| Hotline: 0983.970.780

Dân miền Tây xứ Nghệ khốn khổ vì thủy điện mọc lên như nấm

Thứ Hai 08/10/2018 , 13:05 (GMT+7)

Những tưởng các công trình thủy điện đi vào hoạt động sẽ góp phần thay đổi diện mạo khu vực miền Tây xứ Nghệ, đời sống của đồng bào vùng cao ngày một ấm no, đủ đầy. Tiếc thay đó chỉ là ước mơ viển vông, chí ít là đến thời điểm hiện tại.

Vì thủy điện, mất hàng ngàn ha đất

Những năm gần đây các nhà máy thủy điện trên địa bàn Nghệ An mọc lên như nấm sau mưa. Riêng tại lưu vực sông Cả, tính từ địa giới hành chính huyện Kỳ Sơn kéo xuống huyện Anh Sơn có đến 28 công trình lớn nhỏ nằm trong quy hoạch.

13-15-30_1
Về lâu dài dân cư 2 bên bờ sông của xã Xá Lượng có nguy cơ biến mất

Đáng nói giai đoạn “hoàng kim” này của thủy điện cũng chính là mốc thời gian thiên tai xuất hiện ngày càng dày đặc, lũ chồng lũ thi nhau đọa đày cuộc sống của đồng bào miền cao xứ Nghệ.

Trên lý thuyết, quá trình hoạt động của các nhà máy sẽ góp phần thúc đẩy tình hình KT-XH của tỉnh thông qua số tiền thuế khá lớn hàng năm. Tiếc thay ở chiều ngược lại, những đơn vị này chính là tác nhân kéo theo muôn vàn hệ lụy mà hậu quả đang sờ sờ ngay trước mắt.

Nếu nhìn vào con số thống kê, hẳn nhiều người sẽ giật mình. Nhằm lấy địa điểm cho các nhà đầu tư xây dựng công trình, các cấp, ngành liên quan đã ưu ái quy hoạch quỹ đất lên đến hàng ngàn ha. Sơ bộ tất thảy 37 dự án thủy điện (32 công trình đã hoạt động và đang hoàn thiện, 5 dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục) “ngốn” trên dưới 3.500 ha đất, đứng đầu là Hủa Na, Khe Bố, Bản Vẽ, Châu Thôn… Đáng nói diện tích đất ngoài lâm nghiệp chỉ chiếm khoảng 150 ha.

13-15-30_2
Ảnh: V.K

Do tính chất đặc thù, suốt bao đời nay đồng bào vùng cao gắn bó mật thiết với rừng không thể tách rời. Nhưng khi tư liệu sản xuất không còn giữ nguyên hiện trạng, đồng nghĩa với quyền lợi của họ đang bị xâm phạm nặng nề. Mất rừng đâu chỉ mất kế sinh nhai, tầng tầng lớp lớp cây xanh bị chặt phá không thương tiếc khiến cho nền đất trở nên mong manh, cứ thế thiên tai, bão lũ mặc sức tàn phá…
 

Chất chồng nỗi lo

Mỗi khi nhắc đến các nhà máy thủy điện, dân bản Xá Lượng (Tương Dương, Nghệ An) lại lắc đầu ngao ngán. Như “gãi đúng chỗ ngứa”, bà con không ngần ngại vạch tội: Vì sao đền bù chưa thỏa đáng cho dân đã tiến hành xây dựng và đi vào hoạt động? Mỗi lần xả lũ gây thiệt hại nhưng không thực hiện kiểm đếm, không đền bù có vi phạm pháp luật không? Không hỗ trợ, không nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng ảnh hưởng, các nhà máy thủy điện có quyền gì lấy đất? Nhân dân không có nhu cầu bán đất, sao phải di dời và chấp nhận đền bù không thỏa đáng?

Sau cơn bão số 3, số 4, đặc biệt là sau đợt xả lũ diễn ra vào 2 ngày 30 và 31/8 vừa qua, bức xúc của người dân Xá Lượng càng dâng cao. Nhiều người quả quyết, từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới tận mắt chứng kiện cơn “đại hồng thủy” kinh hoàng đến vậy.

Nhẩm tính sơ qua có đến hàng trăm gia đình bị liên đới, có những nhà bị sập, buộc phải tháo dỡ, 19 nhà khác nguy cơ sạt lở cao phải tiến hành di dời. Cầu khe Dài qua bản Cửa Rào 1 bị ngập sâu gây chia cắt, nhiều tuyến đường, một số hạng mục, công trình hư hỏng nặng. Với diễn biến như lúc này, về lâu dài dân cư ven sông thuộc các bản Cửa Rào 2, Cửa Rào 1, Xiêng Hương, bản Ang, Lở có nguy cơ biến mất hoàn toàn.

