Chị Trần Thị Hiền là đại lý cấp 2 của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao ở xã An Hiệp (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), đồng thời cũng là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện. Dẫn chúng tôi đi xem khu vườn đầy hoa cúc đang mọc đều tăm tắp, xanh ngăn ngắt trong nhà lưới, được thiết kế rất bài bản với hệ thống tưới phun.
Chị Hiền tâm sự, nếu ai đã từng làm vườn sẽ biết được cảnh khổ của họ nên khi bán hàng sẽ ăn lời ít hơn. Người bán phân bón cũng như người bán thuốc cho người ấy, lương y phải như từ mẫu, lời ít lời nhiều là do tâm.
"Đại lý cấp 1, cấp 2 cố gắng bớt lời đi một chút để cho nông dân dễ thở. Cứ loại phân bón nào tốt tôi nhập về, lời trung bình chỉ khoảng 10.000 đồng/bao. Bởi thế, nông dân dùng đều đều, ra bao nhiêu hết bấy nhiêu. Phân NPK có nhiều hãng, nhiều sự chọn lựa còn dân chỉ thích của Lâm Thao. Thứ nhất là mịn hơn, thứ hai là tan nhanh hơn, thứ ba là lá cây đậm màu hơn. Để tránh hiện tượng phân đóng cục tôi phải xếp hàng trong kho theo thứ tự, loại nào vào trước thì bán trước”, chị Hiền chia sẻ.
Hồi ở quê tại Thanh Hóa, chị Hiền đã biết kinh doanh. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước chị quyết định vào Lâm Đồng lập nghiệp với số vốn tích cóp được là 1,6 cây vàng. Bán vàng, chị mua mảnh đất nhỏ làm cái nhà tạm, phần còn lại mua 1 sào (1.000m2) đất trồng hoa và rau. Nhờ chăm chỉ làm ăn, tính toán hơn người nên có mấy năm chị đã mua thêm được vài sào nữa.
Khi diện tích đất trồng trọt được mở rộng, phải dùng nhiều phân bón hơn, chị nghĩ tại sao thay vì mua lẻ mình không mua sỉ, không mở cửa hàng để vừa sử dụng vừa bán cho bà con? Thế là một cửa hàng nhỏ bán phân bón và thuốc BVTV ra đời.
Riêng về phân bón thì chị cứ đặt loại mà lúc ở quê mình ngoài Bắc thấy nông dân dùng nhiều nhất đó là lân Lâm Thao dù dân trong đây khi đó chẳng mấy người biết.
Thế rồi như vết dầu loang, bà con thấy vườn nhà chị Hiền tốt tươi hơn, hỏi bí quyết rồi mua và làm theo. Lúc đầu chưa có vốn, chị phải mua chịu của đại lý lớn, bán xong thu được tiền của dân mới trả. Lần hồi giờ cái cửa hàng nhỏ ngày nào đã thành một đại lý phân bón khang trang ngay mặt đường nhựa, có tiếng là đông khách trong vùng.
Đam mê kinh doanh nhưng chị cũng yêu làm vườn, bởi chính ở đó có thể tự tay thử nghiệm các công thức chăm bón cây trồng một cách tối ưu nhất. Hiện chị đã có hơn 2 mẫu đất chuyên canh tác các loại hoa và rau màu.
Từ thực tế của chính thửa vườn nhà mình, chị Hiền nhận thấy các loại hoa và rau màu dùng lân Lâm Thao để bón lót, sau đó bón thúc bằng NPK Lâm Thao sẽ rất tốt và bền.
“Tôi là người sử dụng trực tiếp phân bón Lâm Thao mấy chục năm rồi, kiểm chứng cũng từ vườn của mình mà ra. Trên đất này, khó có sản phẩm phân bón nào qua được Lâm Thao. Lân của Lâm Thao đã tốt rồi nhưng theo tôi nên ra thêm lân hạt để nông dân vừa tiết kiệm được phân vừa tránh được hiện tượng lân bột bị dính vào lá cây, bị gió quẩn vì vùng này nhiều gió”, chị Hiền đề xuất.
Cũng tương tự chị Trần Thị Hiền, anh Phạm Viết Hội ở xã Tân Hội cùng huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là đại lý cấp hai đồng thời có 3ha đất trồng cây. Kiểm chứng từ chính khu vườn của mình và nhiều khu vườn của hàng xóm.
Anh Hội nhận định, hiện có nhiều loại lân nhưng chủ lực nhất ở vùng này là Lâm Thao. Nói thật có những đại lý không thích bán lân Lâm Thao nên hạn chế do lời thấp so với các hãng phân khác. Nhưng thực tế người dân vẫn xài lân Lâm Thao nhiều nhất nên họ vẫn phải cất về bán cho bà con.
"Làm mô hình giờ thường khó có thể lan tỏa được mà phải truyền thông tốt, nhất là trên mạng facebook qua các hội nhóm trồng cà chua, cà phê, hồ tiêu vì ai giờ cũng xài điện thoại thông minh hết. Công ty Lâm Thao lớn, lại có uy tín nên tôi nghĩ độ phủ sẽ nhanh”, anh Phạm Viết Hội tin tưởng.