Theo Sở Y tế tỉnh Đăk Nông, hiện tại, địa phương đã ghi nhận 12 trường hợp ở các huyện Krông Nô và Đăk Glong dương tính với bệnh bạch hầu.
Trong đó 1 trẻ em là Sùng Thị Hoa (9 tuổi, dân tộc Mông, ngụ xã Quảng Hòa, Đăk Glong) đã tử vong. Các địa điểm bùng phát dịch được xác định cách xa nhau nhưng đều có điểm chung là xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc Mông.
Điểm bùng phát dịch mới nhất ở Đăk Nông là xã Quảng Hòa và Đăk R’măng (huyện Đăk Glong). Tại những địa phương này, ngành y tế đã phối hợp cùng chính quyền địa phương thiết lập các tổ phản ứng nhanh, tổ chức chốt chặn để phòng ngừa sự lây lan. Có khoảng 400 nhân khẩu tiếp xúc gần với bệnh nhân ở xã Quảng Hòa và 300 nhân khẩu ở xã Đăk R’măng đang được cách ly.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Đăk Nông phải cách ly 1.200 người (ở 2 huyện Krông Nô và Đăk Glong) có tiếp xúc gần với các bệnh nhân.
Ngành y tế Đăk Nông cũng phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan chức năng tổ chức các biện pháp khử trùng khu vực bùng phát dịch bệnh, rà soát nguồn lây nhiễm để thực hiện các biện pháp ngăn chặn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã cấp 10.000 liều vắcxin uốn ván - bạch hầu giảm liều cho tỉnh Đăk Nông để tiêm cho nhóm người từ 7-40 tuổi ở khu vực bùng phát dịch.
Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, ngành y tế đã cắt cử trên 50 cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện... tham gia công tác phòng chống dịch.
Hàng loạt trang thiết bị, phương tiện cùng thuốc men, vật tư hóa chất cũng được tăng cường về vùng dịch để kịp thời phòng chống dịch. Cũng theo bà Hạnh, hiện tại, công tác điều tra, xác minh, truy vết nguồn lây lan dịch bệnh đang được triển khai.
Các trường hợp dương tính với dịch bệnh lẫn người thuộc phạm vi nghi nhiễm đều đã được chuyển đến điều trị tại các Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đăk Nông và Bệnh viện vùng Tây nguyên. Đối với các trường hợp có tiếp xúc gần với các ca bệnh, ngành y tế tổ chức điều trị dự phòng bằng thuốc kháng sinh đặc hiệu trong vòng từ 5-7 ngày.
“Đây là ổ dịch bạch hầu xuất hiện đầu tiên kể từ ngày thành lập tỉnh đến nay. Các ổ dịch xảy ra tập trung đa số ở đồng bào người H’mông tại vùng sâu vùng xa, đi lại rất khó khăn. Đa số ở đồng bào người H’mông có sự hiểu biết về bệnh, cách phòng chống bệnh và ý thức tự bảo vệ sức khỏe cũng như hiểu biết về tiêm chủng mở rộng rất hạn chế”, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết.
Cũng theo bà Hạnh, ngay từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên, UBND tỉnh Đăk Nông đã chỉ đạo trực tiếp cho ngành y tế phối hợp cùng chính quyền địa phương nơi xảy ra dịch bệnh để triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch.
Tỉnh Đăk Nông cũng có công văn chỉ đạo ngành y tế và chính quyền địa phương tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát và hướng dẫn người dân vệ sinh, xử lý môi trường. Công tác phòng chống dịch bước đầu mang lại hiệu quả khi các ổ dịch cơ bản được khống chế, không lây lan ra cộng đồng.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết: “Hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh Kế hoạch phòng chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn”.
UBND tỉnh Đăk Nông cũng yêu cầu chính quyền các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người thực hiện công tác vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế đến các ổ dịch mà ngành y tế đã thông báo để tránh sự lây lan.
UBND tỉnh Đăk Nông đang thực hiện các biện pháp tuyên truyền đến người dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh bạch hầu và các dấu hiệu nhận biết dịch bệnh. Tỉnh này cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc sử dụng vắc xin phòng ngừa dịch bệnh lẫn các biện pháp phòng chống bệnh tại gia đình và cộng đồng…
Trong tuần tới, địa phương này sẽ tổ chức tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu để chống dịch cho toàn bộ người dân ở độ tuổi từ 7-40 tuổi tại các xã ghi nhận ca bệnh.