13-15-30_3
13-15-30_4
Tương tự thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Nậm Nơn (ảnh) là nguyên nhân gây xáo trộn cuộc sống của người dân

Ý thức được điều đó, chính quyền địa phương đã thực hiện công tác kiểm đếm, phía huyện Tương Dương cũng gấp rút hỗ trợ di dời theo quy định. Nhưng cơ bản đây chỉ là phương án tạm thời, bởi nếu dựa theo chính sách của nhà nước thì nguồn kinh phí nói trên quá ít ỏi để người dân yên tâm sinh sống lâu dài ở vùng đất mới.

Theo thời gian, giấc mơ của dân bản Xá Lượng về một cuộc sống ấm no, sung túc khi có các công trình thủy điện đang dần tan biến như bọt biển. Thay thế cho những kỳ vọng lớn lại là nỗi thất vọng tràn trề, niềm tin đã rớt chạm đáy.

Ông Vy Xuân Hải, trú tại bản Xiêng Hương thở ngắn than dài: “Nhà cách thủy điện Nậm Nơn chỉ vài chục mét, bị ảnh hưởng ra sao tôi là người thấu hiểu hơn ai hết. Không có thủy điện cuộc sống yên ổn, nay mọi thứ đảo lộn hết cả rồi”.

Tương tự Xá Lượng, Lượng Minh nằm trong số 9 xã trên địa bàn huyện Tương Dương bị thiệt hại lớn. Trên đầu có thủy điện Bản Vẽ, kề ngay dưới là thủy điện Nậm Nơn, 2 gọng kìm thi nhau siết chặt khiến cuộc sống của bà con khổ vô cùng tận.

Cụ thể, trên tổng số 1.147 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 64%, còn lại đa phần thuộc diện cận nghèo. Không chút ngần ngại, Chủ tịch Vi Đình Phúc nói thẳng: “Đói nghèo có phần trách nhiệm của thủy điện”.

13-15-30_5
Căn nhà của ông Vy Xuân Hải biến thành đống đổ nát sau trận xả lũ

Trong đơn kiến nghị gửi đến các cấp, ngành liên quan, người dân sinh sống tại 4 bản bị tàn phá nặng nề nhất (bản Lạ, Xốp Mạt, Minh Phương, Cối) khẳng định: “Ngày 30 và 31/8, nhà máy Thủy điện Bản Vẽ xả lũ đỉnh điểm 4.200 m3/s gây thiệt hại quá lớn. 31 hộ có nhà bị sập, bị ngập, có nguy cơ sạt lở cao phải di dời khẩn cấp, hiện nhiều gia đình đang trong tình cảnh màn trời chiếu đất, không biết xoay xở ra sao…”.

Cần biết rằng, trong “phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập” năm 2018, phía Thủy điện Bản Vẽ có đề cập 2 nội dung: “Sau mỗi trận lũ, công ty sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá tình hình thiệt hại. Nếu có thiệt hại do lũ gây ra thì chủ động phối hợp với chính quyền địa phương điều tra xử lý kịp thời” và “Sau trận lũ, thực hiện thông báo lại bằng điện thoại, fax, còi hú, loa pin cầm tay, tháo gỡ các biển báo cho nhân dân xung quanh công trình biết. Phối hợp với địa phương tổ chức điều tra thiệt hại khắc phục hậu quả theo quy định”.

Nếu dựa vào diễn biến tình hình thực tế, rõ ràng chủ đầu tư không thực hiện như cam kết.

Sau 2 trận bão và quá trình xả lũ, tỉnh Nghệ An thiệt hại hơn 458 tỷ đồng, trong đó riêng 4 huyện trọng điểm “thủy điện” thuộc tuyến QL7 mất mát vô cùng lớn (huyện Kỳ Sơn 159 tỷ đồng, Tương Dương 101 tỷ, Con Cuông 82,5 tỷ và Anh Sơn khoảng 70 tỷ). Liên quan đến nội dung trên, ngày 12/9/2018, Cty Thủy điện Bản Vẽ, “tác nhân chính” đã đề xuất lên Tổng Công ty Phát điện I hỗ trợ tạm thời cho 2 huyện Con Cuông và Tương Dương số tiền… 500 triệu đồng.

 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.