Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng sau 3 năm tái cơ cấu Đạm Hà Bắc vẫn duy trì tối đa hoạt động của nhà máy, đảm bảo đời sống cho cán bộ công nhân viên. |
Kết quả thực hiện phương án 3 năm
Tổng giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc chia sẻ, sau khi phương án sản xuất kinh doanh 3 năm (2018 - 2020) được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phê duyệt, Công ty đã chủ động nỗ lực tiến hành các giải pháp để duy trì ổn định sản xuất, tạo sự yên tâm về tinh thần cho người lao động, tạo công ăn việc làm duy trì cuộc sống, đưa Công ty từng bước vượt qua khó khăn.
Đến nay, cán bộ và công nhân kỹ thuật đã từng bước làm chủ công nghệ, nâng dần năng lực sản xuất của dây chuyền, công suất huy động từ 85 - 90% so với công suất thiết kế. Các định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu đều thấp dưới định mức bảo đảm của dự án và dưới định mức chạy nghiệm thu 72 giờ. Sản phẩm đạt chất lượng tốt, an toàn môi trường được bảo đảm.
Để tiết giảm chi phí, Công ty đã tập trung thực hiện các giải pháp như: giảm định mức tiêu hao, các vật tư đầu vào hầu hết được mua với giá cạnh tranh thông qua hình thức đấu thầu hoặc chào giá cạnh tranh.
Về thị trường: Sản lượng sản xuất tăng hơn 2,5 lần so với trước đây, trong điều kiện thị trường cạnh tranh gay gắt nhưng do Công ty đã chủ động làm thị trường, xây dựng được hệ thống các nhà phân phối nên hàng sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Thương hiệu Đạm Hà Bắc ngày càng uy tín với người tiêu dùng.
Về tài chính: Trong điều kiện tài chính khó khăn do dòng tiền cho sản xuất kinh doanh thường xuyên mất cân đối, Công ty đã chủ động tiến hành mọi biện pháp để huy động cân đối dòng tiền từ giãn thời gian thanh toán tiền mua vật tư đến áp dụng ứng trước tiền từ các nhà phân phối và các công cụ tài chính khác.
Về tổ chức lao động: Doanh nghiệp cũng đã tiến hành sắp xếp tinh giản lại tổ chức, giảm số đơn vị đầu mối trực thuộc từ 31 đơn vị còn 26 đơn vị, mặc dù sản lượng tăng gấp 2,5 lần nhưng số lao động lại giảm từ 1.900 lao động xuống còn 1.250 lao động. Công ty luôn bảo đảm việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động.
Đạm Hà Bắc cần những hộ trợ mang tính tổng thể để việc tái cơ cấu sớm đạt hiệu quả, duy trì sản xuất, ổn định thị trường phân bón trong nước. |
Gánh nặng chi phí tài chính
Dù tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên trong Công ty đã nỗ lực tối đa, song do có quá nhiều nguyên nhân khách quan bất lợi nên đến thời điểm này Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ mà nguyên nhân chủ yếu do chi phí tài chính quá lớn.
Chi phí tài chính hiện chiếm khoảng 1/3 doanh thu của Đạm Hà Bắc do lãi chồng lãi, lãi suất vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) quá cao, thời hạn trả vay đầu tư ngắn, trong bối cảnh giá bán giảm, Công ty không trả được nợ gốc theo tiến độ nên phát sinh lãi phạt quá cao, nếu không được cơ cấu lại nợ và lãi vay sẽ rất khó để tiếp tục duy trì sản xuất.
Bên cạnh đó, giá than đầu vào tăng cao so với thời điểm lập phương án sản xuất kinh doanh 3 năm (than 4a.1 tăng 10,3%, than 5a.1 tăng 8,8%). Không những vậy, giá than, nguyên nhiên liệu sản xuất chủ yếu đã tăng cao, đến nay than 4a.1 tăng thêm 200.000 đ/tấn, 5a.1 tăng thêm 149.000 đ/tấn (so với năm 2018) làm chi phí sản xuất kinh doanh của Công ty tăng thêm gần 150 tỷ đồng/năm so với kế hoạch. Lượng than do TKV cung cấp từ tháng 4/2018 thường xuyên không đủ, độ ẩm vượt mức cho phép làm gia tăng định mức tiêu hao.
Đặc biệt, Luật thuế 71/2014/QH13 chưa được Quốc hội sửa đổi gây bất lợi kép, do vừa không được hoàn thuế đầu vào vừa giảm sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.
Tổng Giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho biết, các kiến nghị của Công ty với Chính phủ và các cơ quan ban ngành đến nay chưa được giải quyết làm cho mục tiêu thoát lỗ theo phương án càng khó khăn thêm.
Do đó, để việc tái cơ cấu sớm đạt hiệu quả, bền vững, Ban lãnh đạo Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho VDB điều chỉnh lãi suất tất cả các khoản vay của Hợp đồng tín dụng số 45/2008/HĐTDĐT-NHPT từ lãi suất vay vốn bình quân 10,78%/năm (các khoản dư nợ đang áp dụng lãi suất từ 8,55%/năm đến 12%/năm) về lãi suất phù hợp theo mặt bằng chung.
Nhà máy Đạm Hà Bắc hiện đang phải gánh chi phí tài chính quá lớn khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị kém hiệu quả. |
Kiến nghị kéo dài thời hạn vay của Hợp đồng tín dụng từ 12 năm lên thành 30 năm cho tất cả các khoản vay trên cơ sở dòng tiền thực tế theo phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo khả năng trả nợ.
Công ty cũng kiến nghị xếp hạng tín dụng Công ty ở nhóm 1 hoặc áp dụng cơ chế đặc thù không xếp hạng tín dụng từ năm 2019 đến hết năm 2025 để Công ty có điều kiện tiếp cận các khoản vốn vay ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng phục vụ hoạt động SX-KD.
Kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính chấp thuận cho Công ty được tiếp tục giãn khấu hao 50% giá trị tài sản cố định từ năm 2020 đến năm 2025. Phần giá trị giãn khấu hao sẽ được phân bổ vào những năm còn lại của tài sản cố định.
Đặc biệt, Công ty kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi luật thuế 71/2014/QH13 theo hướng đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng điều chỉnh của Luật thuế giá trị gia tăng với thuế suất là 0% ÷ 5%.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, nếu các kiến nghị trên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Đạm Hà Bắc sẽ thực hiện để trả nợ đối với khoản vay của VDB và các khoản vay tín dụng dài hạn khác theo phương án tái cơ cấu được duyệt. Công ty sẽ duy trì ổn định sản xuất dần từng bước vượt qua khó khăn, kinh doanh có hiệu quả. Trong trường hợp tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, Công ty sẽ cân đối dòng tiền thực tế để trả nợ trước hạn theo phương án được duyệt. |