| Hotline: 0983.970.780

Đặc sản bò một nắng vùng ‘chảo lửa’ được săn đón dịp Tết

Thứ Tư 31/01/2024 , 06:00 (GMT+7)

Bò một nắng vùng ‘chảo lửa' Krông Pa đang trở thành sản phẩm nổi bật trong dịp Tết Nguyên đán khi có rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đặt hàng.

Chế biến bò 1 nắng tại cơ sở Mười Đức. Ảnh: Tuấn Anh.

Chế biến bò 1 nắng tại cơ sở Mười Đức. Ảnh: Tuấn Anh.

Những ngày cận Tết, không khí ở vùng “chảo lửa” huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) càng sôi động hơn khi người người, nhà nhà chế biến đặc sản bò một nắng. Nếu như những năm trước, chỉ có vài cơ sở chế biến bò một nắng thì nay đã có rất nhiều thương hiệu “án ngữ” tại huyện Krông Pa như: Mười Đức, Tuấn Hậu, Tý Vân, Quỳnh Ngân… Không những vậy, nhiều hộ gia đình nhỏ lẻ cũng đẩy mạnh chế biến bò một nắng để phục vụ khách hàng ở khắp mọi miền đất nước trong dịp Tết cổ truyền.

Ghi nhận tại cơ sở chế biến bò một nắng Tuấn Hậu (thị trấn Phú Túc), mỗi ngày nơi đây chế biến khoảng hơn 1 tạ thịt bò tươi, tương đương 60-70 kg bò 1 nắng. Thương hiệu bò một nắng Tuấn Hậu không còn xa lạ đối với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Gia Lai khi đã có 26 năm có mặt trên thị trường. Thậm chí, thương hiệu bò một nắng Tuấn Hậu còn được nhiều khách hàng ở khắp các tỉnh thành trong nước biết đến. Năm 2023, thương hiệu bò một nắng Tuấn Hậu vinh dự đạt danh hiệu OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Bà Đinh Thị Hậu, chủ cơ sở chế biến bò một nắng Tuấn Hậu cho biết, bò một nắng Tuấn Hậu luôn được khách hàng ở các thành phố lớn đặt mua với số lượng ổn định. Đặc biệt, trong dịp Tết khách hàng ở các tỉnh thành trong cả nước đặt mua với số lượng lớn nên không sợ ế. Từ cuối tháng 11 đến nay, sản lượng tiêu thụ bò một nắng của cơ sở đã tăng gấp 3 - 5 lần so với tháng bình thường.

“Để ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ thị trường Tết, chúng tôi đã ký liên kết với hộ chăn nuôi bò, đồng thời thuê thêm nhân công thời vụ để đảm bảo đủ hàng sản xuất”, bà Hậu chia sẻ.

Theo bà Hậu, để sản phẩm bò một nắng Krông Pa được nhiều khác hàng trong cả nước biết đến thì khâu chế biến rất quan trọng. Theo đó, bò một nắng phải được làm từ thịt bắp của bò tơ, chăn thả trong tự nhiên. Khi đó, thớ thịt mới săn chắc lại có vị ngọt tự nhiên. Sau khi lọc hết gân, thái thịt bò thành từng miếng mỏng rồi ướp với bột ngọt, hạt nêm, sả, xì dầu và một ít mật ong.

Bò 1 nắng của Tuấn Hậu đã được nhiều khách hàng ở các thành phố lớn ưa chuộng. Ảnh: Tuấn Anh.

Bò 1 nắng của Tuấn Hậu đã được nhiều khách hàng ở các thành phố lớn ưa chuộng. Ảnh: Tuấn Anh.

Công đoạn chế biến bò một nắng không quá phức tạp nhưng yêu cầu người làm phải dậy sớm khoảng 4-5 giờ sáng để kịp phơi bò lên giàn trước 7 giờ, đón ánh nắng buổi sáng.

