Ngày 18/5, UBND tỉnh Hải Dương cùng Bộ Công thương, Bộ NN-PTN đã tổ chức sự kiện mở vườn hái vải và cắt băng khởi động xuất khẩu vải Hải Dương vụ thu hoạch năm 2021 sang các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, Singapore…
Sự kiện diễn ra tại vùng vải tập trung, đạt tiêu chuẩn VietGAP và đã được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang nhiều thị trường tại thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang (huyện Thanh Hà, Hải Dương).
Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương.
Vui vì được mùa nhưng lo nhất dịch Covid
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, sự kiện đã được tổ chức nhanh, gọn, hạn chế số lượng đại biểu tham dự và triển khai chặt chẽ các biện pháp y tế trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ghi nhận tại vùng vải xã Thanh Quang (huyện Thanh Hà), hiện các diện tích vải chín sớm nhất với các giống như vải trứng trắng, trứng gai, đã bước vào vụ thu hoạch, các giống vải trà trung như u hồng, u thâm, lai Thanh Hà hiện đang giai đoạn đẫy cùi, có thể thu hoạch trong khoảng 10-15 ngày tới.
Riêng trà vải thiều chính vụ, dự kiến sẽ thu hoạch rộ từ khoảng sau ngày 10/6/2021. Theo đánh giá của người trồng vải ở Thanh Hà, năm nay là năm vải đậu quả sai, được mùa lớn.
Bà Nguyễn Thị Đào, thôn Thanh Lanh (xã Thanh Quang, Thanh Hà), chủ vườn vải được chọn để tổ chức sự kiện mở vườn hái vải phấn khởi cho biết: Với diện tích vải khoảng hơn 1 mẫu, gồm nhiều giống vải khác nhau như vải trứng, vải u hồng, vải lai, vải thiều…, năm nay thời tiết thuận lợi, không chỉ vườn gia đình bà mà hầu hết các hộ trong vùng vải đều ra quả rất sai, năng suất dự kiến tăng từ 20-30% so với năm 2020.
"Mọi năm, 1 mẫu vải của gia đình trung bình thu được 4-5 tấn quả, tuy nhiên năm nay dự kiến có thể cho sản lượng khoảng 6 tấn quả. Hiện giá bán vải trứng đầu vụ đang giao động khoảng 26-30 nghìn đồng/kg tùy loại, giảm nhẹ so với đầu vụ năm trước", bà Đào cho biết.
Chị Nguyễn Thị Nụ, chủ cơ sở thu mua, xuất khẩu vải lớn tại xã Thanh Thủy (huyện Thanh Hà) đánh giá: Đây là năm mà vải Thanh Hà được mùa lớn so với những năm gần đây. Do được mùa nên bà con đều tập trung chăm sóc vườn rất chu đáo, giúp mẫu mã vải năm nay cũng rất sáng đẹp, đồng đều, ít sâu bệnh so với mọi năm.
Chị Nụ cho biết, cơ sở thu mua của chị đã bắt đầu mở cửa mua vải từ khoảng gần 1 tuần nay, dự kiến cả vụ sẽ thu mua khoảng 200 tấn vải. Hiện cơ sở thu mua, đóng gói của chị cũng đã được các cơ quan của huyện Thanh Hà và Sở NN-PTNT Hải Dương hỗ trợ cấp mã số cơ sở đóng gói, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, sẵn sàng các vật tư như thùng xốp, túi ni-lon, đá lanh… để bước vào vụ thu mua, xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Lào và thị trường nội địa tại TP. HCM.
Hiện mới chỉ có giống vải trứng, vải u hồng chín sớm đầu vụ nên lượng thu mua chưa nhiều. Một số đơn hàng đầu tiên của chị Nụ xuất sang Lào cũng đã tới nơi. Một vài container vải đầu vụ hiện cũng đã xuất sang Trung Quốc khá thuận lợi, chưa gặp khó khăn.
“Giá vải đầu mùa, thuộc giống u hồng, trứng gai chúng tôi đang mua cho bà con bình quân từ 26-28 nghìn đồng/kg, nhìn chung tương đương với thời điểm đầu mùa như mọi năm. Tuy nhiên, cái chúng tôi lo nhất vẫn là tình hình dịch bệnh Covid-19, mong sao đừng phức tạp thêm để xe vận chuyển có thể ra vào Hải Dương cũng như xuất khẩu, tiêu thụ nội địa được thông suốt”, chị Nụ bày tỏ.
