| Hotline: 0983.970.780

Xã Dân Quyền khổ vì sạt lở

Thứ Hai 01/07/2024 , 09:00 (GMT+7)

Tình trạng sạt lở bờ vở sông Đà khiến người dân xã Dân Quyền (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) lo lắng vì đất sản xuất, nhà cửa không biết đổ xuống sông lúc nào.

Sạt lở nghiêm trọng bờ vở sông Đà ở xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh.

Sạt lở nghiêm trọng bờ vở sông Đà ở xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh.

Sông nuốt đất của dân, đe dọa an toàn cầu Trung Hà

Nằm ở khu vực ngã ba sông Đà và sông Thao, Dân Quyền từ bao đời nay là xã thuần nông, những bãi bờ ngô, chuối, hoa màu ven sông là “nồi cơm”, nguồn sống của hàng nghìn hộ dân trong xã.
Mặc dù vậy, mấy năm trở lại đây, nhất là vào những mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở bờ vở sông ngày càng diễn ra nghiêm trọng, nuốt nhiều diện tích đất sản xuất, uy hiếp đời sống người dân.
"Một trận mưa mất toi cả trăm triệu đồng", anh Nguyễn Văn Dũng, một hộ dân sống ở khu 13 xã Dân Quyền chua xót.

Mùa lũ năm ngoái, vị trí sạt lở ở km31+650 đến km32+250 với tổng chiều dài khoảng 600m và ăn sâu vào đất liền từ 50m đến 70m, cuốn trôi mất nhiều diện tích đất canh tác của người dân và chỉ còn cách hơn chục mét nữa là đến khu dân cư. Năm nay, vị trí sạt lở xảy ra ở đoạn km32+800 đến km33+400 thuộc khu 13, 14 của xã Dân Quyền, tốc độ nhanh và diễn biến rất phức tạp.

Vườn chuối của gia đình anh Dũng bị cuốn xuống sông, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Hoàng Anh. 

Vườn chuối của gia đình anh Dũng bị cuốn xuống sông, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Hoàng Anh. 

Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng thuê lại 10 sào đất bãi của người dân trong xã để trồng chuối, chỉ một trận mưa đã cuốn trôi hơn 1.000 cây chuối đang thời kỳ trổ bông, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Mỗi ngày ra thăm vườn chuối lại chứng kiến cảnh nước sông ăn vào đất bãi, ngoạm từng đám chuối đang xanh mướt cuốn đi mà không làm gì được.

Cách vườn chuối của gia đình anh Dũng không xa, khu đất trồng hoa của ông Nguyễn Văn Toản cũng chung cảnh ngộ. Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ vở sông Đà đã cuốn trôi của gia đình ông Toản hơn 1.000m2 đất, hơn 4.000 gốc hoa hồng, hoa cúc đang ở thời kỳ sắp thu hoạch.

"Gần 100m chạy dọc bờ sông trồng hoa đã bị sạt lở ăn sâu vào hơn 10m, tình trạng sạt lở diễn biến rất nhanh, đất đai, nhà cửa không biết đổ xuống sông lúc nào”, ông Toản lo lắng.

Bà Lê Hương Ly, Trưởng khu 13, xã Dân Quyền thông tin: Tình trạng sạt lở bờ vở sông Đà đã cuốn trôi nhiều diện tích đất đai, hoa màu của người dân, liên tục ăn sâu vào diện tích đất sản xuất và chỉ còn cách đê bối địa phương chừng 50m… Bà con và chính quyền địa phương mong muốn cấp trên bố trí kè khẩn cấp để đảm bảo đời sống, sản xuất, nhất là đối với hơn 150 hộ dân sinh sống, sản xuất dọc bờ sông Đà.

Ngoài diện tích đất sản xuất của người dân bị thiệt hại, vị trí sạt lở đang tiến sát phần móng trụ đầu cầu Trung Hà đang trong giai đoạn thi công, sửa chữa. Theo người dân và chính quyền xã Dân Quyền, nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cũng như đe dọa sự an toàn của công trình cầu Trung Hà. Đầu năm 2024, Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) từng có ý kiến đánh giá việc lòng sông dưới chân cầu Trung Hà bị xói lở và tình trạng hạ thấp lòng dẫn hệ thống sông Hồng - Thái Bình những năm gần đây diễn biến phức tạp, có nguyên nhân chính là do việc khai thác cát.

Sạt lở ngay sát chân cầu Trung Hà. Ảnh: Hoàng Anh.

Sạt lở ngay sát chân cầu Trung Hà. Ảnh: Hoàng Anh.

