| Hotline: 0983.970.780

Đại tá Nguyễn Văn Vưu: Cách mạng tháng Tám thay đổi cuộc đời tôi

Thứ Hai 03/09/2018 , 08:15 (GMT+7)

"Thành quả Cách mạng tháng Tám 1945 đối với dân tộc Việt Nam là vĩ đại. Nếu không, cuộc đời tôi có thể chỉ là một hương sư ở làng quê, chứ không phải một cán bộ cao cấp của quân đội như ngày hôm nay. Cách mạng tháng Tám 1945 đã thay đổi cuộc đời tôi”, Đại tá Nguyễn Văn Vưu, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân lương (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) tâm sự.

Đổi đời từ cách mạng

Hơn 90 tuổi đời, được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, những ngày thu tháng 8, Đại tá Nguyễn Văn Vưu lại bồi hồi nhớ về tuổi thơ của mình thời gian bản lề của cánh cửa cuộc đời.

06-10-49_nguyen_vn_vuu_-_2017
Ông Đỗ Đình Hồng - Bí thư Huyện ủy Mê Linh trao tặng Đại tá Nguyễn Văn Vưu Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng

Tháng 8/1945, đê sông Hồng vỡ. Nước ngập đến tận mái nhà. Cả gia đình phải chạy lên núi Thanh Tước trước mặt. Ông Vưu cùng anh trai phải làm chòi trên cây mít để trông nhà. Cũng lúc đó, từng đoàn thuyền của nhân dân các thôn, xã trong huyện Yên Lãng (nay là huyện Mê Linh, Hà Nội) cắm cờ đỏ sao vàng lên tỉnh lỵ Phúc Yên bao vây dinh Công sứ và dinh Tuần phủ. Rồi những đoàn người lũ lượt gọi nhau tiến ra Thạch Đà yêu cầu Tri phủ Yên Lãng bàn giao ấn tín cho chính quyền của nhân dân.

Văn Lôi trước ngày Quốc khánh 2/9/1945, tối nào các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ, phụ lão, thiếu niên và cả thiếu nhi cũng họp. Tiếng trống ếch của thiếu nhi khua vang thúc giục mọi người chuẩn bị đón chào cuộc đổi đời của cả dân tộc, trong đó có đời sống của những người dân quê hiền lành nép mình dọc theo dải đồng màu bao quanh khu chiêm trũng nho nhỏ. Ba thôn chung lại thành xã lấy tên xã Thống Nhất. Nhờ biết chữ, đã học xong sơ học bổ túc, Nguyễn Văn Vưu được chỉ định làm Bí thư thường trực (nay gọi là Chánh Văn phòng) Ủy ban Hành chính lâm thời xã. Tuổi trẻ, có trình độ học vấn, từ công tác địa phương, ông được cử đi học và rồi chuyển công tác lên huyện, lên tỉnh và Liên khu Việt Bắc. Chàng thanh niên ấy xung phong vào bộ đội, từ Quân khu Việt Bắc rồi lại xuống trực tiếp chiến đấu tại Đại đoàn 316.
 

Mảnh vải dù - 'Lá bùa hộ mệnh'

Sau chiến dịch Tây Bắc (1952 - 1953), là một cán bộ trẻ, khỏe, năng động, ông được cấp trên tin tưởng giao phụ trách Phó phòng Quân nhu - Đại đoàn 316 và làm Phái viên trong Ban cán sự Huyện ủy Mộc Châu (Sơn La). Với công việc của mình, ông thường xuyên đi về các làng bản vùng giải phóng dọc đường 41 (nay là đường số 6) xây dựng căn cứ địa, vận động nhân dân các dân tộc đóng góp lương thực, thực phẩm để chuẩn bị bảo đảm cho các chiến dịch tiếp theo. Do phải liên tục đi lại trên đoạn đường địa hình trống trải, máy bay địch trên không kiểm soát gắt gao, bắn phá ác liệt, hậu cần đại đoàn cấp cho ông một mảnh vải dù để ngụy trang khi cần thiết. Đây là chiếc dù hàng, bộ đội ta thu được của địch trong trận đánh ở Mộc Châu trước đó.