Khai thác thị trường nội địa
Cùng với nhiều doanh nghiệp tham gia tiêu thụ, xuất khẩu vải, năm nay Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (Công ty Rồng Đỏ) cho biết đã có kế hoạch thu mua khoảng 300 - 500 tấn vải tại vùng vải Thanh Hà (Hải Dương) để xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Úc.
Anh Bùi Bảo Toàn, phụ trách kỹ thuật của Công ty Rồng Đỏ cho biết: Hiện nay, các vùng trồng vải tại Thanh Hà đã được Cục BVTV, Sở NN-PTNT hỗ trợ các doanh nghiệp rất lớn trong việc cấp mã số vùng trồng, quản lý vùng trồng, hướng dẫn kỹ thuật theo quy trình.
Đầu vụ thu hoạch năm nay, các vùng vải được cấp mã số đã được lấy mẫu kiểm tra và đều đạt các yêu cầu kỹ thuật để xuất khẩu. Đối với thị trường Nhật Bản và Úc, hiện nay doanh nghiệp khá thuận lợi vì đã có các cơ sở xử lý xông hơi, khử trùng bằng Metyl Bromide ngay tại Thanh Hà (Hải Dương).
Riêng thị trường Mỹ, doanh nghiệp hiện vẫn phải chuyển vải vào TP. HCM để chiếu xạ trước khi xuất khẩu nên khó khăn hơn, chi phí phát sinh thêm.
Bên cạnh thị trường xuất khẩu, năm nay, Công ty Rồng Đỏ cũng triển khai đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa tại Hà Nội và TP. HCM thông qua kênh bán hàng qua sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazado, Voso…
Tại các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, vải chuyển về kho tổng của Công ty Rồng Đỏ, sau đó công ty cam kết sẽ chuyển tới tận tay khách hàng muộn nhất trong vòng 2 tiếng sau khi khách hàng đặt mua qua sàn giao dịch điện tử.
"Hiện nay, các giống vải chín sớm như vải trứng trắng đang được công ty thu mua cho bà con với giá 60 nghìn đồng/kg, vải trứng gai trung bình 26-28 nghìn đồng/kg… theo giá thị trường. Lượng bán qua sàn giao dịch thương mại điện tử bước đầu đang rất tốt. Chúng tôi lo nhất vẫn là tình hình dịch bệnh Covid-19. Nếu diễn biến phức tạp, xe không vào Hải Dương để chuyển hàng đi được thì sẽ rất khó khăn cho tiêu thụ”, anh Bùi Bảo Toàn ái ngại.
Tới dự sự kiện mở vườn hái vải, cắt băng khởi động xuất khẩu vải Hải Dương và Hội nghị Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, mặc dù đối mặt với khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, Hải Dương đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng các phương án, kịch bản cho việc tiêu thụ, xuất khẩu vải trong vụ thu hoạch năm 2021.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, có nguy cơ đứt gãy hoạt động thương mại nông sản do dịch bệnh Covid-19, Hải Dương cũng như các bộ ngành, địa phương cũng đã và đang chủ động triển khai các giải pháp thích ứng, chuyển từ thương mại trực tiếp sang thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào kết nối tiêu thụ, xuất khẩu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thời gian tới, Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Công thương, các bộ ngành liên quan sẽ có các giải pháp cho tiêu thụ, xuất khẩu nông sản nói chung nhằm hạn chế, khắc phục được những rủi ro, sự cố thị trường.
Đối với vùng vải Hải Dương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, tỉnh cần sáng tạo kết hợp khai thác giữa tiềm năng kinh tế với tiềm năng du lịch sinh thái, đảm bảo hài hòa cả yếu tố môi trường, xã hội…
Tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Do dịch bệnh Covid-19, Bộ Công thương đã linh hoạt kết hợp hội nghị giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội nghị đã có sự tham dự của 31 đầu cầu quốc tế, trong đó có 21 thương vụ Việt Nam tại các nước và cơ quan thương mại của nhiều nước, trong đó có nhiều thị trường trọng điểm như Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…, cùng trên 200 đầu cầu trực tuyến là các doanh nghiệp đầu mối, tổ chức tiêu thụ, phân phối nông sản lớn.
Đây sẽ là cơ hội giao thương, kết nối tiêu thụ nông sản nói chung của tỉnh Hải Dương, nhất là tiêu thụ vải thiều trong vụ thu hoạch năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.