Từ trung tâm xã miền núi Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đến bản Sắt chừng 10km. Do bản ở giữa lòng chảo của xung quanh bốn bề núi bao bọc nên vào mùa mưa lũ thường xuyên bị ngập lụt.
Ông Nguyễn Linh (người già của bản đã hơn 80 tuổi), kể lại, hồi trước cứ mưa là lụt về. “Những năm lụt to, ngập cả nhà sàn thì bà con dắt díu nhau chạy lên núi mà tránh lũ. Có nhà không kịp mang theo cái ăn, không có lán che nên phải ăn nhờ với nhà người khác. Khổ lắm”, ông Linh nhớ lại.
Trận lũ lịch sử cuối năm 2020, đã nhấn chìm cả bản trong biển nước. Bà con lại kéo nhau chạy lên núi sau lưng bản. Núi xuất hiện những đường nứt toác, sâu hoắm và vết nứt kéo dài chỉ chờ sụp ngay xuống bản.
May mà lực lượng bộ đội Biên phòng Đồn Trường Sơn đã đưa lực lượng vượt lũ dựng lán dã chiến ở khu đồi đối diện qua vùng hồ nước lũ để đưa bà con tạm trú ở đó. Lương thực, thực phẩm, thuốc men, chăn màn… cũng đã được bộ đội băng rừng đưa đến cho bà con qua được những ngày lũ lớn.
Sau khi trận lũ đi qua, tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương triển khai xây dựng khu tái định cư bản Sắt với tiêu chí “an toàn, xanh - sạch - đẹp”. Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, khu đất được chọn chính là vùng đồi mà bà con được bộ đội đưa đến tránh lũ, tránh sạt lở lần trước.
“Khu tái định cư bản Sắt được quy hoạch khoảng 3ha và khá bằng phẳng. Bà con vừa có đất để sản xuất lúa nước, trồng rừng để có thu nhập, ổn định đời sống lâu dài”, ông Đức cho hay.
Với quyết tâm cao, nên đến giữa năm 2021, khu tái định cư bản Sắt đã nên hình hài và cuối năm đó bà con đã chuyển đến nhận nhà, sinh sống nơi vùng đất mới.
Tại khu tái định cư, có 34 căn nhà mới cho các hộ dân và một khu trường học được thiết kế 2 tầng. Đây cũng là công trình đa năng vừa là trường học, đồng thời cũng là nhà tránh lũ cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Muôn, Trưởng bản Sắt, hiện bản có 34 hộ với trên 150 nhân khẩu, đều là đồng bào Bru - Vân Kiều. “Trước đây, trong bản phần lớn cũng là nhà tạm bợ. Nay mọi người đều có nhà sàn kiểu mới khang trang, được quy hoạch theo hàng thẳng lối rất đẹp. Bà con cũng được tuyên truyền và tự giác làm vệ sinh, làm sạch sẽ đường đi lối lại nên bản luôn đẹp đó mà”, ông Muôn nói thêm.
Còn ông Nguyễn Linh thì mừng lắm. Từ lúc chuyển đến nhà mới, sinh sống ở khu định cư mới thì bà con trong bản đều rất an lòng. Khi về nhà mới, nhiều đơn vị, tổ chức tặng thêm cho bà con những bộ bàn ghế, nồi niêu, chăn màn…nên cuộc sống cũng đầy đủ hơn.
“Tháng trước cũng có mưa lũ lớn lắm. Nước cũng ngập hết ruộng nước dưới đó. Những khu bà con ở trên cao nên không còn lo lắng chi hết. Rồi bà con ai cũng chuẩn bị lương thực để nếu lũ cao quá thì lên ở tại ngôi nhà 2 tầng đó mà”, ông Linh nói tự tin.
Đã qua 3 mùa mưa bão, người dân bản Sắt đã vững tâm "an cư lạc nghiệp", không còn mang nỗi lo đè nặng bấy lâu. Bà con mở rộng diện tích canh tác lúa nước, nhận bảo vệ phát triển rừng, nuôi thêm con lợn, đàn gà… nên cuộc sống ngày càng khởi sắc.
Tuy nhiên, cuộc sống của bà con hiện tại vẫn còn gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Muôn, hiện bà con vẫn chưa có điện lưới phục vụ sinh hoạt, chưa có sóng điện thoại để tương tác với bên ngoài, với những điều văn minh…
Cũng theo Trưởng bản Muôn, con đường đi vào bản luôn ngập sâu bùn đất mỗi khi mưa xuống và ô tô, xe máy cũng không thể vào bản được. Có việc khẩn cấp thì bà con cũng chỉ lội bộ trên đôi chân của mình.
“Giá như bản được đầu tư con đường và kéo được điện lưới về thì bà con vui mừng biết bao và có điều kiện để phát triển kinh tế ngày càng ổn định”- Trưởng bản Sắt Nguyễn Văn Muôn hi vọng.