Năm 2022, thực hiện tiểu dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Pác Nặm được phân bổ gần 2,2 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn trung ương 2.107 triệu đồng, vốn địa phương 64 triệu đồng).
Từ nguồn vốn này, huyện Pác Nặm đã hỗ trợ người dân thực hiện 5 dự án chăn nuôi trâu bò sinh sản ở các xã Bằng Thành, Công Bằng, Nhạn Môn, An Thắng, Nghiên Loan. Ngoài ra, huyện Pác Nặm còn thực hiện 1 dự án chăn nuôi trâu bò vỗ béo (xã Bộc Bố), 4 dự án chăn nuôi lợn bản địa (Cổ Linh, Giáo Hiệu, Cao Tân, Xuân La).
Xuân La là xã rất khó khăn của huyện Pác Nặm, dù đất rộng nhưng chủ yếu là đồi núi, đất sản xuất ít. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của xã còn chiếm hơn 57%, hộ cận nghèo hơn 14%. Trước đây người dân chủ yếu độc canh cây lúa, nông nghiệp lạc hậu, đời sống người dân khó khăn.
Trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những cánh đồng trồng lúa năng suất thấp. Đến nay, hàng năm người dân đã trồng được hơn 3ha cây nghệ, khoảng 5,6ha cây gừng, ngoài ra người dân còn tích cực trồng rừng, phát triển chăn nuôi gia súc.
Năm nay, xã Xuân La được hỗ trợ 460 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo để hỗ trợ 2 mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa, mỗi mô hình có khoảng 15 hộ tham gia.
Ông Lê Văn Tuân, Chủ tịch UBND xã Xuân La cho biết, qua đánh giá mô hình trồng cây nghệ, cây gừng mang lại hiệu quả khá, nhiều hộ có thu nhập vài chục triệu đồng/vụ. Địa phương có diện tích rừng, đồng cỏ lớn nên xã định hướng phát triển các mô hình chăn nuôi dê. Riêng trồng rừng, xã tập trung phát triển cây quế, xin chủ trương phát triển cây hồi, đây là 2 loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Riêng năm 2023, huyện Pác Nặm tiếp tục được đầu tư gần 5,5 tỷ đồng để thực hiện 18 dự án. Cụ thể, có 3 dự án chăn nuôi dê sinh sản, 3 dự án chăn nuôi trâu bò vỗ béo, 7 dự án chăn nuôi lợn thịt bản địa, 3 dự án chăn nuôi trâu bò sinh sản. Ngoài ra, nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo còn thực hiện 1 dự án trồng cây gừng trâu và 1 dự án trồng cây khôi nhung tía.
Tại Nghiên Loan, xã đang triển khai dự án hỗ trợ người dân chăn nuôi lợn đen bản địa và dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Qua đánh giá cho thấy, xã Nghiên Loan có điều kiện tự nhiên phù hợp với chăn nuôi đại gia súc, việc triển khai hỗ trợ người dân chăn nuôi trâu, bò sinh sản rất phù hợp, được người dân hưởng ứng.
Bà Lý Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Nghiên Loan cho biết, những năm gần đây xã chủ trương phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò). Hiện tổng đàn gia súc của xã hơn 6.800 con, là một trong những xã có đàn gia súc lớn nhất của huyện. Việc được hỗ trợ để thực hiện các mô hình nuôi trâu, bò sẽ giúp người dân có thêm nguồn lực ban đầu để phát triển đàn vật nuôi, tạo sinh kế lâu dài.
“Trâu, bò là tài sản lớn của người dân miền núi, khi một hộ dân được hỗ trợ 1 cặp để nuôi sinh sản, vài năm sau có thể phát triển thành đàn. Bán một con trâu người dân có thể thu về vài chục triệu đồng, đây là nguồn thu nhập lớn với đồng bào miền núi. Ngoài nuôi trâu bò, xã cũng định hướng, hỗ trợ người dân trồng cây hồng không hạt, đây là cây trồng rất phù hợp với đất đai khí hậu của địa phương, giá bán quả hồng vài năm gần đây ở mức cao”, bà Tuyết cho biết thêm.
Dù đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên giảm nghèo ở huyện Pác Nặm còn gặp nhiều khó khăn do số hộ nghèo chủ yếu tập trung ở thôn bản vùng cao, đất sản xuất ít, kỹ thuật canh tác còn hạn chế. Ngoài ra, chất lượng cuộc sống nhóm hộ thoát nghèo ở mức thấp, chưa bền vững nên khả năng tái nghèo cao.