| Hotline: 0983.970.780

Vải thiều Hải Dương chinh phục các thị trường khó tính

Thứ Hai 17/05/2021 , 15:56 (GMT+7)

Cùng với đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa, Hải Dương đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều kế hoạch xuất khẩu vải thiều cho vụ thu hoạch sắp tới gần.

 30 - 35 nghìn tấn vải thiều sẵn sàng đi Trung Quốc

Ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, công tác xây dựng, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu, cũng như chuẩn bị các điều kiện về cơ sở xông hơi, khử trùng... đã được Sở NN-PTNT Hải Dương phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) chuẩn bị, triển khai sớm cuối năm 2020.

47 mã số vùng trồng vải tại Thanh Hà và TP Chí Linh (Hải Dương) với gần 8.000ha đã đảm bảo các điều kiện để xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Ảnh: Thanh Vân.

47 mã số vùng trồng vải tại Thanh Hà và TP Chí Linh (Hải Dương) với gần 8.000ha đã đảm bảo các điều kiện để xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Ảnh: Thanh Vân.

Xác định Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chủ lực đối với quả vải thiều của tỉnh Hải Dương, để đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của của thị trường nội địa cũng như thị trường Trung Quốc, năm 2021, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo tiếp tục duy trì 47 mã số vùng trồng tại Thanh Hà và TP Chí Linh, với gần 8.000ha. Tổng sản lượng vải ước 40 - 45 ngàn tấn (chiếm trên 75% tổng sản lượng vải toàn tỉnh).

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo huyện Thanh Hà, TP Chí Linh và các đơn vị trực thuộc tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho 100% nông dân sản xuất tại các vùng trồng đã được cấp mã số và ghi chép nhật ký theo quy trình VietGAP.

Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV và thanh tra chuyên ngành tăng cường đạo tạo, tập huấn cho các hộ kinh doanh trong vùng về quy định của VietGAP, của các nước nhập khẩu và các loại thuốc BVTV được phép sử dụng, phù hợp theo từng thị trường để các hộ kinh doanh lựa chọn loại thuốc phù hợp, tư vấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.

Về mã cơ sở đóng gói, đến năm 2021, toàn tỉnh có 70 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số đóng gói xuất khẩu đi Trung Quốc, đủ phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu đi Trung Quốc. Các cơ sở đóng gói chủ yếu tập trung ở huyện Thanh Hà.

Đến nay, các điều kiện về kho bãi tập kết thu mua, cơ sở làm đá, sản xuất hộp xốp, băng dính… đã bắt đầu hoạt động.

Các đầu mối thu mua, xuất khẩu đi Trung Quốc tại Hải Dương đã sẵn sàng kế hoạch thu mua từ 30 - 35 ngàn tấn vải thiều, xuất khẩu đi Trung Quốc qua biên giới đường bộ (ước chiếm khoảng trên 50% tổng sản lượng vải toàn tỉnh).

Một số cơ sở tư nhân trên địa bàn huyện Thanh Hà đã đóng vải xuất khẩu đi Trung Quốc từ ngày 8/5/2021.

Thuận đường đi Nhật

Bên cạnh thị trường chủ lực Trung Quốc, đến thời điểm này, Hải Dương cũng đã chuẩn bị kỹ các phương án tổ chức sản xuất và tiêu thụ nhằm khai thác các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, Đông Nam Á...

Cụ thể đối với thị trường Nhật Bản, năm 2021, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo huyện Thanh Hà và TP Chí Linh tiếp tục triển khai, thực hiện 500 ha trên diện tích, với 45 mã số vùng trồng (tại huyện Thanh Hà 35 mã số và TP Chí Linh 10 mã số), với trên 4.000 hộ nông dân tham gia.

Đến thời điểm này, vải tại các vùng được cấp mã số đang được kiểm soát tốt, một số vườn cực sớm đã bắt đầu cho thu hoạch. Kết quả lấy mẫu, giám sát dư lượng thuốc BVTV của những trà vải sớm đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sở NN-PTNT cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ các các doanh nghiệp lắp đặt thêm 3 buồng hun trùng và 2 khu sơ chế đóng gói vải xuất khẩu vải thiều đi Nhật Bản, nâng tổng số buồng hun trùng vải của Hải Dương lên 4 buồng (cả nước có 5 cơ sở hun trùng được cấp phép).

