Đường Bùi Trang Chước tại Đà Nẵng |
Họa sĩ Bùi Trang Chước (1915-1992) cùng với nhà giáoTôn Thất Dương Kỵ, nhà thơ Vũ Đình Liên, học giả Nguyễn Hiến Lê, cư sĩ Thiều Chửu, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, nhà nghiên cứu Đinh Gia Trinh, nhà văn Phạm Duy Tốn… là những văn nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu thế kỷ XX được Đà Nẵng vinh danh đặt tên đường tại kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX.
Như vậy, Đà Nẵng là thành phố thứ hai sau Thủ đô Hà Nội đặt tên đường vinh danh tác giả Quốc huy. Mẫu Quốc huy Việt Nam là tác phẩm đỉnh cao và tiêu biểu nhất của họa sĩ Bùi Trang Chước, được Quốc hội phê duyệt tháng 9/1955 và sử dụng làm biểu tượng quốc gia từ đó đến nay.
Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, việc đặt tên đường họa sĩ Bùi Trang Chước ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Đà Nẵng là một tin vui chung cho giới mỹ thuật Việt Nam. Đồng thời, đây còn là một sự ghi nhận xứng đáng đối với những gì mà ông Chước đã cống hiến cho đất nước. Ông Đoàn lưu ý rằng cho đến nay Nhà nước vẫn chưa dành giải thưởng xứng đáng với tác giả Quốc huy Việt Nam.
“Chúng ta biết đến họa sĩ Bùi Trang Chước như một người nghệ sĩ cống hiến thầm lặng. Ông gần như ẩn mình đi trong sự nghiệp của mình bởi vậy nên cống hiến giá trị của ông không phải ai cũng biết đến”, ông Lương Xuân Đoàn chia sẻ thêm.
Tại Hà Nội, Sở GT-VT đã tiến hành gắn biển tên phố Bùi Trang Chước vào đầu năm 2019. Nhưng từ đó đến nay, gần 3 tháng, nhiều văn nghệ sĩ, học trò và người thân của tác giả Quốc huy mong đợi vẫn chưa thấy Thủ đô tổ chức lễ gắn biển phố Bùi Trang Chước. Phía phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, địa bàn tuyến phố được đặt tên phân trần là chưa nhận được chỉ đạo của chính quyền cấp trên.
Trao đổi với PV báo NNVN, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH-TT thành phố Hà Nội cho biết: Theo khoản 2, điều 2, quyết định số 6920/QĐ-UBND, đã phân cấp trách nhiệm, UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT, Sở GT-VT, Sở Xây dựng và đơn vị liên quan thực hiện phân định ranh giới, gắn biển tên đường, phố.