Phun dấm gỗ sinh học Biffaen phòng trị mọt đục quả cà phê hiệu quả |
TS Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng bộ môn BVTV, WASI cho biết, thời điểm quả cà phê bị sâu mọt tấn công thường xuất hiện vào tháng 10, khi cà phê già và bắt đầu chín, làm ảnh hưởng đến năng suất. WASI đã tiến hành khảo nghiệm dùng chế phẩm sinh học Biffaen của Cty CP Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định để phòng trừ. Địa điểm thực hiện khảo nghiệm là lô cà phê 7 năm tuổi đang trong giai đoạn kinh doanh của bà Huỳnh Thị Kim Thương, xã Hòa Thắng, TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk.
Đây là khu vực chuyên canh cà phê và thường bị sâu mọt đục quả. Điều kiện khảo nghiệm chưa sử dụng bất kỳ loại thuốc sinh học hay hóa học nào để phòng trừ. Phương pháp khảo nghiệm diện rộng, không lặp lai, bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 3 công thức, mỗi công thức từ 30 – 40 cây. Thời điểm xử lý thuốc khi có các quả xanh già hoặc chín bói bị mọt đục quả gây hại từ 1 - 2 quả/chùm và đang có xu hướng phát triển mạnh. Số lần xử lý thuốc là 3 lần cách nhau 7 ngày, lượng dung dịch tưới 2 lít/cây với nồng độ dấm gỗ 1%, 2% và 3%.
Theo TS Nguyễn Xuân Hòa, trước khi sử dụng dấm gỗ sinh học Biffaen phun cà phê thì tỷ lệ chùm quả bị mọt đục quả/cành từ 26 – 28% và tỷ lệ này tăng ở tất cả các công thức khảo nghiệm. Sau 36 ngày xử lý, công thức đối chứng có tỷ lệ chùm quả bị nhiễm mọt cao nhất với tỷ lệ 59,49%, công thức dấm gỗ 3% đạt tỷ lệ thấp nhất 44,13%.
Trước khi xử lý, tỷ lệ số quả cà phê bị mọt đục từ 13,57 – 15,98%, tỷ lệ này tăng dần qua các kỳ theo dõi và tăng cao thời kỳ cuối cùng khi cà phê bước vào giai đoạn quả chín. Kết quả khảo nghiệm cho thấy tại công thức có nồng độ xử lý dấm gỗ càng cao thì mức tăng quả bị nhiễm mọt càng thấp (chỉ bị 23,64%) đối với nồng độ dấm gỗ 3%, trong khi đó tỷ lệ bị mọt ở công thức đối chứng lên tới 46,96%. Hiệu lực phòng trừ của dấm gỗ đạt cao nhất tại thời điểm sau xử lý 14 ngày là 56,88%.
Để đánh giá về sự sinh trưởng và phát triển của mọt đục quả gây hại cà phê, các nhà khoa học đã thu hái 50 quả bị mọt gây hại trong các ô công thức khảo nghiệm để đánh giá số lượng, sự sinh trưởng của ấu trùng và con trưởng thành trong quả, hạt. Trước xử lý bằng dấm gỗ, tổng số mọt gây hại dao động từ 67 - 160 con. Tại các công thức có xử lý thuốc, số mọt gây hại giảm mạnh so với trước xử lý và đối chứng.
Tại công thức dấm gỗ có nồng độ 3% thì sau 36 ngày số mọt giảm xuống còn 59 con, trong khi số mọt tăng lên 275 con tại mô hình đối chứng. Hiệu lực phòng trừ mọt đạt 84,98% ở công thức dấm gỗ 3% và đạt 78,64% ở công thức dấm gỗ 2%.
Trước xử lý số lượng ấu trùng gây hại cao hơn số lượng mọt trưởng thành gây hại. Tại công thức dấm gỗ 3%, trước xử lý ấu trùng có 135 con/50 quả cà phê, sau 36 ngày số ấu trùng giảm xuống còn 34 ấu trùng, trong khi đó mô hình đối chứng trước xử lý có 87 con/50 quả cà phê, sau 36 ngày số ấu trùng tăng lên 224 con. Vì vậy công thức dấm gỗ 3% cho hiệu lực phòng trừ cao nhất, đạt 90,22%. Đây là mức hiệu lực lý tưởng đối với hiệu quả của việc xử lý bằng chế phẩm sinh học.
"Năng suất là tiêu chí để đánh giá hiệu quả của dấm gỗ trong quản lý mọt gây hại quả. Hiệu quả tiêu diệt mọt, ấu trùng trong quả cà phê từ dấm gỗ sinh học Biffaen đã giúp năng suất và chất lượng cà phê tăng lên đáng kể. Năng suất quả tươi trung bình tại các công thức xử lý thuốc đạt 11,3 – 13,4 kg/cây, tương đương với 12,55 – 14,89 tấn quả tươi/ha. Như vậy xử lý mọt bằng dấm gỗ ở nồng độ 2 – 3% có thể làm tăng năng suất cà phê từ 14 – 18% so với đối chứng. Đặc biệt sản phẩm dấm gỗ sinh học Biffaen không gây ra triệu chứng cây cà phê bị ngộ độc. Cà phê trong vườn khảo nghiệm sinh trưởng và phát triển bình thường", TS Nguyễn Xuân Hòa. |