Một lần, ông cùng với đồng đội là ông Bái - quản lý cấp dưỡng của cơ quan Bộ Quốc phòng, từ bản Lồm Xồm về dự Hội nghị chiến sĩ thi đua ở hang Mộc Châu. Ông Bái dắt theo một con lợn 50kg (thu mua ở bản) về làm thực phẩm cho hội nghị. Từ Lồm Xồm tới hang Mộc Châu phải qua 20km đồi cỏ gianh, thỉnh thoảng mới có một vài chòm cây xen kẽ. Đi được khoảng 6km thì bất ngờ một tốp máy bay địch ập tới. Hai người nhanh chóng ngồi sụp xuống, dùng mảnh vải dù che kín, chỉ để hở đôi mắt quan sát. Con lợn ỉ buông dây thừng, chạy lung tung không theo đường hướng nào. Phát hiện thấy mục tiêu di động, máy bay địch bay vòng lại, tiếng động cơ gầm rít đến rợn người, làm cho con lợn sợ hãi vọt lên phía trước lao vào trong vạt cỏ gianh. Mất mục tiêu, bọn giặc bắn vu vơ mấy tràng liên thanh rồi bay đi nơi khác. Thật là hú vía… Nếu hôm đó không có mảnh vải dù ngụy trang thì địch sẽ phát hiện được hai người và có thể cả hai ông đã tử trận.

Ngoài việc dùng làm ngụy trang che mắt địch, mảnh vải dù này còn được Đại tá Nguyễn Văn Vưu dùng làm chăn đắp thêm cho ấm hoặc làm khăn quàng cổ trong suốt những ngày mùa đông giá rét ở vùng núi đồi Tây Bắc. Mảnh vải dù ấy đã trở nên thân thiết như một người bạn tri kỷ, gắn bó với ông suốt Đông Xuân 1953 - 1954 vào giải phóng Lai Châu cho đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau khi hoàn thành việc xây dựng đường dây giao liên từ Ninh Bình vào Quảng Trị, trở về cơ quan Bộ Tham mưu Tổng cục Hậu cần, Đại tá Nguyễn Văn Vưu được giao nhiệm vụ vào chiến trường Tây Nguyên rồi chiến trường Trị - Thiên - Huế. Mảnh vải dù lại có dịp cùng ông hành quân dọc các chiến trường miền Nam, vượt qua bao mưa bom, bão đạn của kẻ thù, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá Nguyễn Văn Vưu nhớ lại, trong Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, từ ngày 17/8/1968, quân và dân miền Nam tiếp tục tiến công đợt 3. Để nâng cao khả năng đảm bảo cho bộ đội, Tổng cục Hậu cần tổ chức nhiều đoàn cán bộ vào chiến trường. Tháng 10/1968, đoàn thứ 5 do Thiếu tướng Đặng Huyền Phương (sau này là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) làm trưởng đoàn, trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Vưu, lên đường vào Trị Thiên (B4). Do hoàn thành khối lượng lớn công việc với chất lượng cao, đoàn được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu tín nhiệm giao tham gia trực tiếp công tác với các ngành của Cục Hậu cần Quân khu. Đại tá Nguyễn Văn Vưu được giao nhiệm vụ làm thư ký cho Trung tướng Hoàng Văn Thái (tên thật là Hoàng Đức Tuy, 1920 - 2000; Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng), Phó Tư lệnh kiêm Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu.

Cuối mùa mưa, Đại tá Nguyễn Văn Vưu “tháp tùng” Trung tướng Hoàng Văn Thái đi công tác, vượt qua đường 42, đoạn cây số 21 sang rừng thông vào Chiến trường B4; trên đường đi gặp máy bay địch, hết tốp này đến tốp khác kiểm soát dọc đường và vùng phụ cận suốt từ 6h sáng đến 3h chiều. Không phát hiện được mục tiêu, chúng bắn vu vơ. Do địa hình trống trải, ông cùng với anh em trong đoàn phải ẩn nấp cách đường 200m. Xế chiều, máy bay địch bớt hoạt động, Trung tướng Hoàng Văn Thái và Đại tá Nguyễn Văn Vưu ngụy trang bằng mảnh vải dù đưa từ miền Bắc vào.

