Ông Nguyễn Huy Đăng - PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã xây dựng và duy trì 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Nhiều chuỗi giá trị nông sản đã thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Qua đó, xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...
"Các chuỗi với 1.379 sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ và được phân phối tại 110 siêu thị, trên 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cửa hàng chuyên kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố”, ông Đăng thông tin.
Mỗi ngày, các chuỗi sản phẩm cung cấp cho thị trường Hà Nội trên 60 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 36 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng, 40 tấn thịt chế biến, 80 tấn sữa tươi và gần 100 tấn rau an toàn.
Tính đến hết năm 2020, Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố cung cấp sản phẩm cho Hà Nội là 786 chuỗi với 670 điểm bán sản phẩm chuỗi.
Sau 3 năm thí điểm, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội đã góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được sản phẩm, hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm tham gia hệ thống, hỗ trợ xử lý truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm, nông sản đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng nông lâm, thủy sản an toàn giữa Bộ NN-PNTT với 3 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng ra đời trong bối cảnh hết sức đặc biệt.
Khi ấy, dư luận xã hội rất bức xúc về vấn đề mất an toàn thực phẩm. Năm 2016, Quốc hội thông qua chương trình giám sát về an toàn thực phẩm. Do đó, mục tiêu mà chương trình đặt ra là xây dựng các chuỗi sản phẩm để truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của nông sản và kiểm soát an toàn thực phẩm. Đến nay, chúng ta đã đạt được cả hai mục tiêu trên.
Tuy nhiên, để các chuỗi nông sản phát triển bền vững, chúng ta không chỉ cần quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm mà phải nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu của sản phẩm. Bởi vậy, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẵn sàng làm đầu mối để phối hợp với Sở NN-PTNT Hà Nội xây dựng khung chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng nông lâm, thủy sản an toàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, nhằm tiến tới đa mục tiêu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, chủ trương của ngành Nông nghiệp không chỉ với các sản phẩm xuất khẩu, mà các sản phẩm tiêu thụ trong nước, nhất là ở Hà Nội cũng sẽ tiến tới được cấp mã số vùng trồng, sản xuất an toàn và tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản và Sở NN-PTNT Hà Nội xác định chủ thể tham gia chuỗi để có hỗ trợ cụ thể.
Về xây dựng nông thôn mới, thành phố đề nghị Bộ NN-PTNT sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) và Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện. Huyện Đan Phượng đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đề nghị Trung ương sớm có hướng dẫn để công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Về đề nghị của thành phố Hà Nội trong việc kết nối các doanh nghiệp lớn xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, giết mổ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định: Bộ tiếp thu và sẽ trao đổi lại với các tập đoàn lớn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương làm việc với Sở NN-PTNT Hà Nội nghiên cứu vị trí xây dựng Trung tâm Thiết kế, sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, trong trường hợp huyện Đan Phượng đã đảm bảo các tiêu chí đặt ra, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương sẽ đề xuất Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định trung ương để đánh giá, công nhận huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của cả nước, rút kinh nghiệm cho các địa phương khác.