Tương tự, cơ sở bò một nắng Mười Đức (thị trấn Phú Túc) mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 12 tấn sản phẩm chế biến từ thịt bò. Riêng trong dịp Tết năm nay, nhờ đơn hàng tăng đột biến, mỗi ngày cơ sở Mười Đức sản xuất khoảng hơn 1 tạ bò một nắng.

Bà Hồ Thị Mười, Chủ cơ sở Bò một nắng Mười Đức cho biết, gia đình đã gắn bó với nghề sản xuất bò một nắng được 28 năm. Trước đây, gia đình chủ yếu chế biến để sử dụng và bán cho người thân quen trong mỗi dịp lễ, Tết. Sau này, món bò một nắng đặc trưng của địa phương đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và đặt hàng.

Thời điểm cuối năm, gia đình đang tất bật làm việc hết công suất để đáp ứng đơn hàng cho khách ở khắp các tỉnh thành. Nhờ bán bò một nắng mà gia đình có nguồn thu nhập ổn định”, bà Mười chia sẻ.

Bò 1 nắng trở thành đặc sản trứ danh của vùng đất 'chảo lửa' Krông Pa. Ảnh: Tuấn Anh.

Bò 1 nắng trở thành đặc sản trứ danh của vùng đất "chảo lửa" Krông Pa. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng theo bà Mười, thương hiệu bò một nắng Mười Đức đã có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Bò một nắng, gầu bò một nắng, ba chỉ heo một nắng. Để đạt được thành quả này, đơn vị không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào (thịt bò, các loại gia vị, muối kiến vàng…), cho đến việc đầu tư máy móc, giàn phơi, kho đông lạnh. Ngoài cơ sở chính ở thị trấn Phú Túc, Mười Đức còn mở một cơ sở tại TP. Pleiku. Sản phẩm bò một nắng của Mười Đức cũng đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như: TP. HCM, Đăk Lăk, Hà Nội, Đà Nẵng.

Khâu chế biến bò 1 nắng rất quan trọng để trở thành đặc sản. Ảnh: Tuấn Anh.

Khâu chế biến bò 1 nắng rất quan trọng để trở thành đặc sản. Ảnh: Tuấn Anh.

Trên địa bàn huyện Krông Pa hiện có 35 cơ sở kinh doanh, chế biến các dòng sản phẩm thịt bò được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hàng năm, các cơ sở này cung cấp hàng chục tấn sản phẩm từ thịt bò cho thị trường trong cả nước. Sản phẩm “Bò Krông Pa-Gia Lai” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu chứng nhận.

Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng nhìn thực tế từ các cơ sở chế biến thì thấy lượng tiêu thụ bò một nắng trên địa bàn trong dịp Tết đang rất lớn. Không chỉ các cơ sở mà ngay cả hộ gia đình cũng chế biến bò 1 nắng để bán trong dịp Tết.

“Để thương hiệu bò một nắng phát triển ổn định, trong thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các cơ sở kinh doanh tham gia xây dựng thương hiệu OCOP, cấp nhãn mác chứng nhận thương hiệu sản phẩm. Có như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa thương hiệu bò một nắng huyện Krông Pa ngày càng vươn xa”, ông Châu chia sẻ.

Huyện Krông Pa có đàn bò lớn nhất tỉnh với khoảng 70.000 con, chủ yếu là giống bò cỏ địa phương. Với điều kiện khí hậu nắng nóng, huyện Krông Pa là nơi sản sinh ra đặc sản bò một nắng trứ danh. Đến nay, huyện Krông Pa có 29 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 - 4 sao. Trong đó, 20 sản phẩm được làm từ thịt bò.

Xem thêm
Những thực phẩm hàng đầu Hà Nội tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024

Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024 tại Sydney.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

NESCAFÉ Plan giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính tới 30%/kg cà phê

Chương trình NESCAFÉ Plan được Nestlé Việt Nam triển khai tại Tây Nguyên trên cơ sở hợp tác với Bộ NN-PTNT nhằm hỗ trợ nông dân trồng cà phê thực hành nông nghiệp tái sinh.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.