Việc lắp đặt và thử nghiệm hiện đã hoàn thành và sẵn sàng cho xử lý vải xuất khẩu phục vụ xuất khẩu đi Nhật Bản. Sở NN-PTNT Hải Dương đã mời được 8 doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản (Ameii, Rồng Đỏ, Toàn Cầu, Bamboo, Hưng Việt, Thanh Hà, Gimex).

Hiện tại, các doanh nghiệp đã kết nối với vùng trồng, đăng ký đi thu mua với nông dân và phối hợp với Sở NN-PTNT giám sát theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Từ ngày 15-20/5, Công ty Ameii Việt Nam và Công ty Rồng Đỏ sẽ thu mua và xuất khẩu những chuyến vải đầu tiên đi Nhật Bản; các công ty khác dự kiến thu mua xuất khẩu sau ngày 18/5/2021 (thời điểm vải vào chính vụ).

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Dương kiểm tra quy trình đóng gói, cơ sở hun trùng chuẩn bị xuất khẩu vải sang thị trường Nhật Bản trong vụ thu hoạch tới. Ảnh: Thanh Vân.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Dương kiểm tra quy trình đóng gói, cơ sở hun trùng chuẩn bị xuất khẩu vải sang thị trường Nhật Bản trong vụ thu hoạch tới. Ảnh: Thanh Vân.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đang cùng với đơn vị tư vấn, hướng dẫn người dân ghi chép nhật ký sản xuất điện tử, chuẩn bị các điều kiện để đánh giá, cấp chứng nhận Globalgap cho 50 ha và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để các công ty đưa vải thiều có dán tem truy xuất nguồn gốc vào bán tại các siêu thị Nhật Bản từ những chuyến hàng đầu tiên.

Thời gian qua, Sở NN-PTNT Hải Dương cũng đã tham mưu UBND tỉnh, đề nghị Cục BVTV khẩn trương kiểm tra các điều kiện cần thiết về xông hơi khử trùng quả vải tươi phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cho các công ty có buồng hun trùng vải xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Kết quả, đến nay công tác sơ chế, bảo quản, xông hơi khử trùng 2 công ty trên địa bàn tỉnh đã được chuẩn bị đầy đủ, các điều kiện đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản.

Theo thông tin của Cục BVTV, đến nay, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho Cục BVTV của Việt Nam về giám sát công tác xông hơi khử trùng tại Việt Nam, nên việc xuất khẩu vải đi Nhật Bản sẽ thuận lợi hơn nhiều so với năm 2020.

Tổng sản lượng các doanh nghiệp Hải Dương dự kiến xuất khẩu sang Nhật Bản là 1.000 tấn.

Mở rộng thị trường tiềm năng

Với nhóm thị trường Mỹ, Úc, EU, Singapore, Thái Lan, EU và hệ thống siêu thị trên toàn quốc, Sở NN-PTNT Hải Dương đã rà soát, kiểm tra, phối hợp với Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) để cấp mới và duy trì 45 mã số vùng trồng (đi Mỹ, Úc) và 9 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Thái Lan năm 2021.

Các cơ sở đóng gói, xông hơi khử trùng tại Hải Dương đã sẵn sàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu trong vụ tiêu thụ năm 2021. Ảnh: Thanh Vân.

Các cơ sở đóng gói, xông hơi khử trùng tại Hải Dương đã sẵn sàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu trong vụ tiêu thụ năm 2021. Ảnh: Thanh Vân.

Tổng diện tích được cấp mã gồm 500ha tại Thanh Hà và TP Chí Linh. Tổng sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào nhóm thị trường này khoảng 10.000 tấn.

Đến thời điểm này, công tác chỉ đạo, giám sát vùng trồng đã được cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện làm tốt. Những mẫu vải đầu tiên đã được gửi đi phân tích, giám định dư lượng thuốc BVTV và đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 1 cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Úc, 1 cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Mỹ được cấp mã số; 1 cơ sở đóng gói vải xuất khẩu đi Thái Lan được cấp mã số; khoảng 10 cơ sở đóng gói vải tươi và cấp đông vải xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... và khoảng 20 đơn vị chuyên cung cấp vải chất lượng cao cho siêu thị và hệ thống nông sản sạch trên toàn quốc. Các cơ sở sơ chế, đóng gói đã sẵn sàng hoạt động cho mùa vải năm nay.

Đến thời điểm này, Sở NN-PTNT Hải Dương đã làm việc với Công ty Rồng Đỏ, Công ty Ameii Việt Nam, Công ty Thanh Hà nâng cấp và chuẩn bị cơ sở đóng gói, chuẩn bị vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng và sẵn sàng cho thu mua, sơ chế, đóng gói vải xuất khẩu đi các thị trường EU, Mỹ, Úc và Singapore.

