| Hotline: 0983.970.780

Đăk Nông chuyển hướng chuyên canh cây ăn quả tập trung

Thứ Ba 02/06/2020 , 08:43 (GMT+7)

Có thế mạnh về cây ăn quả, Đăk Nông đang hướng đến phát triển vùng chuyên canh, tập trung sản xuất chất lượng cao, xây dựng các chuỗi liên kết nhằm phát triển bền vững.

Phát triển cây ăn quả giúp nhiều nông dân cải thiện nguồn thu nhập. Ảnh: NK.

Phát triển cây ăn quả giúp nhiều nông dân cải thiện nguồn thu nhập. Ảnh: NK.

Tiềm năng rất lớn

Tỉnh Đăk Nông có lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển các loại cây ăn quả. Hiện nay, so sánh trên một đơn vị diện tích thì cây ăn quả cho lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với nhiều cây trồng khác.

Ông Lê Đình Hồ, người canh tác 7ha cây ăn quả ở thành phố Gia Nghĩa (Đăk Nông) cho biết, trung bình, mỗi sào cam, quýt của gia đình ông cho thu nhập ngang bằng với khoảng 2ha cà phê, hồ tiêu. 

Bà Nậm Thị Tuyết, người trồng 5ha xoài Đài Loan ở xã Đăk Rla, huyện Đăk Mil cho hay, việc phát triển cây ăn quả đã giúp nhiều gia đình ở địa phương trở nên giàu có. Các mô hình trồng xen cây ăn quả vào vườn cà phê, hồ tiêu mỗi năm có thể đạt lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu đồng.

“Giá cà phê, hồ tiêu tuy xuống thấp nhưng người dân ở đây vẫn sống tốt nhờ nguồn thu từ các loại trái cây.

Gần đây, một số gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây công nghiệp kém hiệu quả sang trồng xoài hoặc mít để phát triển kinh tế”, bà Tuyết thổ lộ.

Theo Sở NN-PTNT Đăk Nông, vụ đông xuân 2019-2020 diện tích cây ăn quả của địa phương được trồng mới khoảng 258ha.

Một số huyện như Đăk Mil, Đăk Song, người dân chuyển đổi 100ha từ diện tích cà phê, hồ tiêu, lúa kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả như xoài, mít, chanh dây, sầu riêng…

Ông Nguyễn Bá Chín, Phó phòng NN-PTNT huyện Đăk Mil cho biết, các mô hình trồng xen bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, người dân vẫn phát triển theo xu hướng chung chung và nguồn nông sản làm ra phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Do vậy, ngành nông nghiệp huyện luôn khuyến cáo người dân nghiên cứu thị trường và tham gia các chuỗi sản xuất để tiến đến phát triển ổn định.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Nông cho biết, tỉnh có đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng.

Đặc biệt phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả như sầu riêng, xoài, bơ hay các loại cây có múi…

Hơn nữa, người dân địa phương có kinh nghiệm trong trồng trọt nên việc phát triển cây ăn quả cũng trở nên dễ dàng và đạt được năng suất cao.

Tại Đắk Nông, các mô hình trồng thuần hoặc trồng xen cây ăn trái đều cho lợi nhuận cao. Ảnh: NK.

Tại Đắk Nông, các mô hình trồng thuần hoặc trồng xen cây ăn trái đều cho lợi nhuận cao. Ảnh: NK.

“Trong thời gian vừa qua, địa bàn phát triển cây ăn quả với tốc độ nhanh và đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 13.000 ha. Phải nói rằng diện tích đã tăng rất nhanh. Việc phát triển này đúng với định hướng của ngành nông nghiệp.

Tỉnh đang phấn đấu đến năm 2030, diện tích cây ăn quả sẽ đạt khoảng 19 nghìn ha”, ông Lê Quang Dần chia sẻ và cho biết thêm, cây ăn quả đang mang lại hiệu quả kinh tế lớn, lợi nhuận cao cho người sản xuất.

