| Hotline: 0983.970.780

Thủy điện mọc lên tai ương ập xuống: 1 huyện 6 thủy điện, chịu sao thấu!

Thứ Năm 04/10/2018 , 13:20 (GMT+7)

Do điều kiện tự nhiên đặc thù, người dân miền núi cao tại huyện Tương Dương (Nghệ An) thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét tàn phá. Nay nỗi lo nhân lên gấp bội...

Nay nỗi lo nhân lên gấp bội khi tình trạng ngập lụt xảy đến liên miên, kể từ lúc các công trình thủy điện chính thức mọc lên như nấm!
 

Lợi bất cập hại

Tỉnh Nghệ An có tổng cộng 32 dự án thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, chưa kể 5 dự án khác đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục. Công tác “quy hoạch” của tỉnh này thực sự khiến dư luận phải giật mình, nhất là khi thủy điện mọc đến đâu thì niềm tin của người dân sụt giảm đến đó.

16-53-36_3
Huyện Tương Dương chịu ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 4 và quá trình xả lũ của các nhà máy thủy điện

Nhìn thực tế tại huyện Tương Dương. Chẳng hiểu các cấp, ngành liên quan dựa vào đâu mà “ưu ái” cho các nhà đầu tư xây dựng liền 6 công trình thủy điện trên mảnh đất lắm thiên tai này. Nào thủy điện Bản Ang, Khe Bố, Nậm Nơn, Bản Vẽ, đã đi vào hoạt động, thủy điện Xoong Con đang xây dựng và một phần diện tích lòng hồ của thủy điện Chi Khê.

Báo cáo của UBND huyện Tương Dương cho thấy, thủy điện xả lũ trong đợt mưa lớn vừa qua gây thiệt hại nặng nề về nhà, tài sản và các công trình hạ tầng trên địa bàn. Theo số liệu tổng hợp của các phòng, ban, cơn bão số 4 và đợt xả lũ làm ảnh hưởng hơn 500 nhà dân, trên 160 ha cây trồng bị ngập, trên 1.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, nhiều tuyến đường giao thông sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng… Tổng thiệt hại trên 101 tỷ đồng, trong lúc Tương Dương là huyện rất nghèo.

Trao đổi với NNVN, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, ông Nguyễn Văn Hải khẳng định: “Người dân sinh sống dưới khu vực hạ du không an tâm với tình hình hiện tại”.
 

Dửng dưng trước mất mát người dân

Sau khi gấp rút thống kê mức độ thiệt hại, một mặt huyện Tương Dương làm công văn đề nghị tỉnh Nghệ An và Chính phủ hỗ trợ kinh phí khắc phục, mặt khác yêu cầu các nhà máy thủy điện phải có trách nhiệm theo mức độ thiệt hại gây ra. Ghi nhận đến thời điểm này, một số đơn vị chưa chịu hợp tác, trong đó có Thủy điện Bản Vẽ.

16-53-36_4
Nhiều gia đình lâm vào tình cảnh khốn khó

Bà Nguyễn Thị Vinh (SN 1962, trú tại bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng) thốt lên cay đắng: “Ngày 31/8 mặc dù trời không mưa nhưng nước sông dâng lên cuồn cuộn, phía thượng nguồn thủy điện xả lũ quá lớn tạo ra sức nước kinh người. Sóng đập mạnh liên hồi không ngớt, chẳng mấy chốc đã cuốn trôi tất thảy. Trong tích tắc mẹ con tôi lâm vào tình cảnh màn trời chiếu đất, phải ăn nhờ ở đậu suốt cả tháng nay. Hậu quả do quá trình vận hành của các nhà máy thủy điện gây nên nhưng họ chẳng mảy may đả động đến phương án đề bù, thứ duy nhất chúng tôi nhận được chỉ gói gọn 1 hộp mì tôm và 1 hộp lương khô, chua xót quá”.

Tâm tư của bà Vinh cũng chính là nỗi lòng của nhiều hộ dân khác tại huyện Tương Dương. Tính đến ngày 3/10 mới chỉ có Thủy điện Khe Bố tiến hành kiểm đếm, bước đầu cơ bản thống nhất phương án đền bù tại những vị trí gây ngập lụt. Trong khi đó, phía Thủy điện Nậm Nơn lần lữa hết lần này lượt khác. Về phía Thủy điện Bản Vẽ, đơn vị trực tiếp xả lũ lớn nhất, mặc dù huyện Tương Dương và tỉnh Nghệ An đã làm công văn hối thúc nhưng đơn vị này mới chỉ hỗ trợ “thăm hỏi” thông qua việc chi ra khoảng 500 triệu đồng nhằm xoa dịu tình hình, cần biết rằng con số này chẳng thấm tháp so với hậu quả nặng nề mà họ đã gây nên.

16-53-36_6
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Vinh bị nước cuốn trong chớp mắt

Liên quan đến những nội dung trên, ông Nguyễn Văn Hải thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Thủy điện Bản Vẽ phải tính toán kỹ lượng khi tiến hành xả mức 1.000 m3/s, 2.000 m3/s và tối đa 6.000 m3/s sẽ như thế nào, trong trường hợp gây ra thiệt hại phải có phương án bồi thường thỏa đáng cho nhân dân chứ không thể để như thế này được”.

Tại buổi tiếp xúc cử tri ở xã Xá Lượng (Tương Dương) ngày 3/10/2018, phần lớn những nội dung kiến nghị đều tập trung đến các vấn đề bất cập xung quanh quá trình hoạt động của các nhà máy thủy điện.

Ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp, ông Nguyễn Hữu Cầu - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An khẳng định: “Quan điểm của tỉnh Nghệ An là nhà máy thủy điện nào xả lũ gây ra thiệt hại cho nhân dân thì nhà máy đó phải đứng ra chịu trách nhiệm”.

 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.