| Hotline: 0983.970.780

Đại Từ: Buông lỏng quản lý để dân lấn chiếm dòng chảy suối Bến, suối Tấm

Chủ Nhật 23/10/2022 , 13:17 (GMT+7)

Trên địa bàn nhiều xã tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra tình trạng công khai lấn chiếm dòng chảy, khiến suối Bến, suối Tấm trở thành mương...

Biến dòng suối thành mương thoát nước

Trước những năm 2000, dòng suối Bến cung cấp nước sản xuất cho các xóm Đồng Thầy, xóm Soi, xóm Dứa, xóm Vai Say của xã Ký Phú và một phần của xã Vạn Thọ. Nhưng sau khi hồ Vai Miếu ở xã Ký Phú được xây dựng, cùng với việc xây dựng một dòng kênh dẫn nước mới để phục vục cho tưới tiêu, suối Bến chỉ còn tác dụng là dòng chảy thoát nước tự nhiên.

Theo thông tin của người dân địa phương, trước đây dòng suối Bến có dòng chảy và hành lang suối rộng cả chục mét. Nhưng sau khi có dòng kênh mới dẫn nước thay cho suối Bến, lợi dụng việc này mà nhiều người dân xóm Soi, xã Ký Phú (giáp danh với xã Vạn Thọ) sống 2 bên suối đã đổ đất san lấp, xây dựng công trình nhà cửa trên lòng suối Bến. Đến nay thì dòng suối chỉ còn rộng bằng cái mương nước thoát nước.

Để tìm hiểu thực tế, phóng viên đã cùng với cán bộ xã Ký Phú đến trực tiếp hiện trường tại xóm Soi. Ngay tại đoạn chảy cắt ngang qua tỉnh lộ 261, dòng suối Bến chỉ còn là con mương thoát nước rộng chưa tới 1m vì nhiều hộ dân đã xây dựng công trình 2 bên. Đáng chú ý có hộ gia đình ông Trần Văn Dũng, lấn chiếm trên 5m ngang lòng suối và xây dựng công trình trái phép ra giáp với mặt đường tỉnh 261.

Ông Lê Thanh Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ký Phú thừa nhận những đoạn thuộc hành lang dòng suối Bến ngày trước đã bị hàng chục hộ dân lấn chiếm và xây dựng công trình trái phép từ nhiều năm nay trở lại đây. Tuy nhiên việc lấn chiếm hành lang suối Bến không ảnh hưởng tới việc cung cấp nước phục vụ sản xuất, bởi sau những năm 2000 thì dòng suối Bến không có nguồn nước chảy vào như trước, mà chỉ còn chức năng thoát nước.

Gia đình ông Trần Văn Dũng tại xóm Soi, xã Ký Phú đã xây dựng công trình lấn chiếm gần hết dòng suối Bến. Ảnh: Toán Nguyễn.

Gia đình ông Trần Văn Dũng tại xóm Soi, xã Ký Phú đã xây dựng công trình lấn chiếm gần hết dòng suối Bến. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ngang nhiên lấn chiếm làm thách thức dư luận

Tương tự như ở xã Ký Phú, ngay tại thị trấn Hùng Sơn, trung tâm của huyện Đại Từ cũng xảy ra tình trạng lấn chiếm ngang nhiên nhưng không bị xử lý. Năm 2021, gia đình ông Phụng ở xóm Phú Thịnh đã tự ý san lấp 1 phần suối Tấm, giáp với cầu suối Tấm và mặt đường tỉnh 261, sau đó đã xây dựng căn nhà cấp 4 rộng khoảng 100m2.

Theo người dân địa phương, ông Phụng vẫn có nhà ở phía bên trong với căn nhà trái dựng trái phép trên hành lang suối Tấm. Khi ông Phụng tiến hành san gạt hành lang suối Tấm cho tới lúc xây nhà kéo dài nhiều tháng và rất công khai, mặc dù người dân đã có ý kiến nhưng chính quyền thị trấn Hùng Sơn vẫn không xử lý.

Để làm rõ vì sao việc lấn chiếm hành lang dòng suối Tấm công khai như vậy và chưa bị xử lý, chiều ngày 11/10 phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đến UBND thị trấn Hùng Sơn liên hệ làm việc, nhưng được nhận câu trả lời của cán bộ văn phòng là lãnh đạo đi vắng. Sau đó phóng viên đã liên hệ với ông Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Hữu Quyết, nhưng không nhận được phản hồi.

Căn nhà xây dựng lên phần hành lang và lòng suối Tấm ngay trung tâm huyện Đại Từ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Căn nhà xây dựng lên phần hành lang và lòng suối Tấm ngay trung tâm huyện Đại Từ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm sông suối cản trở dòng chảy  cũng diễn ra tại một số địa bàn khác tại huyện Đại Từ. Trong đó có thể kể tới một số vị trí gần với các tuyến đường chính trên địa bàn huyện như đoạn suối gần với cầu Gốc Muối (cạnh tỉnh lộ 261), xóm Văn Khúc, xã Bình Thuận, một đoạn lòng suối đã bị san lấp; Hay như đoạn mương thoát nước dài hơn 60m của Quốc lộ 37, đoạn địa phận xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội đã bị một san lấp làm bãi xe, bãi vật liệu và bán hàng. Việc này khiến mỗi khi trời mưa là nước chảy thẳng ra mặt đường và tràn vào nhà một số hộ dân bên dưới. Người dân đã báo lên chính quyền xã Tiên Hội nhưng không bị xử lý.

Đoạn mương thoát nước dài hơn 60m của Quốc lộ 37, đoạn xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội bị san lấp làm bãi buôn bán vật liệu, bãi xe và bán hàng khác. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đoạn mương thoát nước dài hơn 60m của Quốc lộ 37, đoạn xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội bị san lấp làm bãi buôn bán vật liệu, bãi xe và bán hàng khác. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trao đổi về vấn đề xử lý vi phạm  với cơ quan quản lý của huyện Đại Từ, ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, các xã có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn mình, phát hiện vi phạm thì lập biên bản. Nếu các trường hợp quá thẩm quyền thì phải báo cáo lên UBND huyện và cơ quan chuyên môn của huyện xử lý. Tuy nhiên trong thời gian qua, huyện không nhận được báo cáo vi phạm nào từ cơ sở.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.