Đây là năm vải Hải Dương được mùa, dự kiến trà chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ ngày 10/6. Ảnh: Thanh Vân.

Đây là năm vải Hải Dương được mùa, dự kiến trà chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ ngày 10/6. Ảnh: Thanh Vân.

Công tác quản lý, giám sát đối với 45 mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, Úc tại huyện Thanh Hà và TP Chí Linh hiện cũng đã sẵn sàng cho việc thu mua, xuất khẩu của doanh nghiệp.

Dự kiến, sản lượng xuất khẩu đi Mỹ, Úc, Singapore năm 2021 khoảng 1.000 tấn. Công ty Rồng Đỏ và Công ty Ameii Việt Nam dự kiến xuất khẩu vải đi Úc và đi Singapore từ 16 - 18/5.

Quản chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Nhằm đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu vải năm 2021 cũng như duy trì sản xuất bền vững, lâu dài, Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết trước mắt từ nay tới cuối vụ vải 2021, sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện (đặc biệt huyện Thanh Hà và TP Chí Linh) tuyên truyền hộ dân thực hiện nghiêm các quy định trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, đặc biệt sử dụng thuốc BVTV không vi phạm các hoạt chất cấm. Đảm bảo 500ha sản xuất vải, nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP, đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Sigapore, EU…; 50ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương là đơn vị thường xuyên được giao kiểm tra, giám sát, triển khai chặt chẽ các quy định trong xây dựng vùng trồng vải đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: Thanh Vân.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương là đơn vị thường xuyên được giao kiểm tra, giám sát, triển khai chặt chẽ các quy định trong xây dựng vùng trồng vải đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: Thanh Vân.

Chỉ đạo huyện Thanh Hà, TP Chí Linh lựa chọn loại thuốc BVTV có trong danh mục thuốc BVTV của Việt Nam và phù hợp với thị trường nhập khẩu để hướng dẫn chỉ đạo hộ kinh doanh, buôn bán vật tư thuốc BVTV trên địa bàn, cung ứng cho dân và huyện mua, cấp cho các hộ dân (trong mô hình) phun phòng trừ sâu bệnh trước khi thu hoạch để đảm bảo dư lượng BVTV.

Tiếp tục hướng dẫn, giám sát người kinh doanh thuốc về thời điểm phòng trừ sâu bệnh và thời gian cách ly thuốc BVTV để các hộ kinh doanh tư vấn, hướng dẫn lại người dân khi người dân đi mua thuốc BVTV. 

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương đánh giá, chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho các vùng sản xuấttrước khi thu hoạch vải để tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá, tiêu thụ vải.

Chỉ đạo cán bộ chuyên môn cấp huyện phụ trách các vùng sản xuất thường xuyên kiểm tra vùng trồng, khuyến cáo, hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại theo đúng quy trình; quán triệt tới hộ nông dân nghiêm túc tham gia, chấp hành sản xuất; sử dụng thuốc BVTV theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ, trung thực; tăng cường vệ sinh đồng ruộng, thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV, rác thải vô cơ đúng nơi quy định đặc biệt không được vứt bỏ bừa bãi; chỉ thu hoạch khi vải đủ độ chín và đảm bảo đúng thời gian cách ly.

Sở NN-PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (bán thuốc BVTV cấm, bán thuốc không có trong danh mục, hướng dẫn nông dân phối trộn nhiều thuốc, làm tăng nồng độ, liều lượng) làm ảnh hưởng đến chất lượng vải, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu…

Đối với thị trường Thái Lan, Trung Đông, Malaysia: Năm 2021, toàn tỉnh có 7 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Thái Lan, diện tích 100ha và khoảng 400ha đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Sigapore, Thái Lan, Trung Đông. Sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhóm thị trường này 800 - 1.000 tấn.

Sở NN-PTNT đã mời nhiều doanh nghiệp lớn xuất khẩu đi Sigapore, Thái Lan, Trung Đông (Ameii, Rồng Đỏ, Hưng Việt, Thanh Hà, Central Retail...) kết nối và bàn biện pháp tiêu thụ.

Nhiều doanh nghiệp đã về khảo sát vùng trồng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xuất khẩu vải đi Singapore, Trung Đông, Thái Lan từ 20 - 25/5 trong thời gian sớm nhất.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.