| Hotline: 0983.970.780

Dân 'quây' nhà máy, rác bốc mùi hôi thối ùn ứ khắp nơi

Thứ Tư 11/09/2019 , 09:40 (GMT+7)

Lò đốt rác bị người dân phản đối không cho xây dựng, các bãi rác thì quá tải khiến cho một lượng rác thải khổng lồ ứ đọng khắp nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gây phản cảm và ô nhiễm môi trường.

Rác khắp mọi nơi

Thời gian qua, người dân ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam “kêu trời” vì liên tục hứng chịu mùi hôi bốc ra từ các điểm tập kết rác tạm. Bình thường, tại các điểm tập kết này cứ vài ngày lại có xe rác đến thu gom chở về bãi nhưng nửa tháng nay, không có xe nào đến chở khiến mỗi ngày lượng rác tồn đọng càng nhiều hơn.

Nhiều ngày không có xe đến thu gom xử lý khiến cho lượng rác ùn ứ, chất thành đống.

Từ một bãi rác nhỏ sau một thời gian không thu gom đã trở thành một “núi” rác. Nội tạng, xác động vật được đựng trong túi nilon bị phân hủy bốc mùi thôi thối nồng nặc. Rác thải ứ đọng khắp nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. 

Ông Lê Minh Tuấn (43 tuổi, trú khối 5, phường Trường Xuân) cho biết, lâu ngày không có xe đến thu gom nên nhiều khu vực trước cổng nhà, cổng trường và quốc lộ 40B bất đắc dĩ trở thành bãi tập kết rác. Việc rác thải không thể thu gom, ùn ứ khắp nơi đã gây ra rất nhiều hệ lụy.

“Thời gian gần đây trên địa bàn Quảng Nam đang bùng phát mạnh dịch sốt xuất huyết. Việc rác ứ đọng đã tạo điều kiện rất lớn cho ruồi, nhặng, côn trùng và bọ gậy phát triển sẽ khiến cho dịch sốt xuất huyết phát triển nhanh, lan rộng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống người dân”, ông Tuấn nói.

Theo ghi nhận, tại ven tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 40B hay các tuyến đường ở khu dân cư, trước cổng chợ đoạn qua các huyện: Phú Ninh, Tiên Phước, Thăng Bình, Hiệp Đức, Duy Xuyên, TX.Điện Bàn… xuất hiện nhiều điểm tập kết rác tự phát chất thành từng đống đủ thể loại, bốc mùi hôi thối nhưng chưa được thu gom, xử lý.

Tình trạng rác thải tập kết dọc trên các tuyến đường liên huyện, quốc lộ ở Quảng Nam đã diễn ra hơn nửa tháng nay

Qua quan sát, nhiều thùng đựng rác của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam không còn chỗ chứa, việc tập kết rác bằng các bao bì sơ sài, động vật tha rác vương vãi trên đường. Do trời mưa, rác thải lại để lâu ngày không thu gom xuất hiện tình trạng ruồi, muỗi bu bám đầy các bãi rác tạm.

Cần người dân đồng thuận để xử lý

Được biết, nguyên nhân khiến rác ứ đọng trong thời gian dài là do khu chứa và xử lý rác thải Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành) bị người dân ngăn cản, không cho xe chở rác vào. Từ đó khiến cho lượng rác đổ về bãi chôn lấp Tam Nghĩa (huyện Núi Thành) tăng mạnh. Lo ngại ô nhiễm, người dân sinh sống gần bãi rác Tam Nghĩa đã ra ngăn cản, buộc phải dừng hoạt động.

Qua thời gian vận động người dân, ngày 26/8, bãi chôn lấp rác Tam Nghĩa đã hoạt động trở lại, công nhân môi trường đã tiến hành đi thu gom, xử lý rác trên địa bàn riêng huyện Núi Thành. Còn các địa phương khác như: Phú Ninh, Tiên Phước, Thăng Bình, Hiệp Đức, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn vẫn chưa có hướng xử lý lượng rác tồn đọng.

Người dân lo ngại việc rác ùn ứ sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trước tình trạng trên, ngày 26/8, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ điều kiện thực tế nghiên cứu giải pháp quản lý rác thải tại địa phương để hạn chế mức thấp nhất các tác động đến môi trường trong thời gian chờ xử lý sự cố. Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đồng ý cho Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam triển khai xây dựng một lò đốt rác với công suất 240 tấn/ngày tại bãi rác Tam Xuân 2 để dần thay thế phương pháp chôn lấp rác như hiện nay.

Ông Đoàn Kim Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cho hay, sau khi bãi rác Tam Nghĩa hoạt động trở lại thì rác thải ứ đọng trên toàn địa bàn huyện Núi Thành đã được thu gom đưa về bãi. Một số địa phương như Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Hiệp Đức… lượng rác còn tồn đọng khá lớn do bãi rác Tam Xuân 2 vẫn chưa hoạt động trở lại. Hiện nay, trên toàn tỉnh Quảng Nam lượng rác còn tồn đọng khoảng 15.000 m3.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.