Vấn đề này đã được Bộ NN-PTNT tổng kết và đánh giá trong Báo cáo tổng kết công tác lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ những năm qua. Do đó, Cục Thủy lợi đề nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức thực hiện các giải pháp cấp bách, chủ động bảo đảm an toàn công trình cầu trong các đợt lấy nước.

Ông Nguyễn Trọng Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Quyền cũng cho biết, trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở khu 13, 14 của xã, UBND xã đã thông báo trên hệ thống truyền thanh về điểm sạt lở, đồng thời cho cắm biển báo, căng dây khu vực nguy hiểm không cho người dân và gia súc đến gần khu vực sạt lở. Đồng thời báo cáo UBND huyện Tam Nông để có đề xuất với các cấp có thẩm quyền liên quan, sớm có biện pháp xử lý kè khẩn cấp tại khu vực sạt lở nói trên.

Rào vị trí sạt lở và cảnh báo nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Hoàng Anh. 

Rào vị trí sạt lở và cảnh báo nguy cơ mất an toàn. Ảnh: Hoàng Anh. 

Tỉnh Phú Thọ công bố tình huống khẩn cấp

Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ vở sông Đà, bước đầu UBND xã Dân Quyền cho biết, nguyên nhân là do phía bờ Đông Nam sông Đà thuộc thành phố Hà Nội đã được kè gia cố, dòng chảy chuyển hướng sang bờ Tây Bắc thuộc xã Dân Quyền. Mặt khác, vào mùa mưa lũ, lượng mưa lớn từ thượng nguồn đổ về càng khiến tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng.

Xã báo cáo lên huyện, huyện báo cáo lên Sở NN-PTNT và UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Đà, đoạn từ km32+800 đến km33+400. Cả người dân lẫn chính quyền địa phương đều đang mong mỏi các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn cho người dân, cũng như đảm bảo về tài sản và công trình cầu Trung Hà trước mùa mưa bão.

Tình trạng sạt lở bờ vở sông Đà ngày càng phức tạp. Ảnh: Hoàng Anh.

Tình trạng sạt lở bờ vở sông Đà ngày càng phức tạp. Ảnh: Hoàng Anh.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết: Liên quan đến tình trạng sạt lở bờ vở sông Đà ở huyện Tam Nông, vào đầu tháng 6/2023, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 1030/QĐ-UBND, công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai bao gồm Phương án xử lý và Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp sự cố sạt lở bờ vở sông thuộc địa bàn xã Dân Quyền, huyện Tam Nông.

Ngay sau đó một dự án kè cấp bách được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Phú Thọ, Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác, kinh phí khoảng 15 tỷ đồng. UBND tỉnh Phú Thọ đã giao Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ triển khai dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ vở sông đoạn tương ứng từ km31+650 - km31+950 đê tả sông Đà, thuộc địa bàn xã Dân Quyền.

Phương án xử lý, quy mô xây dựng của dự án là kè hộ chân bằng đá hộc thả rời tạo cơ phản áp để chống sạt lở, chiều dài khoảng 300m. Sau hơn 3 tháng thi công, dự án hoàn thành và đã khắc phục phần nào tình trạng sạt lở. Tuy nhiên đến mùa mưa lũ năm nay, bờ vở sông Đà tiếp tục đổ xuống sông và đe dọa đến đất đai, hoa màu và tính mạng người dân.

Với tình trạng sạt lở bờ vở sông Đà như hiện nay, UBND tỉnh Phú Thọ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan ra soát toàn bộ những điểm có nguy cơ sạt lở và những điểm đang diễn ra tình trạng sạt lở, từ đó đánh giá, thẩm định mức độ và nguyên nhân sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời. Trường hợp những điểm sạt lở mạnh, nguy hiểm, cần căn cứ phân bổ nguồn vốn, đơn vị đề ra giải pháp để xây dựng kế hoạch xử lý, xử lý khẩn cấp. Mặt khác, tỉnh Phú Thọ đề nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ bổ sung nguồn vốn nếu dự án xử lý phòng, chống sạt lở bờ sông có tính chất phức tạp, phạm vi xử lý lớn…

Phần lớn diện tích đất bãi dọc bờ sông Đà của xã Dân Quyền là của các hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng được UBND xã giao, cho thuê để canh tác, sản xuất nông nghiệp từ hàng chục năm nay. Chỉ trong vòng 2 năm, phần sạt lở đã ăn sâu vào phía đất canh tác của người dân khoảng từ 70 - 80m chạy dài theo đê khoảng 600m khiến người dân vô cùng lo lắng.

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Bình luận mới nhất