Dong riềng là cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Kạn, được trồng nhiều ở huyện Na Rì, Ba Bể. Năm 2023, diện tích trồng dong riềng toàn tỉnh đạt 391ha (27,5ha chứng nhận hữu cơ), năng suất trung bình đạt 760tạ/ha, sản lượng đạt 29.712 tấn. Củ dong riềng là nguyên liệu làm nên sản phẩm miến dong truyền thống.
Trước đây, người dân ở huyện Na Rì chủ yếu sản xuất miến dong nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên số lượng sản phẩm ít, chất lượng chưa cao. Vài năm gần đây, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác đã đầu tư dây chuyền chế biến nên chất lượng sản phẩm được nâng cao, có chỗ đứng trên thị trường.
Hợp tác xã Tài Hoan (huyện Na Rì) là đơn vị đi đầu đưa sản phẩm miến dong vươn tầm xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Miến dong Tài Hoan được sản xuất thủ công từ những năm 1960, đến năm 2007, gia đình chị Nguyễn Thị Hoan (Giám đốc HTX Tài Hoan) bắt đầu nâng công suất từ 50kg lên 500kg/ngày.
Theo chị Hoan, liên kết thành lập HTX đã giúp việc sản xuất hiệu quả hơn. Để có nguồn nguyên liệu, HTX đã liên kết với các hộ dân trồng dong riềng theo hướng hữu cơ. Từ đó chất lượng củ dong đảm bảo tiêu chuẩn, sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu.
Thành lập HTX từ năm 2018, đến năm 2019, sản phẩm miến dong của HTX đã đạt chuẩn OCOP 4 sao. Năm 2021, sản phẩm miến dong Tài Hoan được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, đây là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của tỉnh Bắc Kạn đến thời điểm này.
Miến dong của HTX Tài Hoan hiện có bao bì với nhãn mác đẹp, ghi đầy đủ các thông tin theo quy định, sản phẩm đã được kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, không có chất phụ gia và không chất bảo quản. Sau khi được hỗ trợ, hiện nay HTX Tài Hoan đã nâng công suất chế biến đạt 2 tấn miến thành phẩm/ngày. Sản phẩm miến dong đã xuất khẩu sang Cộng hòa Séc.
Chị Nguyễn Thị Hoan (Giám đốc HTX Tài Hoan) cho biết, ngoài tiêu thụ trong nước, HTX tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm hướng đến xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Sau hơn 5 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh Bắc Kạn có 184 sản phẩm được phân hạng sao, trong đó 1 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm 4 sao và 165 sản phẩm 3 sao. Số sản phẩm OCOP này do 110 chủ thể là các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác và các hộ kinh doanh sản xuất.
Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có trên 90 lượt sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Trong đó, có 3 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Những sản phẩm này có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ ở các thành phố lớn trên cả nước và xuất khẩu.
Để phát triển ổn định các sản phẩm OCOP, Bắc Kạn chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu. Hiện nay tỉnh có nhiều loại cây trồng đặc hữu như hồng không hạt, cây cam quýt, lúa Bao thai Chợ Đồn, lúa Khẩu Nua Lếch, cây mơ vàng...
Ngoài ra, Bắc Kạn khuyến khích đầu tư khâu chế biến. Hiện tỉnh đã quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp ở các huyện, thành phố, những cụm công nghiệp này sẽ ưu tiên phục vụ chế biến nông, lâm sản.
Các dòng sản phẩm OCOP chủ lực được tỉnh xác định phát triển là miến dong, sản phẩm chế biến từ củ nghệ vàng, bí xanh thơm chế biến, chè shan tuyết và sản phẩm gạo đặc sản.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản, tỉnh Bắc Kạn tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối trong sản xuất, tiêu thụ giữa Bắc Kạn và các tỉnh, thành phố trong cả nước, tích cực đưa các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh tham gia hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu các ngành hàng.
Với kết quả đạt được, chương trình OCOP đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.