Liên quan đến vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ông Phan Hữu Tuấn (cựu Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 5, Bộ Công an), Nguyễn Hữu Bách (cán bộ Bộ Công an) về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”; Khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam ông Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011); khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú ông Văn Hữu Chiến (Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014) và hàng loạt cán bộ ở Đà Nẵng…
2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng |
Hiện Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ, bước đầu có thể xác định, hàng loạt cựu lãnh đạo Đà Nẵng đã “nhúng chàm” trong các “siêu dự án” của Vũ “nhôm”. Ngoài ra, đối với 31 nhà công sản (chủ yếu nằm trên đất vàng) và 9 dự án thuộc các công ty của Vũ “nhôm” có dấu hiệu vi phạm đang được điều tra, có thể, trong thời gian tới số cán bộ ở Đà Nẵng vướng vòng lao lý tiếp tục tăng lên.
Thất thoát khủng tại “siêu dự án” Đa Phước
Theo tài liệu, “tội” của các ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến xảy ra trong thời kỳ làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đặc biệt là trong dự án lấn biển Đa Phước do Cty CP 79 của Vũ “nhôm” thực hiện.
Cụ thể, Chủ tịch Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011 đã trực tiếp ký các quyết định giao đất, chuyển quyền sử dụng đất, phê duyệt giá đất và ban hành các chủ trương cho Cty CP 79 thâu tóm 29ha đất tại Khu đô thị quốc tế Đa Phước.
Về dự án này, vào năm 2006, UBND TP Đà Nẵng và Cty TNHH Daewon Cantavil ký bản thỏa thuận nguyên tắc để phía Daewon triển khai đầu tư dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước. Mục tiêu của dự án là xây dựng TP vườn ươm công nghệ thông tin quốc tế; phát triển khu trung tâm thương mại - khách sạn - căn hộ cao cấp (tầng cao khoảng 33 tầng), khu biệt thự… với tổng vốn đầu tư ước tính lên tới 300 triệu USD.
Từ năm 2007 - 2011, chủ đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 lấn biển, tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn nên đơn vị này không tiếp tục xây dựng công trình đô thị lấp biển giai đoạn 2 mà quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn đã góp vào dự án này cho Công ty CP Nova - Bắc Nam 79 là công ty có vốn góp của Vũ “nhôm”.
Sau đó, ngày 24/2/2011, ông Trần Văn Minh đã chủ trương thu hồi 29ha thuộc dự án sân golf Đa Phước để giao lại cho Cty CP 79 liên doanh với Cty TNHH Daewon Cantavil. Đồng thời, chủ trương giao quyền sử dụng đất cho liên doanh này để xây dựng biệt thự, nhà phố và các tiện ích liên quan.
Trước khi thôi chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Minh đã giao Trung tâm xúc tiến đầu tư (nay là Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng) do ông Lê Cảnh Dương làm Giám đốc chủ trì, phối hợp Sở TN-MT do ông Nguyễn Điểu làm Giám đốc và ông Trần Văn Toán - Phó Giám đốc thực hiện chủ trương “hỗ trợ” doanh nghiệp của Vũ “nhôm”. Từ chủ trương của ông Minh, Chủ tịch Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014 Văn Hữu Chiến đã ký kết triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án, dẫn đến làm trái các quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật, định giá thấp, gây thất thu ngân sách nhà nước...
“Siêu dự án” Đa Phước là nguyên nhân đẩy 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng vào lao lý? |
Có dấu hiệu trốn thuế hàng trăm tỷ đồng Ngày 6/12/2017, tại UBND TP Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra toàn diện Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước. Đến thời điểm hiện tại, Thanh tra Chính phủ đã kết thúc thời gian thanh tra và đang hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra toàn diện dự án này và nhiều dự án đất đai khác tại Đà Nẵng. |
Mặc dù vào năm 2017, Cty CP Nova - Bắc Nam 79 đã đổi tên Cty TNHH Daewon Cantavil thành Cty TNHH Sunrise Bay, sau đó, dự án này cũng được đổi tên từ khu đô thị quốc tế Đa Phước thành dự án khu đô thị The Sunrise Bay Novaland Đa Phước Đà Nẵng do Vũ “nhôm” làm chủ tịch hội đồng thành viên, nhưng từ năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và phát hiện “siêu dự án” dính hàng loạt sai phạm.
