| Hotline: 0983.970.780

Đại biểu Hà Sỹ Đồng: ‘Những sự cố môi trường đặt ra câu hỏi lớn về quản lý’

Thứ Tư 30/10/2019 , 15:32 (GMT+7)

Ông Hà Sỹ Đồng, ĐB Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho rằng, còn nhiều kẻ hở trong các quy định bảo vệ môi trường cho thấy việc sửa Luật là rất cần.

Những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2019 là rất đáng tự hào, được đông đảo cử tri ghi nhận. Các báo cáo của Chính phủ, của Ủy ban Kinh tế và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp đều cơ bản toát lên bầu không khí lạc quan này.

Tuy nhiên, còn một số những tồn tại, hại chế, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường rất đáng được quan tâm. Trước kỳ họp này, sự cố nhà máy Rạng Đông, tiếp đến là nước đầu nguồn sông Đà nhiễm dầu thải làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm ngàn người dân Hà Nội, đã đặt ra câu hỏi lớn về hiệu quả của quản lý, giám sát.

Báo cáo của Thủ tướng đánh giá: tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các khu đô thị, khu công nghiệp...

ĐB Hà Sỹ Đồng

Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Mặt trận TQVN nêu rõ: cử tri và nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân.

Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020, một trong những vấn đề được Thủ tướng nhấn mạnh đang tạo áp lực lớn đến phát triển bền vững chính là môi trường. Mục tiêu tổng quát của năm sau cũng xác định tăng cường bảo vệ môi trường.

Chỉ tiêu cụ thể về môi trường cho năm sau được Chính phủ dự kiến là tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Đặt trong bối cảnh bảo vệ môi trường rất bức thiết và xuất hiện những vấn đề mới như trên, nhiều đại biểu băn khoăn với chỉ tiêu này. Tất nhiên, độ tin cậy về số liệu xưa nay vẫn là một vấn đề cần quan tâm, nhưng cứ cho rằng chỉ tiêu trên năm nào cũng đạt thì điều đó không có nghĩa là môi trường được bảo vệ tốt.

Vì thế, từ năm sau, theo tôi cần có chỉ tiêu riêng để kiểm soát vấn đề ô nhiễm không khí. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì một số quốc gia cũng đã đưa ra chỉ tiêu kiểm soát ô nhiễm không khí, cụ thể là giảm bụi mịn PM10 và bụi PM 2.5 với con số tỷ lệ khá rõ ràng.

Tất nhiên, việc đưa ra thêm một chỉ tiêu cũng cần có lộ trình, nhưng trước mắt, tôi đề nghị có thể đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp yêu cầu về kiểm soát môi trường về không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp và đông dân cư với con số cụ thể, giao cho Kiểm toán Nhà nước kiểm toán để bảo đảm chính xác của con số thống kê này. Đồng thời, phải có quy định thu phí xả khí thải đối với các doanh nghiệp và nhà máy xả khí thải ra môi trường.

Chính phủ cũng đã xác định năm sau sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Việc này đúng là rất cần, bởi qua tham vấn ý kiến chuyên gia cho thấy, vụ Rạng Đông và vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà đều có nguyên nhân từ Luật.

Vụ Rạng Đông thì vấn đề không chỉ nằm ở Luật Bảo vệ Môi trường mà còn nằm ở quy hoạch đất, quy hoạch xây dựng, theo một vòng lẩn quẩn là để nhà máy ở xa khu dân cư sau đó lại cho dân đến gần nhà máy. Ngoài ra, pháp luật hiện hành về yêu cầu xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố chỉ căn cứ vào tính chất, quy mô của cơ sở công nghiệp mà chưa căn cứ vào vị trí của nó, đây chính là kẻ hở lớn dẫn đến sự cố Rạng Đông với hậu quả chưa thể đo đếm được.

Còn vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà thì kẻ hở pháp luật quá lớn khi mà quy chuẩn về nước sinh hoạt đã có, nhưng quy định về tần suất kiểm tra mẫu nước, nhiều điểm quan trắc, phòng ngừa nhiều lớp, kiểm tra giám sát rất yếu. Cụ thể như: không có quy định về nguồn nước dự phòng khi nguồn nước chính bị ô nhiễm hoặc có vấn đề khác; tần suất test mẫu nước quá thưa, mà cũng là nhà máy tự lấy mẫu nước rồi tự test, lấy mẫu cũng chỉ ở một điểm mà lẽ ra phải có nhiều điểm lấy mẫu nước hơn, tần suất test cũng phải nhiều hơn. Cần có hệ thống quan trắc tự động để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Cháy Cty Rạng Đông là sự cố môi trường năm nay

Còn nhiều kẻ hở nữa cho thấy việc sửa Luật là rất cần, nhưng đó là công việc lâu dài. Việc sớm hơn mà Quốc hội có thể làm được ngay là giao nhiệm vụ cụ thể hơn, toàn diện hơn cho Chính phủ nhằm ổn định về tổ chức bộ máy, tăng cường đầu tư ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường. Nếu chúng ta không có ngay các biện pháp và hành động phòng chống và khắc phục tình trạng xâm phạm, gây tác hại xấu đến môi trường thì dù có đầu tư nhiều tiền của để khắc phục, ổn định môi trường, cho dù GDP có tăng trưởng nhưng không mang lại giá trị mới và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Một vấn đề nữa là, trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội thứ 8, chúng tôi nhận được sự phản đối cực mạnh của doanh nghiệp và người dân về việc ngày 24/10/2019, Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan cho cán bộ Hải quan về Quảng Trị để lập "Biên bản vi phạm hành chính về Hải quan" về một vụ việc xảy ra cách đây gần một thập niên của Công ty Ngọc Hưng với lý do mua bán, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Trong khi đó, lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng nhập khẩu về Cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị từ năm 2011, đã đóng thuế GTGT nhập khẩu trên 3,2 tỷ đồng, được Tổng cục Hải Quan xác nhận là đúng quy định của pháp luật. Và hiện nay lô gỗ vật chứng này đã bị bán đấu giá trái pháp luật mà Viện KSNDTC đã khởi tố vụ án.

Sở dĩ có việc làm trên là do hậu quả của Bản án trái pháp luật của TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử vụ án "Buôn lậu" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" mà đã nhiều lần Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đề cập, vừa xử lý hình sự, vừa chuyển số tiền bán tang vật còn lại cho Tổng cục Hải Quan xử lý hành chính để tiếp tục hành hạ doanh nghiệp.

Một lần nữa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị yêu cầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNSTC kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án nói trên; đồng thời kiến nghị Ủy ban TVQH, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xem xét, giám sát việc xét xử vụ án để tránh oan, sai người vô tội và bỏ lọt tội phạm.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.