Còn đồng đội của ông phải ngụy trang bằng lá cây xanh. Đoàn tiếp cận rìa đường, đồng chí cảnh vệ và đồng chí cần vụ đã lao nhanh vượt qua đường, Trung tướng Hoàng Văn Thái và Đại tá Nguyễn Văn Vưu mới qua được hai phần ba mặt đường thì bỗng nghe thấy tiếng máy bay. Hai người nhanh chóng vượt qua và nằm ép dưới mép đường, phủ kín mảnh vải dù ngụy trang giữa vạt cỏ gianh khô vàng. Tốp máy bay địch không phát hiện được mục tiêu, bắn vu vơ, lượn vài vòng rồi bỏ đi. Vậy là mảnh vải dù ngụy trang lại một lần nữa giúp ông thoát cơn nguy hiểm.

Qua năm tháng, tấm vải dù kích thước 70x150cm, màu cỏ xanh loang xen lẫn màu vàng đất của Đại tá Nguyễn Văn Vưu đã sờn, khâu đi, vá lại nhiều lần nên không còn dài, rộng như trước nữa. Song ông vẫn nâng niu, gìn giữ cẩn thận, coi đó là một kỷ vật vô giá. Bởi vì mảnh vải dù này như là “ân nhân”, “bùa hộ mệnh” thần kỳ đã nhiều lần giúp ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần ở chiến trường. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 57 năm ngày thành lập cũng là ngày Truyền thống của Ngành Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam (11/7/1950 - 11/7/2007), Đại tá Nguyễn Văn Vưu đã tặng “lá bùa hộ mệnh” thần kỳ này cho Bảo tàng Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam.

 

Có nhiều viên ngọc ẩn mình trong đá

Đại tá Nguyễn Văn Vưu sinh năm 1928, tại một vùng quê nghèo, đó là thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Tròn 20 tuổi ông được kết nạp Đảng rồi xung phong vào bộ đội. Bước chân ông đã tiến dưới lá quân kỳ ra Bắc vào Nam suốt gần nửa thế kỷ. Nghỉ hưu, ông về quê, vẫn tiếp tục tham gia sinh hoạt tại địa phương, phát triển mô hình kinh tế trang trại VAC. Ngẫm lại cuộc đời, ông vẫn tâm sự với mọi người xung quanh, hơn 70 năm trước, nhờ Cách mạng tháng Tám, nhờ được cha mẹ cho học hành, ông đã trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, nếu không, ông cũng chỉ như những người dân thôn quê hiền lành chăm chỉ, quanh năm một nắng hai sương, cả đời không có điều kiện ra khỏi lũy tre làng của vùng đất rốn nước Văn Lôi.

06-10-49_nguyen_vn_vuu_-_nguyen_ngoc_triu
Phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu (mặc áo khoác) về thăm trang trại kinh tế của gia đình Đại tá Nguyễn Văn Vưu

Tuổi cao, ý chí càng cao, hàng ngày Đại tá Nguyễn Văn Vưu vẫn tập thể thao để rèn luyện sức khỏe. Nghe đài, xem tivi, đọc báo hàng ngày. Nhờ đó, tin tức thời sự trong nước và thế giới ông vẫn cập nhật thường xuyên. Ông được phát báo Hà Nội mới, báo Quân đội Nhân dân theo tiêu chuẩn, và đặt mua những tờ báo khác. Điều ông mong muốn rằng, còn nhiều những tấm gương điển hình, những người tốt, những việc tốt trong cuộc sống. Họ như những viên ngọc ẩn mình trong đá, những người làm báo hãy giương ăng-ten của mình lên để tìm đến và viết về vẻ đẹp cuộc sống ấy, chứ không phải chỉ có những chuyện tiêu cực trong xã hội ngày ngày giăng đầy mặt báo.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.