Điển hình là việc dự án như chưa có đánh giá tác động môi trường và thẩm định PCCC; điều chỉnh bỏ sân golf trong dự án nhưng chưa báo cáo Thủ tướng; lập thủ tục xét cấp giấy CNQSDĐ ngoài phạm vi ranh giới của quyết định thu hồi đất, giao đất; chưa hoàn thành thủ tục liên quan đã mở bán công khai. Riêng khu đất 29ha thuộc dự án Sân golf Đa Phước được giao cho Cty CP 79 của Vũ "nhôm", Thanh tra Chính phủ phát hiện UBND TP Đà Nẵng đã giao 29ha trong khu đô thị Đa Phước thuộc vịnh Đà Nẵng cho doanh nghiệp này với giá 300.000 đồng/m2. Mức giá này thấp hơn giá đất thành phố quy định, gây thất thu hơn 570 tỉ đồng. Số tiền này Thanh tra Chính phủ yêu cầu phải nộp lại cho ngân sách nhưng đến nay công ty của Vũ "nhôm" vẫn chưa thực hiện.
Bóng Vũ “nhôm” phủ lên hàng loạt nhà công sản
Trao đổi với báo chí ngày 18/4, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, việc khởi tố hàng loạt cựu cán bộ ở Đà Nẵng chủ yếu liên quan đến khu 29ha ở dự án Đa Phước chứ chưa tính tới... mấy cái nhà đất công sản.
Về “mấy cái nhà công sản”, cuối năm 2017, Bộ Công an tiến hành điều tra 31 nhà công sản và 9 dự án của Vũ "nhôm" trên địa bàn Đà Nẵng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Theo tài liệu của NNVN, trong số 31 cơ sở công sản thuộc sở hữu của nhà nước có hàng loạt cơ sở rơi vào tay của các công ty của Vũ “nhôm”. Trong đó, nhiều nhất tại các tuyến phố Ngô Quyền, Bạch Đằng, Hải Phòng, Lê Duẩn, những khu đất vàng ở Đà Nẵng…
Điển hình là khu nhà đất tại số 16 Bạch Đằng (trụ sở Sở Tư pháp cũ). Ngày 19/1/2016, Cty CP Xây dựng Bắc Nam đã nộp vào ngân sách thành phố Đà Nẵng 45.388 triệu đồng.
Tài sản gồm nhà, đất tại số 20 Bạch Đằng, thuộc sở hữu Nhà nước do Cty Quản lý nhà quản lý, ký hợp đồng cho Cty CP Cung ứng tàu biển thuê sử dụng. Ngày 26/8/2011, ông Phan Văn Anh Vũ nhận chuyển nhượng toàn bộ QSDĐ.
Tài sản nhà, đất tại 158 Bạch Đằng, thuộc sở hữu nhà nước, Cty Quản lý nhà quản lý theo diện nhà trống, sau đã giải tỏa, di dời 7 hộ dân ở ngôi nhà này. Ngày 16/1/2006, UBND thành phố Đà Nẵng có quyết định cho phép chuyển quyền sử dụng đất phần diện tích 95,80m2 thuộc sở hữu nhà nước tại số 158 Bạch Đằng cho Cty Xây dựng 79 với tổng giá trị 1.207.080.000 đồng. Ngày 13/2/2006, Cty Xây dựng 79 đã nộp tiền mua nhà vào ngân sách thành phố là: 1.086.372.000 đồng, giảm 10% số tiền sử dụng đất tương đương 120.708.000 đồng…
Bóng Vũ “nhôm” phủ lên hàng loạt dự án có dấu hiệu vi phạm ở Đà Nẵng |
Tài sản nhà, đất tại số 7 Bạch Đằng (Nhà hàng HaNa Kim Đình cũ) thuộc sở hữu nhà nước, UBND thành phố có Quyết định thu hồi do nhà hàng giải thể và giao cho Cty Quản lý nhà quản lý để tổ chức bán đấu giá. Ngày 10/9/2009, Hội đồng bán đấu giá nhà công sản tổ chức bán đấu giá, mức hô đấu giá lần 1 của ông Phan Văn Anh Vũ là 10.735.000.000 đồng, không có cá nhân đơn vị nào hô cao hơn. Ngày 17/9/2009, UBND thành phố có Quyết định số 7145/QĐ-UBND V/v cho phép bán nhà và chuyển QSDĐ tại 07 Bạch Đằng cho người trúng đấu giá là ông Phan Văn Anh Vũ với số tiền là 10.735.000.000 đồng.
Tài sản nhà, đất tại số 100 Bạch Đằng thuộc sở hữu nhà nước, do Cty Quản lý nhà quản lý, ký hợp đồng cho Cty CP Du lịch thuê. Ngày 28/12/2015, ông Phan Văn Anh Vũ nhận chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại 100 Bạch Đằng và đã được Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Đà Nẵng đăng ký biến động trên GCN số BA 648445.
Đối với nhà công sản, Thanh tra Chính phủ kết luận, việc Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng là không phù hợp theo quy định. Thông qua chủ trương bán, xác định giá đất, hệ số sinh lợi… bằng cách trực tiếp tham gia hoặc nhận chuyển nhượng lại, Vũ “nhôm” và các công ty của ông ta đã thâu tóm hàng loạt nhà công sản, đặc biệt là những khu đất vàng. |