Mong mỏi những ngôi nhà mới
Thôn Tà Han, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) chênh vênh trên đỉnh núi, nhiều đời nay, người Mông ở đây lập ấp, bám bản xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cuộc sống ở chốn thôn quê trôi đi bình lặng, bỗng những ngày đầu tháng 9 vừa qua, mưa lớn ập đến. Hết ngày này qua ngày khác, mưa như chút nước, người dân Tà Han sống trong lo lắng với dự cảm chẳng lành. Sống giữa núi rừng, lũ chẳng thể ngập đến nhà, nhưng mưa liên tục nhiều ngày nên những ngọn đồi dần “no” nước.
Chỉ vài ngày mưa lớn, những ngọn núi phía sau làng như rung chuyển, vết nứt xuất hiện, cuộc sống bình yên bị phá vỡ.
Nhà có 3 người, 2 vợ chồng với con nhỏ, chị Hoàng Thị Sía cảm nhận được nguy hiểm đang rình rập, ngọn núi phía sau nhà có thể sạt xuống bất cứ lúc nào. “Khi phát hiện vết nứt, dân bản đã báo chính quyền địa phương, sau đó mọi người được chính quyền và người dân hỗ trợ đưa đồ đạc dọn đến nơi ở tạm. Lúc đó chỉ mong di chuyển càng sớm càng tốt, ở nhà cũ cũng không dám ngủ”, chị Sía chia sẻ.
Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 20 hộ dân Tà Han dọn đến nơi ở tạm. Cũng chỉ mất vài ngày, một khu lán bạt tạm được dựng lên ở bãi sân rộng của thôn, cách bản khoảng 1km.
Những ngày đầu, mình cũng không biết dọn ra ở tạm sẽ sống như thế nào nữa, khu lán ở tạm chật chội, đồ dùng thiếu thốn. “Lúc đó, ngày nào cũng có các đoàn đến tặng quà, lúc thì mì tôm, gạo, nước nên chúng tôi cũng đỡ phần nào vất vả, con cái được chăm lo đầy đủ. Dù là ở lán bạt nhưng bà con trong thôn đùm bọc nhau, lúc khó khăn mới thấy tình làng, nghĩa xóm, sự giúp đỡ quý báu của mọi người”, chị Sía xúc động nói.
Gia đình chị Ngô Thị Thía cũng đến ở khu lán tạm từ giữa tháng 9, đã ở tạm thì bao bộn bề vất vả, những ngày trời nắng, nhà tạm lợp bằng bạt nên nóng bức, đêm về khuya mới ngủ được.
"Mưa thì ướt, nắng thì nóng, mỗi khi nấu cơm khói bay vào trong lán, trẻ con không chịu được. Mấy hôm đầu cuộc sống bị đảo lộn, nhưng giờ cũng đã quen dần, bây giờ trời không mưa, ban ngày tôi vào bản làm đồng, tối mới về", chị Thía cho biết.
Xây dựng khu tái định cư kiểu mẫu
Trên đỉnh Tà Han, trời trưa đang độ nắng gắt, bản làng chìm trong yên tĩnh, bỗng tiếng kẻng vang lên, doanh trại rộn tiếng cười nói, nhưng nhìn từ xa vẫn ngăn nắp, chỉn chu.
Thượng tá Hoàng Quốc Cường, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn đang tất bật phân công nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sỹ trước khi vào ca làm việc. Chỉ vài phút sau, Tà Han bỗng nhộn nhịp, ngay chính giữa khu tái định cư máy xúc, ô tô tấp nập vận chuyển đất. Phía dưới, ở khu đất rộng đã được san ủi mặt bằng, từng tốp bộ đội đang miệt mài làm việc.
Một nhóm chiến sỹ trẻ đang cắt, hàn sắt để chuyển bị làm móng, phía bên đối diện hàng chục bộ đội đang xây tường, rồi ở góc trong cùng, dân bản đang cùng đào móng.
Binh nhất Phan Văn Tùng, Lữ đoàn Phòng không 210 (Quân khu I) vừa làm vừa lau mồ hôi nhễ nhại. Chỉ một năm trước, Tùng chưa từng biết xây nhà, nhưng nay từng động tác xúc vữa, đặt gạch vừa nhanh, chính xác không khác gì một thợ xây chính hiệu.
