| Hotline: 0983.970.780

Thủy điện không phép ở Lào Cai: DN 'biến mất' khỏi nơi đăng ký kinh doanh!?

Thứ Năm 04/10/2018 , 09:54 (GMT+7)

Trong những số báo trước đây, NNVN đã phản ánh câu chuyện 1 dự án thủy điện không phép mọc giữa xã Bản Hồ, huyện Sa Pa. Dù vậy, tỉnh Lào Cai chỉ “phê bình”, tạo điều kiện cho dự án tiếp tục triển khai dù cấp sở kiến nghị tạm dừng.

Doanh nghiệp này là ai mà được ưu ái đến vậy?
 

Doanh nghiệp “bốc hơi”?

Để thông tin được khách quan, nhiều lần chúng tôi liên hệ qua điện thoại với ông Phạm Hải Hà, GĐ doanh nghiệp trên (Cty CP Công nghiệp Việt Long) nhưng bất thành. Qua tìm hiểu, DN này đăng ký kinh doanh tại địa chỉ tầng 2, Tòa nhà hội trường, số 12 Đào Tấn, P. Cống Vị, Q. Ba Đình, Hà Nội. Chúng tôi tìm tới địa chỉ DN đăng ký thì đây lại là trụ sở Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ).

11-17-34_1
Trụ sở Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước – nơi Cty Việt Long đăng ký kinh doanh

Trao đổi với PV, bà Bùi Thị Kim Hương, Phó chánh văn phòng Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước xác nhận, đúng là DN này đăng ký kinh doanh tại đây nhưng đã chuyển đi được vài năm. “Họ đặt trụ sở trên tầng 2, khi đó cũng có biển hiệu, cũng có người ra vào hoạt động nhưng cụ thể như thế nào thì tôi không nắm được”, bà Hương cho biết. Cũng theo bà Hương, khi Cty Việt Long chuyển đi có gửi lại cho Cục thông tin gì đó, viết bằng tiếng Anh, lâu quá rồi nên không còn giữ.

Theo các luật sư, việc DN tư nhân thành lập, đặt trụ sở tại đơn vị nhà nước thì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, giữa hai bên phải có hợp đồng thuê văn phòng để làm trụ sở, đặt địa chỉ liên hệ đăng ký kinh doanh. Nếu không có hợp đồng và địa chỉ ảo thì trách nhiệm thuộc về cơ quan thuế thẩm định để cấp giấy phép kinh doanh. Bởi, trước khi cấp phép, cán bộ thuế tại nơi đăng ký kinh doanh phải trực tiếp đến kiểm tra cơ sở vật chất. Khi có đầy đủ thông tin nội dung cơ sở và trách nhiệm đơn vị cho thuê với bản hợp đồng mới đủ điều kiện cấp phép.

Để làm rõ hơn việc hoạt động của DN này, PV đã liên hệ, đặt lịch làm việc với các đơn vị liên quan của UBND quận Ba Đình. Tuy nhiên, đến nay đã 2 tuần, quận Ba Đình vẫn bặt vô âm tín.
 

Thế chấp cả dự án thủy điện dở dang?

Vì sao một DN triển khai dự án theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” vẫn được tỉnh Lào Cai ưu ái đến vậy khi tiếp tục cho triển khai. Tại Lào Cai, DN này còn là chủ sở hữu của Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 đầy tai tiếng cũng tại huyện Sa Pa. Nhiều người cho rằng, DN này đang chơi bài “tiền trảm hậu tấu”, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhiều nguyên nhân là do các khoản đăng ký giao dịch với các ngân hàng ngày một dày lên.

11-17-34_2
Doanh nghiệp này thế chấp cả dự án thủy điện dở dang để vay tiền

Theo một nguồn tin riêng của NNVN, từ tháng 3/2015 tới nay, nhiều lần Cty Việt Long đã đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản để vay tiền từ các ngân hàng. Điển hình như tại hợp đồng số HOE/FL/2015… ngày 26/3/2016, vay số tiền 578,4 triệu đồng từ một ngân hàng có địa chỉ trên đường Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tài sản đảm bảo là 1 xe ô tô bán tải hiệu Nissan Navara NP 300. Cũng tại ngân hàng này, vào tháng 7/2015, Cty Việt Long tiếp tục giao dịch khoản vay 1 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 1 xe ô tô tải nhãn hiệu Howo.

Thậm chí, vào tháng 7/2016, khi dự án thủy điện Sử Pán 1 vẫn đang bị “trùm mền”, DN này vẫn đem toàn bộ dự án đem đảm bảo, đăng ký giao dịch vay tiền tại chi nhánh một ngân hàng lớn khu vực TP. Hà Giang. Cụ thể, tài sản đảm bảo là toàn bộ hệ thống thiết bị công nghệ đầu tư cho dự án nhà máy thủy điện Sử Pán 1 và hệ thống thiết bị phục vụ vận hành và truyển tải điện cho nhà máy; thiết bị đóng ngắt trong và ngoài nhà máy. Các công trình tạm và phụ trợ khác bao gồm: đường nội bộ phục vụ thi công và vận hành, cống xả, kênh truyền nước, cửa lấy nước, đường dẫn hầm, tháp điều áp, đường ống áp lực thuộc thủy điện Sử Pán1, khu lán trại phụ trợ phục vụ thi công, lưới điện và hệ thống nước phục vụ thi công. Các chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí quản lý dự án, chi phí khác cả lãi vay và chi phí dự phòng thuộc công trình thủy điện Sử Pán 1. Giá trị tài sản: 1.013.175.000.000 đồng.

Ngoài ra, dự án thủy điện Thác Vàng ở xã Yên Phú, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cũng được DN  này đem thế chấp đảm bảo tài sản vay tại cùng một chi nhánh kể trên ở Hà Giang. Nhiều tài sản như các loại ô tô, nhà ở, biệt thự… cũng được DN này đem đảo bảo các khoản vay hàng chục tỷ đồng!

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Bình luận mới nhất