Ông Trần Hoàng Nam, một hộ làm tôm khô có quy mô lớn nhất nhì trong Tổ hợp tác tôm khô ấp Đức An (xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, Cà Mau) cho biết, mọi năm đến dịp gần tết như hiện nay, thị trường tôm khô rất sôi động cả về nhu cầu tiêu thụ lẫn giá cả.
Tuy nhiên, năm nay thị trường lại tỏ ra khá đặc biệt, chỉ có nhu cầu tiêu thụ tăng, hàng bao nhiêu cũng hết nhưng giá lại khá ổn định, có tăng nhưng chỉ từ 10 – 20 ngàn đồng/kg (từ dịp tết DL), thời điểm này không tăng nữa.
"Làm tôm khô là nghề vất vả nhưng kiếm ăn được, vì địa phương và vùng quanh đây là “cái rốn” tôm, nên thuận lợi cho việc thu mua chế biến. Nếu giá tăng mạnh như những năm trước thì bà con lời nhiều hơn, còn chưa tăng thì cũng không có gì đáng lo ngại vì làm tôm khô rất ít khi thua lỗ"- ông Nam nói.
Về huyện Cái Nước hỏi Tổ hợp tác ấp Đức An chế biến tôm khô không ai không biết. Đơn giản vì nơi đây có hơn chục hộ dân sống bằng nghề làm tôm khô đã mười mấy năm nay.
Tôm khô của họ làm ra đã có tiếng và rất được người tiêu dùng tin tưởng. Hàng làm ra lúc nào cũng không đủ cung ứng, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, không bao giờ ế.
Theo bà con làm tôm khô nơi đây, giá tôm bạc khô (bạc khô) 550 ngàn đồng/kg, tôm làm sú khô loại 100 con/kg (khô sú) 600 ngàn đồng/kg và đắt nhất là tôm đất khô (khô đất) giá 700 ngàn đồng/kg. Tất cả các loại này đều được cân xô cho các cơ sở trên TP.Cà Mau. Cách đây một tháng, giá tôm khô nhích lên được từ 10 – 20 ngàn đồng/kg tùy loại và đến nay không tăng.
Khó khăn nhất trong nghề này là đôi khi thiếu hàng phải đi xa, chạy sang các huyện bạn lân cận như Đầm Dơi, Năm Căn để thu mua tôm về chế biến. Nếu mua lại của các thương lái thì lời không được bao nhiêu. Mà làm tôm khô kỵ nhất là tôm không được tươi, khi chế biến sẽ bị hao hụt rất nhiều.
Bình thường để làm ra 1 kg tôm khô cần khoảng 7,5 kg tôm tươi, nhưng nếu tôm ủ muối, nước đá lâu có thể phải cần đến 9 kg tôm tươi. Lý do duy nhất để người chế biến tôm khô lỗ chính là dính phải những lô “hàng hớ” này.
Ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cái Nước cho biết: Tình hình tôm nuôi của bà con trên địa bàn năm nay khá thuận lợi, từ nuôi truyền thống đến nuôi quảng canh và thậm chí nuôi công nghiệp cũng được mùa. Dẫn đến nguồn hàng để làm tôm khô khá dồi dào, thị trường không lúc nào thiếu nên tương đối ổn.
Chị Trần Hằng Ly, một tiểu thương chuyên mua bán các mặt hàng khô tại chợ phường 7 (TP.Cà Mau) cho biết, giá tôm khô đến nay không có nhiều biến động, lên xuống không đáng kể.
“Gần tháng nữa mới đến tết nên hàng chưa hút mạnh. Tôm khô bây giờ chuyển đi chủ yếu được các cơ sở trữ lại để gần tết bung hàng ra. Do đó giá chưa tăng mạnh cũng không có gì quá lạ...”. Chị Ly phân tích.
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn, sản lượng khoảng 150 ngàn tấn, đứng đầu cả nước. Cùng với vị thế đứng đầu nuôi tôm, tôm khô Cà Mau từ lâu cũng đã khẳng định được giá trị, uy tín và được nhiều vùng miền yêu thích. Chính vì vậy, mỗi dịp tết đến, tôm khô luôn bán rất chạy.