Sản xuất tập trung, chế biến 

Theo Sở NN-PTNT Đăk Nông, cây ăn quả ở địa phương phát triển mạnh nhưng chủ yếu phát triển tự phát. Đầu ra sản phẩm chủ yếu là xuất tươi và thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là Trung Quốc.

“Ngày trước, việc xuất nông sản qua Trung Quốc dễ nhưng giờ khó hơn do họ siết chặt các tiêu chuẩn về chất lượng.

Do vậy, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ hướng dẫn người dân thực hiện quy trình canh tác đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu thị trường này.

Hơn nữa, tỉnh cũng sẽ hướng đến các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm hiểu các thị trường khác ngoài Trung Quốc.

Đặc biệt không bỏ thị trường nội địa lớn như TP.HCM và các khu kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đăk Nông chia sẻ và cho biết thêm, tỉnh đang đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong đó cây ăn quả cũng là nhóm sản phẩm để đưa vào OCOP.

Về góc độ phát triển bền vững, ngành nông nghiệp xác định trồng xen có hiệu quả cao, giúp nông dân tránh rủi ro nên hướng dẫn người dân thực hiện.

Tỉnh Đăk Nông đang hướng đến xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái để phát triển bền vững. Ảnh: NK.

Tỉnh Đăk Nông đang hướng đến xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái để phát triển bền vững. Ảnh: NK.

Trước những diễn biến của thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh này xác định giữ vững diện tích cây hồ tiêu ở vào khoảng 27 nghìn ha và cà phê khoảng 123 nghìn ha.

Đối với cây ăn trái, địa phương thực hiện tăng dần diện tích để đến năm 2020 toàn tỉnh đạt trên 12 nghìn ha, trong đó có 8 nghìn ha cây cho thu hoạch với năng suất trung bình 10 tấn/ha. Định hướng đến năm 2030, tổng diện tích cây ăn trái tăng lên 19 nghìn ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 13 nghìn ha với tổng sản lượng ở vào khoảng 260 nghìn tấn.

UBND tỉnh Đăk Nông cũng xác định, để phát triển cây ăn trái có hiệu quả và bền vững, tỉnh sẽ hình thành các vùng tập trung.

Trong đó, vùng trồng sầu riêng sẽ tập trung ở thị xã Gia Nghĩa, huyện Đăk Mil. Các loại cây ăn trái có múi sẽ tập trung ở các huyện như Đăk Glong, Đăk Song, thị xã Gia Nghĩa. Phát triển vùng xoài ở những nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu hợp giống này như Đăk Mil còn chanh dây tập trung sản xuất ở các huyện Đăk R’lấp, Đăk Glong, thị xã Gia Nghĩa. Phát triển cây bơ ở Tuy Đức, Krông Nô, Đăk Song, Đăk Mil…

Một cán bộ Sở NN-PTNT cho biết, ngành nông nghiệp đang tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức hình thành sản xuất theo hình thức kinh tế hợp tác và liên kết.

Hình thức này là xu thế hiện nay và nó góp phần thúc đẩy các chuỗi giá trị nông sản. Ngành nông nghiệp và chính quyền cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp, tổ hợp tác… đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản để hướng đến đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.

TS Trương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên: Diện tích cây ăn quả tại các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua tăng mạnh dẫn đến nguy cơ dư thừa sản lượng khiến giá có thể giảm trong thời gian tới.

Do vậy, để cây ăn quả phát triển bền vững thì phải gắn với thị trường tiêu thụ nhất là hướng đến xuất khẩu.

Muốn vậy, các địa phương phải có quy hoạch tổng thể diện tích cây ăn quả bao nhiêu là phù hợp, bao nhiêu diện tích trồng xen, bao nhiêu diện tích trồng thuần, xây dựng các vùng cây ăn quả đạt chuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng các nhà máy chế biến, bảo quản...

Xem thêm
Ông Trần Mạnh Dũng làm Bí thư Thành ủy Nha Trang

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa được điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hải Phòng khởi công cầu Nguyễn Trãi hơn 6 nghìn tỷ đồng

Cầu Nguyễn Trãi là dự án trọng điểm, hứa hẹn thay đổi diện mạo đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.