An Giang được xem là nơi sản xuất cá khô nổi tiếng ở ĐBSCL, như khô cá tra phồng, khô cá sặc bổi, khô cá lóc, khô rắn, khô nhái…, mỗi năm có thể cung cấp cho thị trường trong nước hàng trăm tấn khô cá các loại và cả XK. Đặc biệt, năm nay loại khô rắn và khô nhái sản xuất tại vùng Bảy Núi đang cháy hàng trong mùa tết.
Anh Lê Văn Tiểu, chủ cơ sở sản xuất khô rắn, ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang cho biết: Năm nay thị trường rất hút hàng loại khô rắn, đã có nhiều người từ các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM đến đặt hàng trước cả tháng, đa phần mua về dùng làm quà biếu.
Tuy nhiên, thị trường biết đến loại khô này toàn là khách “vip”, bởi giá khá cao từ 300.000-400.000đ/kg, còn loại đặc biệt lên tới 500.000đ/kg. Thời điểm này, cơ sở của anh sản xuất bình quân 20-25kg/ngày, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu khách đặt.
Bởi nguồn nguyên liệu không sẵn, vì đa phần các loại rắn bắt trong tự nhiên như rắn nước, rắn bông súng, rắn râu, rắn trun, rắn hổ hành…, bắt mãi cũng cạn nguồn.
Theo anh Tiểu, bình quân cứ 10kg rắn sống cho ra 1kg khô. Hình thức làm khô rắn nhọc nhằn hơn các loại khô khác. Sau khi lấy thịt rắn làm khô, còn xương rắn bán giá 200.000đ/kg cho những người chuyên nấu cao rắn. Mỗi năm chỉ làm được một mùa khô rắn bán tết.
Sản xuất khô rắn ở An Giang
Về vùng chuyên làm loại khô nhái, ở xã Vĩnh Trung – Tịnh Biên- An Giang, nơi đây có hơn 20 hộ đang tất bật vào mùa cao điểm.
Chị Nguyễn Thị Liền, đang phơi nhái, cho biết: Mấy năm nay khô nhái được nhiều người biết đến là đặc sản ở vùng Bảy Núi. Hiện gia đình chị có 4 người đều tập trung sản xuất khô nhái, bỏ hẳn chuyện đồng áng để kịp giao cho khách đặt.
“Không biết vì lý do gì mà cách đây 1-2 tháng, khách ở TP.HCM và cả Hà Nội điện thoại xuống đặt tiền nhờ làm khô nhái, lấy trước tết khoảng 20 ngày. Chính vì vậy gia đình tôi phải tranh thủ làm cho đủ 50kg khô nhái giao cho khách đúng hẹn”, chị Liền nói.
Phơi khô cá sặc bổi phục vụ cho thị trường tết
Khô sặc bổi Khánh An nổi tiếng nhờ cá lớn, màu đen bóng, thơm ngon, mỡ nhiều, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Muốn có khô sặc bổi hấp dẫn, mùi vị thơm ngon, đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm, người làm phải có kinh nghiệm từ khâu chọn, làm cá, ướp cá cho đến phơi. |
Hiện tại, nhái sống được các hộ làm khô thu mua từ 30.000 -35.000đ/kg; đối với nhái đã lột da, giá khoảng 60.000đ/kg. Với mức giá này, người bắt nhái giỏi mỗi đêm có thể thu nhập từ 300.000 – 500.000đ.
Chị Võ Thị Rỡ, một hộ làm khô nhái cho biết, trung bình mỗi ngày chị thu mua khoảng 30 – 40kg nhái từ 20 hộ dân trong vùng. 1kg nhái tươi sau khi chế biến được 0,4gram khô nhái. Như vậy, mỗi ngày chị mua 30kg nhái tươi, sau khi chế biến được 12kg khô nhái. Hiện loại đặc sản này bán với giá từ 300.000 – 500.000đ/kg.
Bên cạnh đó, mặt hàng khô cá lóc, sặc bổi cũng bán rất chạy trong dịp cuối năm. Ông Nguyễn Tấn Tài, chủ cơ sở khô cá lóc Kim Huê, ở huyện Chợ Mới cho biết, hiện cơ sở của ông tiêu thụ từ 800kg -1 tấn khô cá lóc dịp cuối năm, trong khi đó ngày thường chỉ khoảng 250 - 300kg. Thường thì 4kg cá lóc tươi sẽ làm ra được 1kg cá lóc khô.
Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ sạp khô tại chợ Long Xuyên cho biết, bình quân mỗi mùa tết, sạp khô của chị bán vài trăm ký khô cá lóc.
Theo thống kê, mỗi năm làng khô sặc bổi Khánh An SX khoảng 3.000 tấn khô các loại (cá lóc, lóc bông, cá trèn, cá sặc bổi…), trong đó chủ lực là khô sặc bổi.