| Hotline: 0983.970.780

Đà Nẵng sẵn sàng cung cấp 4.500 tấn gạo

Thứ Hai 16/08/2021 , 16:29 (GMT+7)

Nhằm đảm bảo khả năng cung ứng lương thực, thực phẩm, UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành phương án cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong 7 ngày tới.

Các mặt hàng cung ứng lương thực, thực phẩm tại Đà Nẵng vẫn dồi dào.

Các mặt hàng cung ứng lương thực, thực phẩm tại Đà Nẵng vẫn dồi dào.

UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành phương án cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu trong 7 ngày tới nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ) và 3 sẵn sàng (chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương).

Theo dự kiến, khả năng cung ứng trong 7 ngày là: gạo 4.500 tấn, mỳ ăn liền 10 triệu gói, nước mắm 180.000 lít, thịt heo 650 tấn, thịt gà 600 tấn, thủy hải sản 800 tấn, rau củ quả 1.500 tấn.

Những con số này đều vượt so với khả năng tiêu thụ định mức toàn thành phố trong 7 ngày. Cụ thể, gạo 2.702 tấn, mỳ ăn liền hơn 4 triệu gói, nước mắm 161.000 lít, thịt heo 539 tấn, thịt gà 539 tấn, thủy hải sản 390 tấn, rau củ quả 1.473 tấn.

Địa bàn thành phố có 10 siêu thị lớn và 187 cửa hàng tiện lợi. Các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng phân phối khác chủ yếu cung ứng 3 mặt hàng chính: thịt, cá, trứng; ưu tiên cung ứng cho các địa bàn ít siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các địa bàn khác theo yêu cầu.

Để bảo đảm việc cung ứng hàng hóa tại Đà Nẵng, các mặt hàng thiết yếu được gói sẵn dưới hình thức combo, gồm 2 nhóm hàng: thịt, cá, và rau củ quả. Người dân được khuyến cáo đặt hàng trước và thỏa thuận thời gian giao hàng với nhà cung cấp. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu của đơn vị cung ứng được phép hoạt động.

Về phía các siêu thị, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa, Đà Nẵng áp dụng hình thức “3 tại chỗ”, tạo điều kiện cho nhân viên thuận tiện công việc. 

Về phương thức cung ứng, với 30.000 hộ dân thuộc hộ chính sách, nghèo, cận nghèo, không có thu nhập, hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được lương thực, thực phẩm thiết yếu từ nguồn điều phối của Sở Công thương Đà Nẵng về các quận, huyện. Danh sách được lập trên cơ sở do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cung cấp.

Với người dân không thuộc các đối tượng trên, Ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn sẽ chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, điều tiết, cung ứng và phân phối hàng hóa đến người dân thuộc địa bàn quản lý. TP. Đà Nẵng khuyến cáo mọi người đặt hàng trước ngày giao ít nhất 1 ngày, để đơn vị cung ứng có thời gian chuẩn bị. 

Sở Công thương Đà Nẵng đang tham mưu cho UBND thành phố về việc mở chợ dân sinh khi dịch bệnh đuọc kiểm soát.

Sở Công thương Đà Nẵng đang tham mưu cho UBND thành phố về việc mở chợ dân sinh khi dịch bệnh đuọc kiểm soát.

Ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn sẽ trực tiếp nhận hàng từ đơn vị cung ứng và giao lại cho các hộ dân. Ngoài ra, Ban điều hành sẽ phối hợp tổ chức các chuyến xe lưu động với các nhà cung cấp, trên cơ sở đề nghị của UBND các phường, xã, UBND các quận, huyện.

Theo kế hoạch giãn cách của Đà Nẵng, thành phố yêu cầu người dân không ra khỏi nhà trong 1 tuần, kể cả đi mua hàng hóa. Việc cung ứng hàng hóa được giao cho chính quyền tại từng quận, huyện. Việc mua hàng trực tuyến, online hoặc thương mại điện tử được giao nhận qua tổ dân phố. 

Đà Nẵng cũng đang triển khai các Tổ Covid cộng đồng tại các tổ dân phố. Tổ này có khoảng 6-8 người, chịu trách nhiệm cung ứng hàng hóa cho 20-30 hộ dân, có lực lượng huy động từ Đoàn thanh niên hoặc Hội phụ nữ. 

Theo Sở Công thương Đà Nẵng, với kế hoạch cung ứng hàng hóa đã được chuẩn bị, cùng kinh nghiệm đã triển khai tại quận Sơn Trà, thành phố sẽ đáp ứng được nhu cầu cơ bản cho người dân trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách chặt nêu trên.

Chiều 15/8, UBND Đà Nẵng thông báo đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối lương thực, thực phẩm về việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân trong 7 ngày thành phố siết chặt biện pháp phòng dịch. Trong đó, UBND thành phố nhấn mạnh 3 việc cần làm ngay.

Một, là các cơ quan, đơn vị giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm công việc thật sự cần thiết và phải bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch. Hai, là đăng ký năng lực cung ứng, phương tiện và nhân viên tham gia vào việc cung ứng hàng hóa thiết yếu gửi về Sở Công thương để được cấp giấy nhận diện phương tiện và tham gia xét nghiệm SARS-CoV-2. Ba, là quản lý chặt chẽ nhân viên, phương tiện tham gia hoạt động cung ứng; cam kết cung ứng hàng hóa kịp thời, đúng hạn, chất lượng với giá cả phù hợp.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đội Bình nghĩa sĩ Hà thành muôn thuở chẳng phai mờ

Ông Đặng Đình Tân - nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ cho biết, để ghi công cụ Đội Bình, tổng Đại Bối đổi tên thành tổng Đội Bình, nay là xã Đội Bình.