“Trước khi lên đây nhận nhiệm vụ, các chiến sỹ đã được quán triệt rất rõ quyết tâm, thời gian hoàn thành công trình để kịp cho bà con đón Tết. Tất cả chiến sỹ đang quyết tâm cao nhất, không quản mưa nắng theo sự phân công của chỉ huy đơn vị và chỉ huy công trường”, Phan Văn Tùng thể hiện sự quyết tâm.
Đã dần về chiều, mặt trời cũng dần khuất bóng sau những rặng cây, công trường trên đỉnh Tà Han vẫn sôi động không kém gì đầu giờ làm việc. Đứng giữa trung tâm công trường, Thượng tá Hoàng Quốc Cường vẫn liên tục quan sát, chỉ huy từng tốp chiến sỹ làm việc. Vừa thấy ông nhắc nhở chiến sỹ xây tường, thoát cái đã thấy ở bên tổ đang làm móng. Chỉ chưa đầy một tháng, khu tái định cư đã dần hình thành, nhiều ngôi nhà đã xây tường cao hơn 1m.
Giữa tiếng ồn ào của máy móc, chúng tôi vẫn nhận ra dân bản đang miệt mài cùng bộ đội xúc đất, chuyển gạch. Hàng ngày có hàng chục người dân đến làm việc cùng bộ đội, ai biết xây thì làm thợ, ai khỏe thì đổ bê tông, phụ nữ xúc đất làm móng. Công trường thắm thiết tình quân dân.
Chị Hoàng Thị Sía đã nhiều ngày gắn bó với công trường, nắng cũng như mưa, được giao việc gì chị đều làm tốt. Mong ước bấy lâu có ngôi nhà mới giờ sắp thành hiện thực.
Lo công việc của công trường nhưng Thượng tá Hoàng Quốc Cường vẫn dành thời gian ít ỏi chia sẻ với chúng tôi, trước thực trạng của người dân Tà Han, Bộ Quốc phòng đã quyết định hỗ trợ xây dựng khu tái định cư ở đây. Quân đội đã huy động gần 200 cán bộ, chiến sỹ từ nhiều đơn vị của Quân khu I, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tham gia làm việc ngày đêm. Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ phải hoàn thành khu tái định cư, bàn giao 25 ngôi nhà cho các hộ trước 31/12/2024, chúng tôi sẽ quyết tâm hoàn thành trước tiến độ.
“Từ khi nhận nhiệm vụ, cán bộ chiến sỹ thể hiện quyết tâm cao độ, thực hiện nghiêm kỷ luật, công việc được phân công rõ ràng nên tiến độ được chúng tôi cập nhật từng ngày đúng theo kế hoạch. Chúng tôi luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, không chỉ là thi công xây dựng mà còn là trách nhiệm với đồng bào. Khi lên đây, bộ đội được dân bản ủng hộ rất nhiều, vừa giúp xây nhà vừa giúp lo hậu cần, tình quân dân được thể hiện rõ nét”, Thượng tá Cường vui vẻ nói.
Đi bộ ngược lên phía sau khu tái định cư, doanh trại của bộ đội dù là lán tạm nhưng ngăn nắp, sạch sẽ. Ở dãy nhà bếp, một vài chiến sỹ đang nổi lửa thổi cơm chiều. Phía bên đối diện, mấy chị dân bản đang gọt vỏ bí, xa xa một tốp đang chẻ củi. Vừa trò chuyện cùng các chiến sỹ hậu cần, nhìn xuống phía dưới, khu tái định cư đã thành hình. Tết này bà con sẽ có nhà mới.
Chia tay công trường, xe chở chúng tôi gập ghềnh, nghiêng ngả trên con đường đất vừa làm xong để chở vật liệu, phía trước xe một tốp dân bản đang gùi nhu yếu phẩm lên cho bộ đội.
Khu tái định cư Tà Han được xây dựng với tổng kinh phí 28 tỷ đồng do Bộ Quốc phòng hỗ trợ. Khu tái định cư này có tổng diện tích gần 15.000m2, về đây ở, người dân sẽ có nhà rộng 140m2 với 3 gian chính và bếp. Nhà được thiết kế theo tiêu chuẩn nhà ở nông thôn, với hệ thống điện, nước và đường giao thông đồng bộ.