Dù đã đầu tư đường ống kéo nước sạch nhưng đến nay bà Thanh vẫn không có nước dùng. Ảnh: TN |
Đáng nói hơn, nước sạch là một trong những tiêu chí đánh giá đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nhưng Hộ Độ vẫn được công nhận xã NTM năm 2016…
Với đặc thù là vùng đất ven biển bị nhiễm mặn, cả xã Hộ Độ không có giếng nước nào không nhiễm phèn, nhiễm mặn. Nhiều gia đình dù khoan giếng cả trăm mét cũng không có nước ngọt để sinh hoạt, người dân chấp nhận bơm nước giếng lên lọc qua sơ sài rồi sử dụng, một số hộ có điều kiện xây bể lọc nước mưa để dùng.
Yên Thọ là một trong những thôn nhiễm mặn nặng nhất xã. Nhiều người dân sử dụng nguồn nước từ giếng đào bị mẩn ngứa, nhất là trẻ em. Để có nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt quanh năm phải tiết kiệm từng giọt nước. Mỗi lần tắm rửa, giặt giũ phải dùng nước giếng đào rồi “tráng” qua bằng nước mưa lần cuối.
Ông Lê Sơn, xóm Yên Thọ cho biết: “Vấn đề nước sinh hoạt nơi đây nan giải từ hàng chục năm nay rồi. Nước giếng bơm lên có màu vàng, vị mặn, để một lúc xuất hiện váng nổi lên. Nhiều gia đình lọc hai, ba lần vẫn có mùi tanh. Mấy năm trước, gia đình tôi xây bể lọc nước mưa mà năm nào cũng phải xách xô đi xin nước hàng xóm, chờ mưa mới có nước dùng tiếp”.
Để có nước sinh hoạt, ông bỏ tiền xây bể lọc nước mưa với dung tích 8m3 chỉ dùng ăn uống, còn tắm giặt ông phải xài nước giếng nhiễm mặn và chỉ tráng nước mưa ở lần cuối. Dù đã rất tằn tiện nhưng gia đình đông người nên cứ vào đầu mùa hè bể chứa nước gần như cạn kiệt. Hàng ngày ông Sơn cùng con cháu thay nhau xách xô sang xin nước hàng xóm.
Không chỉ ông Sơn mà hàng trăm hộ dân xã Hộ Độ phải sống chung với tình trạng “khát” nước sinh hoạt, nhiều nhất ở xóm Liên Xuân, Xuân Tây, Tân Quỹ, Yên Thọ... Sau nhiều lần kiến nghị lên các cấp, năm 2005, dự án cấp nước sạch với tổng số vốn gần 3 tỷ đồng về tới xã Hộ Độ. Mỗi thôn được lắp đặt hệ thống bể chứa cỡ lớn để cung cấp nước cho bà con.
Cứ vào mùa hè, bà Thanh lại xách xô sang hàng xóm xin nước về dùng. Ảnh: TĐ |
Tuy nhiên, do đầu tư thiếu đồng bộ nên dự án này chỉ cấp nước cho khoảng 30% hộ dân ở phía đầu nguồn, số còn lại vẫn phải dùng nguồn nước giếng đào nhiễm phèn, nhiễm mặn. Trớ trêu hơn, nhiều gia đình dù đã đầu tư đường ống kéo nước sạch về nhà nhưng vẫn không có nước sinh hoạt.
Bà Nguyễn Thị Thanh bức xúc: “Mong muốn có nước sạch để sinh hoạt, tôi bỏ tiền mua đường ống kéo nước sạch về tận nhà nhưng năm nào cũng sống trong cảnh thiếu nước. Mỗi lần có nước là tôi phải trữ vào tất cả các vật dung để dùng dần mà vẫn không đủ. Khoảng hai tháng đầu năm còn có vài hôm có nước chứ nhiều tháng nay không hề có tí nước nào”.
Lý giải, ông Phan Đình Hinh, Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết: “Do phần thiết kế đường ống thời điểm đó quá nhỏ và đầu tư thiếu đồng bộ nên nước không thể điều tiết về tuyến cuối, chỉ có những hộ dân sống gần dự án mới có nước. Vì vậy nhiều gia đình đã đóng tiền nhưng vẫn chưa có nước sạch sinh hoạt”.
Ngạc nhiên hơn khi Hộ Độ là một trong những xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016. Ông Hinh cho biết: “Xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và đến năm ngoái được tỉnh phê duyệt dự án xây dựng đường ống cấp nước trên địa bàn xã. Dự án được triển khai từ tháng 10/2017 với tổng kinh phí 8,5 tỷ đồng trong đó nguồn đóng góp từ người dân khoảng 2,6 tỷ đồng”. Theo kế hoạch dự án sẽ hoàn tất đầu tháng 5/2018 nhưng đến nay dự án vẫn dang dở. Ông Hinh cho biết: “Theo thiết kế ban đầu đường ống đi dưới đất, không phù hợp nên mất thời gian điều chỉnh lại. Ngoài ra, đường ống có đoạn đi qua đường 15B vướng mặt bằng, đền bù làm chậm tiến độ”. |