyền chứng nhận quốc tế về phúc lợi động vật tại Việt Nam.