| Hotline: 0983.970.780

Da dạng hóa hình thức tiếp cận giữa doanh nghiệp và người lao động

Thứ Hai 14/12/2020 , 13:59 (GMT+7)

Trong năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị đã giải quyết kịp thời chế độ cho người lao động, đồng thời dạng hóa các phương thức tiếp cận việc làm.

Một sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị tổ chức. Ảnh: Ngọc Hà.

Một sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị tổ chức. Ảnh: Ngọc Hà.

Giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ cho người lao động

Do tác động của dịch Covid-19 nên thị trường lao động trong tỉnh, trong nước và ngoài nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các đơn vị, doanh nghiệp cắt giảm sản xuất kinh doanh, tạm dừng hoạt động nên nhiều lao động buộc phải nghỉ việc, mất việc làm. Bên cạnh đó, các thị trường lao động ngoài nước chủ lực đối với lao động ở tỉnh Quảng Trị như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan cũng chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, tạm dừng tiếp nhận lao động nên hoạt động cung ứng, giới thiệu đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hầu như bị ngưng trệ.

Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng làm gián đoạn, gây nhiều khó khăn trong công tác tổ chức các hoạt động thông tin thị trường lao động, tư vấn, kết nối cung cầu lao động, hoạt động đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ cho lao động tham gia xuất khẩu lao động.

Theo ông Võ Văn Hoàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị, do tác động của 2 làn sóng dịch bệnh Covid-19 nên  tỷ lệ người lao động đăng ký hưởng các chế độ trợ cấp thất nghiệp tăng cao đã làm gia tăng khối lượng công việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ về bảo hiểm thất. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Trung tâm đã chủ động thành lập thêm điểm tiếp nhận, tập trung nhân sự để thực hiện các nghiệp vụ, vừa đảm bảo giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ cho người lao động, vừa đảm bảo thực hiện phòng, chống dịch theo quy định.

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị, so với năm 2019, số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 146%; số lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 142%. Các nghiệp vụ về tiếp nhận thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề đều tăng cao so với năm 2019. 

“Tính đến cuối tháng 11/2020, Trung tâm đã giải quyết hồ sơ, tham mưu cho Sở LĐ-TB&XH ban hành Quyết định cho 3839 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi trợ cấp trên 50 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức tư vấn việc làm và học nghề cho 3989 lượt lao động, trong đó có 308 lao động tìm được việc làm và hỗ trợ học nghề cho 120 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp”, ông Võ Văn Hoàn cho biết.

Người lao động Quảng Trị tìm hiểu thông tin thông tin doanh nghiệp tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: Ngọc Hà.

Người lao động Quảng Trị tìm hiểu thông tin thông tin doanh nghiệp tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: Ngọc Hà.

Riêng đối với trên 600 lao động đã hoàn thành thủ tục đi lao động nước ngoài nhưng không thể xuất cảnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung tâm thực hiện chủ trương tăng cường trao đổi với từng người lao động cụ thể để ổn định tâm lý của người lao động; tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để hỗ trợ nhiều mặt về quy trình, thủ tục cho người lao động, đặc biệt là các lao động đã trúng tuyển qua các kỳ thi tiếng Hàn và đang làm hồ sơ xuất cảnh đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS.  

Đa dạng hóa các phương thức tiếp cận việc làm

Do điều kiện dịch bệnh nên trong thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị hạn chế tổ chức các hội nghị về tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề tại cơ sở mà thực hiện đa dạng hóa các phương thức tiếp cận các doanh nghiệp và người lao động.

Trong đó, ưu tiên sử dụng các ứng dụng trên nền tảng internet, chuyển tải thông tin thị trường lao động qua trang thông tin điện tử vieclamquangtri.vn, trang Facebook của Trung tâm, Facebook của các văn phòng đại diện và cá nhân thuộc Trung tâm; qua Zalo và hệ tống tin nhắn qua tổng đài mạng vinaphone; tuyên truyền trực quan trên hệ thống bảng điện tử...

Người lao động tìm hiểu thông tin tại sàn giao dịch việc làm online. Ảnh: Ngọc Hà.

Người lao động tìm hiểu thông tin tại sàn giao dịch việc làm online. Ảnh: Ngọc Hà.

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ giới thiệu việc làm Quảng Trị, để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành, Trung tâm đã tăng cường thực hiện kết nối cung - cầu lao động, tư vấn giới thiệu việc làm bằng hình thức trực tuyến. Qua đó, hạn chế tiếp xúc giữa người sử dụng lao động và người lao động khi có các quy định về giãn cách xã hội, tiết kiệm thời gian, giảm thiểu các chi phí phát sinh đối với người lao động, người sử dụng lao động.

Ngoài ra, Trung tâm còn liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề bằng hình thức phỏng vấn trực tuyến khi các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu. Đặc biệt, để phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ của Trung tâm dịch vụ việc làm khu vực (tại thành phố Đà Nẵng), tổ chức các phiên giao dịch việc làm online để kết nối sàn giao dịch việc làm các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên.

“Đến nay dù trong điều kiện khó khăn nhưng Trung tâm đã tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm online kết nối sàn giao dịch việc làm của các Trung tâm Dịch vụ việc làm: thành phố Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi - Thừa Thiên Huế - Quảng Trị - Gia Lai mang lại hiệu quả tích cực", bà Nguyễn Ngọc Hà, Phó phòng thông tin thị trường thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị thông tin.

Song song với việc mở các sàn giao dịch việc làm online, trong những thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị cũng chủ trương tăng cường thông tin tuyên truyền, phân công cán bộ trực tiếp đến từng thôn, bản vùng sâu, vùng xa để gặp gỡ, tư vấn cho người lao động nói chung cũng như lao động thuộc các đối tượng chính sách là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số...

Qua đó, đã tư vấn dự nguồn 120 lao động tham gia xuất khẩu lao động ở các thị trường Nhật Bản và Đài Loan; tuyển sinh, tổ chức 1 lớp đào tạo tiếng Nhật cho 31 lao động để dự nguồn tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản và hỗ trợ thêm 5 lao động tham gia học tiếng Hàn theo chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020.

  

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Thành lập thị xã Mộc Châu trực thuộc tỉnh Sơn La

Sơn La thành lập thị xã Mộc Châu từ toàn bộ 1.072,09 km² diện tích và 148.259 dân của huyện Mộc Châu.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.