| Hotline: 0983.970.780

Đàm phán để đưa khoai lang, sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc

Thứ Sáu 20/12/2019 , 10:34 (GMT+7)

Để giám sát chặt chẽ ATTP, Trung Quốc đã cử chuyên gia sang Việt Nam, trực tiếp kiểm tra, đánh giá các vùng trồng đối với các loại nông sản xuất khẩu chính ngạch.

Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết: Trong nhiều năm qua chúng ta đã thực hiện xuất khẩu chính ngạch nhiều loại rau, quả sang thị trường các nước, trong đó có cả các nước phát triển.

Còn riêng đối với thị trường Trung Quốc, chúng ta xuất khẩu cả chính ngạch và cả tiểu ngạch. Gần như loại nông sản nào của chúng ta cũng có thể xuất khẩu được.

Tuy nhiên, từ năm 2015 Trung Quốc ban hành Luật An toàn thực phẩm và thực hiện nghiêm các biện pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa của các nước nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Theo đó, các mặt hàng rau quả muốn xuất khẩu sang Trung Quốc phải được Trung Quốc cho phép và tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Hồ sơ về các lô hàng xuất khẩu phải đầy đủ thông tin về truy xuất nguồn gốc như mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến đóng gói, tem nhãn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc.

Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) trong buổi tọa đàm "Lấy lại đà cất cánh cho rau quả tại thị trường Trung Quốc" do Báo NNVN tổ chức.

Ngoài 9 sản phẩm đã được Trung Quốc cho phép xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các đơn vị thuộc Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao để tiếp tục làm việc với Trung Quốc, mở cửa thị trường đối với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như thạch đen, sầu riêng, khoai lang.

Ông Nguyễn Quý Dương cho biết, hiện nay, cơ quan chức năng hai bên đã đi đến những bước cuối cùng trong tiến trình đàm phán cũng như chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, hi vọng đến năm 2020 có thể ký được Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch các loại nông sản này. Đây là các loại trái cây, sản phẩm mà người dân Trung Quốc cực kỳ ưa chuộng.

Trước đó, từ tháng 5/2018, sau khi nhận được thông tin về việc Trung Quốc sẽ sớm siết chặt hoạt động thương mại biên mậu qua biên giới Việt - Trung, Cục Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT ban hành công văn 3906 hướng dẫn các tỉnh/thành, các nhà vườn và cơ sở đóng gói xuất khẩu biết được các định mới của Trung Quốc về thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cũng đã chủ trì hai hội nghị ở phía Nam và phía Bắc để phổ biến các quy định mới của các nước phát triển, trong đó có Trung Quốc.

Qua đó nhiều địa phương đã nắm bắt thông tin và triển khai các nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, nhất là Trung Quốc. Vừa qua, một số nông sản thế mạnh của Sơn La cũng đã xuất khẩu được các lô hàng chính ngạch sang Trung Quốc.

“Chúng tôi luôn phải nói đi nói lại nhiều lần rằng Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa, mà là thị trường khó tính. Họ giám sát rất chặt chẽ, chính vì thế chúng ta phải làm sao truyền thông để thay đổi nhận thức từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, đến người dân để phối hợp rất chặt chẽ”, ông Nguyễn Quý Dương nhấn mạnh.

Sầu riêng đang được đàm phán để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đối với các lô hàng mà Trung Quốc thông báo có vấn đề về chất lượng và không đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp để truy xuất nguồn gốc của lô hàng, phân tích nguyên nhân tại sao lại xảy ra sự việc như vậy.

Ông Nguyễn Quý Dương chia sẻ, một trong những vướng mắc hiện nay là doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng thu mua sản phẩm được một lượng hàng nhất định với một địa phương, một hợp tác xã.

Ví dụ, HTX này chỉ có khả năng kiểm soát an toàn thực phẩm của 1.000 tấn, nhưng nhu cầu của đối tác nhập khẩu nước ngoài  cần tới 3.000 - 4.000 tấn, doanh nghiệp phải thu mua ở nhiều nơi khác, dẫn đến mất kiểm soát và không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Do đó, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương đẩy mạnh chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, liên kết theo chuỗi để đảm bảo sản xuất nông sản chất lượng cao, không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của gần 100 triệu người dân Việt Nam.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất