...Và phản ứng dây chuyền là các trường đại học cũng tuyển sinh căng thẳng hơn.
Phương án xét tuyển của các trường đại học liên tục thay đổi, với không ít cách thức lôi kéo Tú Tài nhập học một cách quyết liệt.
Một sự kiện được nhiều người chú ý, đó là 191 học sinh trong tổng số 259 học sinh vừa hoàn tất lớp 12 của Trường THPT An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang) đã nhận được giấy báo trúng tuyển từ Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - TP.HCM.
Hiệu trưởng Trường THPT An Thới cho biết đơn vị này căn cứ danh sách học sinh đăng ký xét tuyển đại học để photo học bạ rồi chuyển lên TP.HCM cho Đại học Hồng Bàng.
Còn vì sao Trường THPT An Thới lại chuyển hồ sơ học sinh đến Đại học Hồng Bàng mà không phải nơi khác, là một điều cực kỳ tế nhị và nhạy cảm. Nhiều người xôn xao, nhưng cũng đành chấp nhận câu chuyện trên, như một ví dụ về xu hướng tự chủ đại học.
Hệ lụy của quá trình bùng nổ đại học là các trường ngoài công lập chạy đua tuyển sinh với nhau khá nóng bỏng.
Các phương án xét tuyển căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, thi đánh giá năng lực và xét học bạ, đã mở ra rất nhiều nguyện vọng cho thí sinh. Dĩ nhiên, số lượng ứng viên “ảo” cũng tăng lên.
Vì vậy, chỉ cần không vi phạm quy chế tuyển sinh, thì các trường đại học tranh thủ gửi giấy báo trúng tuyển khắp nơi. Ở nhiều vùng quê, không ít gia đình dở khóc dở cười khi con em mình có học lực trung bình cũng nhận được dăm bảy giấy mời nhập học từ nhiều trường đại học khác nhau.
Để giành giật sinh viên, năm nay còn xuất hiện thêm hiện tượng buồn cười là có thư nặc danh gửi đến thí sinh và phụ huynh để chê bai một số trường đại học tại Đà Nẵng.
Vô cớ trở thành nạn nhân của một chiến dịch cạnh tranh không lành mạnh, nên các trường Đại học Đông Á, Đại học Kiến trúc và Đại học FPT đã đứng tên chung để làm một thư ngỏ phản bác những thông tin bất lợi.
Thậm chí Đại học Đà Nẵng cũng có văn bản gửi Công an Đà Nẵng đề nghị xác minh, xử lý kẻ đã tung thư nặc danh.
Chưa hết, thông qua quan hệ với các trường THPT, nhiều trường đại học còn lấy được số điện thoại của học sinh vừa có bằng Tú Tài, để gửi tin nhắn kêu gọi nhập học ngay ở trường mình, đừng chờ đợi những nguyện vọng ở trường khác.
Đại học là môi trường quan trọng để chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai. Thế nhưng, chất lượng đại học nước ta vẫn là ẩn số.
Trong khi các trường THPT hăng hái thống kê tỷ lệ học sinh đậu đại học, thì lại không có trường đại học nào dám đưa ra thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm.
Đành rằng, giáo dục cũng có thể miễn cưỡng xem như một ngành công nghiệp không khói, nhưng đại học muốn tự chủ cũng cần tự trọng. Đại học phải đầu tư xây dựng uy tín để tuyển sinh, chứ không thể vận dụng mánh khóe để tuyển sinh.