Theo ông Dy, tình hình trên Biển Đông hiện nay là hết sức gay go và căng thẳng.
Đề cập đến hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp Quốc tế của Trung Quốc, ông Dy cho rằng: Rõ ràng đây là hành động leo thang mới, cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc.
So với những lần trước thì lần này lộ rõ âm mưu xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Đó là một hành động của hai mục tiêu: vừa xâm phạm lãnh thổ, vừa khai thác tài nguyên khoáng sản Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy
Ý đồ đó của Trung Quốc hết sức nham hiểm, thưa ông?
Đúng vậy. Vì khi chúng đã đặt được giàn khoan là chúng sẽ đặt mũi khoan. Đặt được một mũi là chúng sẽ đặt mũi thứ 2, 3 và nhiều hơn thế.
Cho nên đã đến lúc chúng ta không thể lùi bước được nữa rồi. Chúng ta phải kiên quyết ngăn chặn nếu không bọn chúng sẽ tiến tới chiếm các đảo không có người và các đảo có người ở của chúng ta tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Hành động này càng cho thấy tham vọng nuốt trọn Biển Đông ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc?
Còn với nhân dân ta thì sao thưa ông? Nhân dân ta sẽ đoàn kết thành một khối sức mạnh bên Đảng, Nhà nước, Chính phủ để quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Điều đó đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta. Mọi sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng sẽ luôn nhận được sự ủng hộ đồng tình của tuyệt đại đa số nhân dân. |
Rõ ràng là Trung Quốc muốn thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông, tranh giành lợi ích sống còn của các nước trong khu vực về kinh tế, dầu khí. Đặc biệt, đây là một bước mới trong việc hiện thực hóa yêu sách vô lý đường lưỡi bò của Trung Quốc, trong tiến trình tham vọng trở thành bá chủ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tôi cho rằng, hành động của Trung Quốc còn tiến triển và không chỉ dừng lại ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa mà mở rộng ra cả khu vực đường lưỡi bò mà phía Trung Quốc tự nhận là của mình. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm.
Hành động của Trung Quốc vi phạm trắng trợn Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã đồng thuận, điều này cũng trái với tinh thần của UNCLOS 1982 mà chính Trung Quốc đã tham gia.
Không chỉ gây hấn với Việt Nam mà Trung Quốc còn gây hấn với hầu hết các quốc gia ở Biển Đông, trong đó có Nhật Bản, Philippines. Nếu để Trung Quốc lấn tới vô hình chung sẽ giúp tham vọng biến Biển Đông thành "ao nhà” của Trung Quốc thành hiện thực.
Có một số ít người cho rằng Trung Quốc hiện nay rất mạnh, GDP đứng thứ 2 thế giới. Những điều đó có làm cho chúng ta lo ngại không thưa ông?
Chắc chắn là không. Nhìn vào lịch sử thì sẽ thấy những lúc mà Trung Quốc mạnh nhất họ lại thua ta đau đớn nhất. Từ 3 lần Nguyên Mông đến thời kỳ Mãn Thanh và gần đây nhất là năm 1979. Ngày trước, chúng ta chống trả Trung Quốc chỉ có một mình nhưng nay có nhiều nước trên thế giới và cộng đồng ASEAN ủng hộ Việt Nam. Cho nên chúng ta không sợ.
Ông tiên lượng gì về các bước leo thang tiếp theo của Trung Quốc?
Xin khẳng định ngay rằng, khi Trung Quốc chưa thua thì họ sẽ còn tiếp tục lấn tới và làm càn. Việc chúng đặt giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã là một hành động cực kỳ nguy hiểm.
Trung Quốc đã đặt ngửa con bài ra trước rồi. Vấn đề lúc này là chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo để đối phó. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải tranh thủ được sức mạnh của cộng động Quốc tế và sự đoàn kết của toàn dân tộc.
Ông có nhắc đến cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam đấu tranh vì chính nghĩa. Nhân bối cảnh này, theo ông, chúng ta cần tiếp tục làm gì để phát huy sức mạnh đó?
Đó là giải pháp nằm trong mọi giải pháp để ổn định hòa bình của chúng ta. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và sự đoàn kết trong nhân dân để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.
Chúng ta cần lên án mạnh mẽ hành động ngang ngược của Trung Quốc, áp dụng mọi biện pháp với tinh thần mưu trí, dũng cảm để bảo vệ bằng được chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Xin trân trọng cảm ơn ông!